Translate

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Giáo dục nhân bản.

Trước năm 1975, đường lối giáo dục của chính thể Việt Nam Cộng Hòa là đường lối giáo dục nhân bản tức là lấy con người làm gốc để giáo dục học sinh. Do đó, ta cũng không lấy làm lạ khi từ lớp nhỏ, học sinh hàng ngày được thầy cô dạy về đạo đức làm người cũng như những bổn phận của học sinh đối với quốc gia và xã hội. Học sinh lúc bấy giờ không bị nhồi nhét bất cứ một tư tưởng chính trị nào vào đầu, không bị buộc phải suy tôn một người nào cả bởi vì đường lối giáo dục của chính thể Việt Nam Cộng Hòa là giáo dục nhân bản. Một kết quả là sau khi người học sinh rời khỏi ghế nhà trường, trong đầu óc chỉ có được sự rèn luyện về đạo đức làm người, được rèn luyện những kỹ năng, được học về văn hóa và khi ra trường là những người hữu dụng cho đất nước.


Ngay từ khi mới bước chân vào trường học, người học sinh đã được học câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cho nên học sinh của thời Việt Nam Cộng Hòa là những người rất là lễ phép. Ra đường, gặp thầy cô hoặc những người lớn tuổi đều giở mũ nón ra và chào hỏi lễ phép. Điều này đã trở thành nề nếp cho nên không ai cảm thấy lạ lùng cho lắm khi thấy cảnh này. Sau năm 1975, có một số người từ miền Bắc vào miền Nam đã cảm thấy ngạc nhiên và thú vị khi thấy học sinh ở đây có một sự lễ phép đáng quý như vậy.

Từ đó đến nay cũng đã mấy mươi năm rồi, trải qua mấy mươi năm dâu bể. Những người học sinh bây giờ đã không còn được như ngày xưa nữa. Học sinh ra đừơng khi gặp thầy cô hoặc người lớn đã không còn giở mũ nón ra chào hỏi nữa. Tình trạng đạo đức của học sinh trong cả nước bây giờ xuống cấp trầm trọng. Thời gian gần đây, những video clip được tung lên internet đã cho chúng ta thấy một thực trạng đau lòng và kinh sợ về đạo đức học sinh Việt Nam thời Cộng Sản. Học sinh nữ túm tóc nhau đánh túi bụi, đánh đến thương tích trầm trọng mà bạn bè đứng nhìn một cách vô cảm, lại còn vỗ tay khuyến khích. Những câu chuyện thầy cô của xã hội hiện tại cũng là những điều đáng suy ngẫm. Thầy cô không ra thầy cô với những phẩm chất đạo đức kém cỏi thì làm sao mà có thể giáo dục đạo đức cho học sinh. Biết bao nhiêu thế hệ đã bị nhồi sọ với đường lối giáo dục “hồng hơn là chuyên” nhằm đào tạo nên một lớp người chỉ biết cúi đầu cúc cung tận tụy với đảng Cộng Sản. Học sinh và ngay cả những người đã trưởng thành dường như chưa bao giờ được nghe đến câu “Tiên học lễ hậu học văn”. Xã hội bây giờ toàn là những con người chỉ biết cắm đầu làm giàu bất kể đạo lý làm người, tranh giành nhau mạnh được yếu thua. Những băng nhóm xã hôi đen, côn đồ đã được nhà cầm quyền sử dụng để trấn áp dân đen, đàn áp những người dân hiền lành khốn khổ.

Vì đâu mà dân tộc Việt Nam vốn trọng nhân nghĩa, vốn trọng đạo đức lại trở nên như thế này?

Phi Vũ

Ngày 11 tháng 9 năm 2013.

Không có nhận xét nào: