Translate

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Mẹ.

Trên cõi đời này có ai thương ta nhiều hơn là mẹ, phải không bạn? Dẫu cho mẹ của bạn là người quyền uy tột đỉnh, sống trong nhung lụa thì người mẹ ấy vẫn là mẹ và thương yêu bạn hết lòng. Dẫu cho mẹ bạn là người phụ nữ sống đời sống cơ cực một nắng hai sương thì những vất vả khó nhọc ấy vẫn chỉ là dành riêng cho bạn mà thôi. Nếu có một lúc nào đó gia đình không có gạo để nấu cơm, không có đủ ngày hai bữa ăn thì người nhín phần của mình để cho bạn khỏi xót lòng không ai khác là mẹ. Mẹ – tiếng rất là thiêng liêng- là những gì cao đẹp nhất mà không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết.

Từ xưa đến nay, biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ đã tốn biết bao nhiêu giấy mực để chỉ ca tụng về mẹ. Biết bao nhiêu nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc bất hủ để đời cũng vẫn là những bản nhạc ca tụng về mẹ. Mẹ như là một nguồn sáng tác bất tận cho những thi nhân, cho những nhạc sĩ, cho những văn sĩ. Tôi thích nhất là tác phẩm “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân và “Bông hồng cài áo” của nhà sư Thích Nhất Hạnh. Gạt qua một bên những vấn đề trần tục mà Thích Nhất Hạnh đã mắc phải mà tôi là người căm ghét về nhân vật này, thế nhưng tác phẩm Bông hồng cài áo của ông ta cũng đã gợi lên trong lòng ta nỗi niềm thương cảm ngập tràn về mẹ. Nhất là khi ở đoạn kể ông ta đang du học ở Nhật, có người hỏi ông ta còn mẹ hay không, ông ta trả lời rằng mẹ mình đã mất và người ấy cài lên áo ông ta một bông màu trắng. Chỉ những người  còn có mẹ trên cõi đời này mới được cài bông hồng... Đọc đến đây lòng lại xúc động, bùi ngùi.