Translate

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Đào Văn Bình: Thế Chân Vạc Mới Tại Á Châu.

Theo NguoiViet Boston

 
Sau hơn 24 thế kỷ, chưa bao giờ sân khấu chính trị thế giới được chứng kiến những học thuyết có tầm vóc “kinh bang tế thế” của thời Xuân Thu Chiến Quốc, tưởng chừng như chỉ còn nằm trong thư viện, nay được đem ra ứng dụng một cách ngoạn mục và sâu sắc- đó là học thuyết Hợp Tung và Liên Hoành.
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (Thế Kỷ thứ 3 trước Tây Lịch), lúc bấy giờ nước Tần quá mạnh có khả năng thôn tính sáu quốc gia còn lại. Tô Tần nhìn thấy nguy cơ đó cho nên đã đem “miệng lưỡi” đi du thuyết. Kết quả sáu nước Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở, Yên đã nghe theo và đoàn kết lại, lập liên minh để chống Tần theo kế hoạch gọi là Hợp Tung. Thế nhưng “vỏ quýt dày, móng tay nhọn”, Trương Nghi nhìn thấy nhược điểm của thế Hợp Tung cho nên đã hiến kế Liên Hoành cho vua Tần. Vua Tần nghe theo, kết quả kế Hợp Tung tan vỡ, nhà Tần “gồm thâu lục quốc”. Vậy có thể nói Liên Hoành là “khắc tinh” của Hợp Tung.
Tại sao Liên Hoành lại là “khắc tinh” của Hợp Tung? Mới nhìn bề ngoài, các nước nhỏ tìm cách liên kết với nhau để đối đầu với nước lớn là “diệu kế” nhưng nhược điểm chí tử của liên minh (Hợp Tung) là các quốc gia thường đặt quyền lợi của mình lên trên và ngại khó, ngại khổ – tức không chịu hy sinh, chấp nhận thiệt thòi trong liên minh. Do đó, khi có một chút lợi lạc hoặc “cảm thấy” khó khăn là thoái chí. Ngoài ra, tâm lý thông thường của bất kỳ liên minh nào là người ta thường nghi kỵ lẫn nhau. Quốc gia nào cũng sợ quốc gia kia “xé lẻ” hoặc “đi đêm” với kẻ thù. Do đó, nếu không khôn khéo, hành động không minh bạch, không thường xuyên thông báo cho nhau mọi động tác… thì rất dễ gây hiểu lầm. Nắm được nhược điểm và tâm lý này, nhà Tần đã dùng kế Liên Hoành để xé lẻ liên minh sáu nước bằng cách ve vãn từng quốc gia và như đã nói ở trên, kế Hợp Tung tan vỡ.