Ba mươi tháng tư năm bảy lăm – Ba
mươi tháng tư năm hai nghìn mười bốn, thời gian đã 39 năm trôi qua. Nói về cái
ngày nghiệt ngã này là một rừng sách báo, biết bao nhiêu bài nói chuyện trên
báo, trên radio, trên TV, thế nhưng nói hoài thiết nghĩ cũng không thừa.
Tôi còn nhớ, nhà văn Dương Thu
Hương, một người đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam là một người trong đoàn quân
của miền Bắc vào “giải phóng” Sài Gòn. Khi tiến vào trung tâm Sài Gòn, nhìn
thấy thành phố Sài Gòn hoa lệ, người dân Sài Gòn lịch sự văn minh, chị ngồi
xuống bên vệ đường ôm mặt khóc nức nở. Chỉ bỗng cảm thấy tủi phận mình, đem cả
tuổi thanh xuân của mình vào một cuộc chiến tranh do Hồ Chí Minh và đảng Cộng
Sản Việt Nam phát động. Chị tiếc tuổi thanh xuân của mình, thương tiếc những
đồng đội của mình đã vùi thây trên chiến trường miền Nam trên con đường “sinh
Bắc tử Nam”. Chị đã phát biểu: “Một chế độ man rợ đã chiến thắng một xã hội văn
minh”. Sau khi trở về lại Hà Nội, chị trả thẻ đảng và dấn thân vào con
đường tranh đấu chống lại cái chế độ phi nhân và láo khoét. Chị đã từng vào tù
của Cộng Sản. Tác phẩm “Thiên đường mù” của nhà văn Dương Thu Hương đã vẽ nên
một thiên đường xã hội chủ nghĩa không tưởng, u ám, đen đúa mà những người Cộng
Sản Việt Nam đã lao theo như những con thiêu thân lao vào lửa. Bây giờ thì chị
đang sống ở Pháp và vẫn đang tiếp tục viết để tố cáo cùng thế giới cái chế độ
phi nhân, man rợ đang đè đầu cưỡi cổ người dân Việt Nam. Những tác phẩm của chị
đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác nữa trên thế
giới.