Translate

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Khi người Việt cùng chung tiếng nói

Trong một thời gian quá dài của lịch sử Việt Nam, sự ngăn cách và chia rẽ giữa người Việt ba miền Nam Trung Bắc tồn tại và kéo dài quá lâu. Đây là hậu quả của việc phân chia ba miền từ thời nước ta còn chịu sự cai trị của thực dân Pháp. Thế nhưng sau khi Hiệp định Genève ra đời năm 1954, việc phân chia ra hai miền: miền Bắc thuộc khối Cộng Sản và miền Nam thuộc khối tự do đã đưa việc phân biệt Bắc Nam vào một bước ngoặt mới. Nếu trước đây vấn đề phân biệt ba miền của thực dân Pháp cố tình áp đặt nhưng người dân Việt Nam ở cả ba miền vẫn không bị ảnh hưởng, vẫn là tình dân tộc nghĩa đồng bào thì đến giai đoạn phân chia hai miền Bắc Nam với lằn ranh Quốc Cộng thì hậu quả vẫn còn cứ kéo dài triền miên. Sau này, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Cộng Sản đã chiếm hoàn toàn miền Nam, khi mà một bộ phận không nhỏ người Việt phải rời bỏ quê hương để lánh nạn Cộng Sản thì sự phân chia lại có thêm một cái mới nữa: người Việt hải ngoại và người Việt trong nước.