Translate

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Bão lụt tại Việt Nam.

Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, một thành phố ở miền Trung đứng hàng thứ nhì thời Việt Nam Cộng Hòa chỉ sau thủ đô Sài Gòn. Hàng năm, vào khoảng tháng 9, tháng 10 và tháng 11 dương lịch là những cơn bão lớn ở biển Đông thường đổ bộ vào dãi đất miền Trung mang theo những trận mưa to và gió lớn. Mỗi lần có cơn bão đi qua là thành phố Đà Nẵng cây đổ ngổn ngang, có lúc trụ điện bị ngã gây nên tình trạng cúp điện trong vài ba ngày. Hồi ấy, nhà cửa ở Đà Nẵng ngoại trừ ở những con phố lớn là nhà đúc cho nên an toàn, còn đa số nhà cửa cho dù được xây  bằng xi măng nhưng mái lợp ở trên là mái tôn cho nên đến mùa mưa bão mái bị gió cuốn bay đi vẫn là chuyện thường hay xảy ra.

Mùa này cũng là mùa bị lụt lội, nhưng ở vùng quê thuộc tỉnh Quảng Nam, còn Đà Nẵng là vùng đất cao cho nên hầu như chưa bao giờ bị nạn lụt. Tôi còn nhớ vào năm Thìn 1964, tỉnh Quảng Nam bị lụt nặng nề. Con sông Hàn Đà Nẵng nước chảy đục ngầu cuốn theo nhà cửa, xác trâu bò heo gà theo dòng nước. Hàng ngày, những chiếc máy bay trực thăng của Mỹ chở những nạn nhân bị lụt ở thôn quê vào thành phố Đà Nẵng. Học sinh ở Đà Nẵng đều phải nghỉ học để lấy phòng học cho đồng bào nạn nhân bão lụt tạm trú. Lụt năm Thìn là trận lụt lớn nhất trong đời tôi mà tôi được chứng kiến.