Translate

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Andrew J. Nathan - Khổng Tử và thùng phiếu bầu cử

Andrew J. Nathan
Quang Thành chuyển ngữ
Tại sao những giá trị châu Á không hề cản trở dân chủ
Bắt đầu từ giữa những năm 1980, làn sóng dân chủ hóa thứ ba đã quét qua châu Á, mang nền chính trị đa đảng sôi động đến cho các chế độ độc tài trước đây như Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy vậy, ngày nay, theo tính toán của Doh Chull Shin, trong 16 nước Đông Á và Đông Nam Á hiện nay chỉ bao gồm sáu nền dân chủ đang hoạt động - một tỷ lệ kém hơn so với mức trung bình trên toàn thế giới là cứ 10 nước thì có 6 nền dân chủ. Khu vực này tiếp một số chế độ độc tài dai dẳng nhất của thế giới. Trong khi đó, Campuchia, Philippines, và Thái Lan đã từ lâu chơi trò bập bênh giữa các chính phủ được bầu và không được bầu. Thêm vào đó,thành công kinh tế cũng như sự ổn định chính trị của Trung Quốc đã khiến cho quốc gia này trở thành một mô hình nghiên cứu đáng ghen tị bởi những “ông lớn” trên khắp thế giới. Vậy, mô hình này có ý nghĩa như thế nào đối với châu Á mà sao quá khó khăn để dân chủ bám rễ?
Một phần giải thích có thể bắt nguồn từ nền văn hóa. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về văn hóa đôi khi có thể bóp méo hơn là soi rọi mối quan hệ giữa các giá trị và nền quản trị. Đây chính là cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu các giá trị truyền thống châu Á có tương thích với nền dân chủ - một tranh cãi mà cuốn sách của Shin cố gắng giải quyết bằng cách tách biệt những gì là huyền thoại khỏi những sự kiện và những gì là giả định khỏi bằng chứng.