Translate

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Việt Nam đủ sức đương đầu?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-06-10
Liệu những hành động táo tợn có dự tính của Trung Quốc ở biển Đông mới đây có dẫn đến một cuộc chiến tranh mới với Việt Nam hay không? Việt Nam liệu có đủ sức bảo vệ đất nước?
AFP
Biểu tình chống Trung Quốc ở cả Hà Nội lẫn Hải Phòng hôm 05/6/2011


Bành trướng

Hai vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam liên tiếp xảy ra chứng tỏ cho Việt Nam và thế giới thấy cơn khát dầu hỏa của Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Bắc Kinh đã tỏ quyết tâm nhất quyết chiếm giữ gần trọn biển Đông bằng mọi giá.
Sau các cuộc chiến tranh lấn đất, chiếm đảo của Việt Nam, Bắc Kinh đã đưa ra sách lược hòa giải với Hà Nội bằng chiêu bài 16 chữ và bốn tốt để ru ngủ cấp lãnh đạo Việt Nam, trong khi vẫn âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến mới nhằm thu tóm toàn bộ các quần đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trước mắt quần đảo Trường Sa nằm trong tầm ngắm này.
Năm 1974 Trung Quốc đã bất chấp công pháp quốc tế mang tàu chiến tấn công và chiếm cứ đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Từ bước đầu tiên đó Trung Quốc đã có chiến lựơc lâu dài cho vùng biển đầy tiềm năng này và kế hoạch thôn tính dần dần cả khu vực đã được Trung Quốc triển khai, trước nhất là sáng tác tấm bản đồ mang tên Đường lưỡi bò chiếm 80% diện tích của toàn vùng biển Đông.
Song song với những bước nhảy vọt về kinh tế và công nghiệp, cơn khát dầu của Trung Quốc ngày càng tệ hại hơn. Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rất rõ, thiếu dầu sẽ là thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc và bằng bất cứ giá nào họ phải chọn một trong hai giải pháp: Chiếm cho bằng đuợc trữ lượng dầu khổng lồ tại biển Đông hay chấp nhận phá sản cả nền kinh tế.
Ai cũng nhận ra giải pháp thứ nhất đã được Trung Quốc âm thầm theo đuổi từ lâu và mới đây nhất những trang cuối cùng của bài toán dầu hỏa đã được Bắc Kinh bày ra trên bàn cờ khu vực, đặc biệt đối với những nước có đường biên giới biển mà Trung Quốc vẽ ra trong phạm vi mang tên Đường lưỡi bò.
Bắc Kinh tung ra dàn khoan khổng lồ và tuyên bố dàn khoan này sẽ khống chế toàn bộ các khu vực đang tranh chấp có mỏ dầu.
Ngay lập tức Philippines phản đối mạnh mẽ hành động này vì dàn khoan này sẽ đặt lên khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền.

Lời lẽ khó nghe

Tiếp đến hai vụ cắt dây cáp tàu Bình Minh và Viking của Việt Nam là bước thứ hai để Trung Quốc làm con tính thử thách khả năng chịu đựng của các nuớc trong khu vực về tấm bản đồ Đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đem ra tháu cáy.
Từ Đường lưỡi bò, phát ngôn nhân Trung Quốc liên tiếp ra lệnh cho Việt Nam không được làm cho tình hình bất ổn thêm trong khi chính họ là người gây ra bất ổn.
Chưa ngừng ở đó, Bắc Kinh ngang nhiên kêu gọi các nước đang có tranh chấp không được thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực quần đảo Trường Sa. Duy chỉ có Trung Quốc là có cái quyền này mà thôi.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines là Lưu Kiến Siêu tuyên bố Trung Quốc hoan nghênh các nước đang tranh chấp khai thác chung với Trung Quốc trong khu vực này.
Lời lẽ khó nghe này được lập đi lập lại theo phương pháp rất xưa: việc gì nếu nói mãi cũng có thể làm người nghe tưởng là sự thật.
Giới chức Philippines lớn tiếng cáo buộc Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào khu vực mà Phi tuyên bố chủ quyền từ tháng 2 tới nay, kể cả vụ Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines.
Bắc Kinh nhanh chóng phủ nhận cáo buộc, nói không xâm lấn lãnh hải, ngụ ý đó là lãnh hải của họ, và tuyên bố chỉ sử dụng vũ lực khi bị tấn công.
Câu rào đón này không thừa và đã được áp dụng ngay khi vụ việc tàu Viking bị cắt cáp xảy ra vào hôm 9 tháng 6 vừa rồi.
Phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Trung Quốc lu loa tuyên bố chính tàu vũ trang Việt Nam xua đuổi tàu cá của họ. Hồng Lỗi còn nói rằng trong cuộc xua đuổi này, lưới đánh cá của một tàu cá Trung Quốc vướng vào cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, do đó ngư dân Trung Quốc buộc phải cắt lưới đánh cá.
Ông Lỗi còn nhấn mạnh hành động này gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự an toàn của các ngư dân Trung Quốc.
Từ xua đuổi tới nổ súng tự vệ không bao xa và chiến tranh có thể nói đang hiện ra trước mắt.

Đủ sức đương đầu?

Qua những sự kiện dồn dập này nhiều người tự hỏi: liệu chiến tranh có thể xảy ra hay không? Đại tá Trần Liêm nguyên Phó tư lệnh binh chủng Phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định:
"Tôi thấy bây giờ mà Trung Quốc gây chiến lại với Việt Nam hay với Philippines hay với nước nào trong khu vực thì sẽ gặp vấn đề, tức là sẽ bị cả thế giới này bất hợp tác với anh và cô lập anh, cái đó là rất rõ.
Tự nhiên Trung Quốc sẽ đưa khối ASEAN gắn với những khối Mỹ, Nhật, Hàn. Chiến thuật của anh chỉ để gậm nhấm thế thôi, chỉ dò dứ thế thôi chứ chưa làm đựơc điều gì lớn đâu. Chúng tôi nhận định và thấy rõ vấn đề như thế."
Trung Tướng Nguyễ
Trường Sa trong không ảnh- RFA photo
Trường Sa trong không ảnh- RFA photo
n Quốc Thước vẫn hy vọng rằng giải pháp quân sự sẽ không xảy ra vào lúc này. Với ông điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần chú tâm nhiều hơn tới Biển Đông nơi Trung Quốc đang liên tiếp có những động thái nguy hiểm:
"Vấn đề xung đột quân sự bây giờ chắc không nước nào muốn, ta thì dứt khoát là không rồi bây giờ nó cũng chưa phải bằng con đường quân sự đâu, chắc chắn là như vậy. Bây giờ tập trung của nó là hoạt động ở Biển Đông.
Vì Biển Đông với lợi ích quốc gia của nó lớn lắm, không những khu vực Việt Nam Đông Nam Á mà vì nó muốn chiếm Biển Đông tức là phải mở thông thương ra mới bành trướng mới phát triển ra cả thế giới. Chúng ta cần đề phòng nhất là tại Biển Đông."
Tuy ai cũng cầu mong cuộc chiến không nên xảy ra vì máu xương của dân tộc không phải muốn hy sinh lúc nào cũng được. Cái giá xương máu chỉ đổ ra đúng nơi đúng lúc nhằm bảo vệ điều thiêng liêng nhất đó là sự toàn vẹn lãnh thổ. Nếu phải đi tới chiến tranh giữ nước thì nhân dân Việt Nam liệu đã sẵn sàng chưa?
Trung tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhà ngoai giao kỳ cựu Việt Nam, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 dến năm 1987 nhắc lại bài học đánh Pháp:
"Ban đầu đối với Pháp thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất muốn giữ hòa bình. Đã nhân nhượng Pháp nhưng càng nhân nhượng thì họ càng lấn tới cho nên chủ tịch phải kêu gọi toàn dân đứng dậy kháng chiến. Tình hình sắp tới thì nó cũng vậy thôi, chúng ta muốn giữ hòa bình nhưng họ muốn lấn tới thì đẩy đến cái chỗ cuối cùng chúng ta phải đứng dậy kháng chiến.
Chúng ta cũng từng có kinh nghiệm nước nhỏ đánh thắng nuớc lớn. Chúng ta cũng từng có kinh nghiệm quân không hiện đại bằng, kém hiện đại về trang bị vũ khí vẫn đánh thắng quân đội có trang bị vũ khí hơn mình!"
Đại tá hải quân Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên Quân sự Việt Nam tại Trung Quốc cho biết nhận định của ông:
"Về kỹ thuật thì hiện nay tôi không dám nói thẳng ta có những cái gì nhưng tôi xin đảm bảo rằng có những thứ đủ sức đánh đựơc bọn ấy khi nó xâm phạm chủ quyền của ta ở trong biển gần.
Một là lòng yêu nước, hai là ta có đủ kỹ thuật đủ khả năng chống lại và đánh tốt
Đại tá Quách Hải Lượng
Gần như cái hành đông cắt cáp vừa qua làm cho toàn dân cả nuớc phẫn nộ. Nhân dân Đà Nẵng, Nha Trang người ta nói là biển của mình, mình cứ ra đánh cá không sợ bọn xâm lược cho nên cũng không sợ lắm đâu. Thế nhưng khi ra ngoài khơi xa thì đúng là phải dè chừng.
Nếu trong biển của mình, ở trên đất của mình, vùng biển vùng nứơc của mình mà nó xâm phạm thì khi đó một là lòng yêu nước, hai là ta có đủ kỹ thuật đủ khả năng chống lại và đánh tốt."
Trước các đe dọa về lực lượng không quân của Trung Quốc, đại tá Trần Liêm nguyên Phó tư lệnh binh chủng phòng không, không quân cho biết:
"Về máy bay thì thực tế bây giờ mình cũng đã có máy bay đủ cự ly ra tới Trường Sa mà lại trang bị như SU có cả tên lửa để đánh hạm, thế cho nên tùy theo mình có dùng hay không dùng thôi chứ mình đã có khả năng rồi. \
Thứ hai là tàu khu trục của ta mặc dù tốc độ chưa đủ theo kịp của nó nhưng về cơ bản mà nói thì cũng đủ. Hơn nữa vừa rồi đã mua thêm tàu ngầm của Liên xô và khả năng sẽ mua dần thêm.
Chúng tôi là những nhà có tính chất về mặt quân sự thì thấy như thế này: Trung Quốc từ xưa tới giờ chưa chống đước ngoại xâm nào thành công cả mà họ chỉ thành công khi chống lại nội chiến.
Thực tế bây giờ đánh nhau thì lực lượng anh có mạnh thật nhưng khi bắt đầu gây chiến tranh thì anh sẽ không yên với vùng này. Anh đánh người ta thì người ta chẳng để anh yên, bất lợi cho cả hai bên chứ không riêng gì anh."
Phải có dân nếu dân không đoàn kết thì đừng hòng đánh thắng.
TT Nguyễn Trọng Vĩnh
Có thể nói yếu tố đầu tiên muốn giữ nước luôn vẫn là dân. Liệu hiện nay nhà nước đã chuẩn bị như thế nào về khâu quan trọng nhất này? Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận xét:
"Từ bây giờ đây phải lo chăm lo phát huy dân chủ đối với dân và tìm mọi cách nâng cao đời sống của dân. Bây giờ thì dân chủ bị hạn chế, dân không phấn khởi.
Nếu mở rộng dân chủ phát huy dân chủ và nâng cao đời sống của dân để tạo được cái đại đoàn kết thì lúc bấy giờ trang bị thêm vũ khí phương tiện.
Trang bị vũ khí phải ở mức nhất định chứ yếu quá không được. Phải có dân nếu dân không đoàn kết thì đừng hòng đánh thắng."

Trên hệ thống phát thanh và truyền hình trong nước vẫn chưa xuất hiện các nhận định đúng đắn của chính phủ nhằm huớng dẫn người dân chú ý tới hiện trạng khá nguy ngập này.
Một bộ phận rất lớn quần chúng không hiểu được sự hiểm nguy mà đất nước đang đối diện. Thông tin chính xác, nhanh chóng và đầy đủ có lẽ là điều cần làm ngay vào lúc này trước khi quá muộn.

Không có nhận xét nào: