Translate

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Tưởng niệm cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm.



Hàng năm, cứ đến ngày 2 tháng 11, người Việt tại hải ngoại lại tổ chức ngày mất của cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Vào ngày đó, vào năm 1963 theo lệnh của Mỹ, một số quân nhân phản trắc đã giết ông và bào đệ là ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Người cầm súng bắn vào hai ông là đại úy Nhung, sau này cũng bị vào tù và bị chết ở trong tù. (Theo tác phẩm “Làm thế nào để giết một Tổng Thống” của tác giả Lương Khải Minh và Cao Vị Hoàng, đọc tại thư viện thành phố Santa Ana, Orange County, USA).

Tổng thống Ngô Đình Diệm là vị tổng thống đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ông vừa là một nhà Nho uyên thâm mà cũng là nhà Tây học uyên bác. Gia đình ông là những người Công Giáo. Quê của ông ở tại tỉnh Quảng Bình, một tỉnh ở miền Trung Việt Nam.Trong thời gian ông làm chức vụ tổng thống của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, chỉ riêng việc ông định cư được hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam để trốn chạy chế độ Cộng Sản bạo tàn, làm cho những đồng bào miền Bắc di cư được an cư lạc nghiệp, sống một cuộc sống đầy đủ đã là một công nghiệp hiển hách của ông, vượt qua dự tưởng của nhiều người. Trong khi đất nước Việt Nam Cộng Hòa còn non trẻ, còn phải đối phó với nhiều vấn đề nguy nan mà mối nguy nan to lớn nhất là những thành phần Cộng Sản sau năm 1954 không tập kết ra Bắc mà đã được Cộng Sản cài lại ở miền Nam để phá rối trật tự trị an thì đây quả là một sự nghiệp vô cùng to lớn của ông. Tưởng cũng nên nhắc lại, trong thời gian này, những mầm mống Cộng Sản còn cài lại ở miển Nam đã hoàn tròan bị cô lập và không thể nào hoạt động được.



Kể từ năm 1961 trở về sau, khi ở miền Nam có những tên Việt Cộng nằm vùng giả dạng vào các chùa Phật Giáo để tu hành đã khích động những đồng bào Phật Tử xuống đường chống lại ông Diệm thì đây quả là một giai đoạn vô cùng khó khăn cho nền đệ nhất Cộng Hoà của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Lúc đó, gia đình tôi ở Đà Nẵng, mặc dù tôi còn rất nhỏ, thế nhưng những biến động tại đây đã hằn sâu trong tâm trí của tôi không bao giờ phai mờ. Có một điều quan trọng là trong giai đoạn này, chính phủ Hoa Kỳ muốn “được đem quân vào Việt Nam để tham chiến bên cạnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thế nhưng tổng thống Ngô Đình Diệm đã cương quyết không chấp nhận lời đề nghjị này”. Theo tác phẩm “Làm thế nào để giết một tổng thống”, trong một cuộc biểu tình ồn ào của Phật Giáo tại Huế, chính một tiếng nổ lớn của những kẻ phá hoại đã làm cho một số đồng bào Phật tử bị chết. Cũng từ đó, với sự giật dây của những tên nhà sư Cộng Sản nằm vùng mà biết bao nhiêu nhà sư đã tự thiêu. Đây là một giai đoạn lịch sử vô cùng đen tối của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Và với sự ham muốn của Mỹ là muốn vào miền Nam để tham chiến mà một số tay tướng lãnh đã phản trắc và đã sai người giết hai ông trên đường từ nhà thờ Cha Tam về dinh Độc Lập. Cái chết của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã mở màn cho những biến động hãi hùng mà người dân miền Nam phải gánh chịu. Người Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam, sau đó chịu không nổi họ lại rút đi để cho nền đệ nhị Cộng Hoà của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng sụp đổ theo, mở màn cho bao điều bi thương của đất nước và người dân miền Nam. Giá như đừng có biến động vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 và tổng thống Ngô Đình Diệm không bị mất vào ngày 2 tháng 11 năm 1963 thì cục diện Việt Nam vào bây giờ có thể khác đi và có thể là không có cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản trên toàn thế giới. Thật là một điều cay đắng cho con dân Việt Nam Cộng Hòa.

Những con dân Việt Nam Cộng Hòa chân chính mãi mãi thương tiếc cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Hàng năm, tại hải ngoại, vào ngày 2 tháng 11 là ngày giỗ của ông. Di sản quý báu nhất của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm để lại chính là tinh thần quốc gia của những con dân Việt Nam Cộng Hòa, là lòng yêu nước nồng nàn và một tinh thần quốc gia vững mạnh, dẫu trải qua bao nhiêu phong ba bão táp, tinh thần ấy vẫn mãi mãi không bao giờ bị tắt.

Phi Vũ


Ngày 2 tháng 11 năm 2013.

Không có nhận xét nào: