Translate

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Có “xù nợ” được không?


Việc tập đoàn đóng tàu Vinashin sau khi khai bị thua lỗ, nợ ngập đầu khoảng 4 tỷ dollars, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã “rót tiền” vào tập đoàn này để tái cơ cấu và chuyển đổi hình thức từ tập đoàn đóng tàu trở thành tổng công ty đóng tàu Vinashin, hình thức có nhỏ hơn trước, tuy nhiên do thành phần đội ngũ lãnh đạo của tổng công ty này vẫn thuộc loại “đỉnh cao trí tuệ” nên vẫn tiếp tục bị thua lỗ và đến nay thì tổng công ty đóng tàu Vinashin đã chính thức bị đóng cửa và để lại một khoản nợ khổng lồ vay từ ngân hảng ngoại quốc.

Vấn đề đặt ra ở đây là dù tổng công ty Vinashin có bị đóng cửa thế nhưng khoản nợ mà tổng công ty này vay của những ngân hàng ngoại quốc thì vẫn phải trả, không thể nào “xù nợ” được. Thế nhưng tổng công ty này đã đóng cửa thì ai sẽ là người đứng ra trả những món nợ này của những ngân hàng ngoại quốc? Điều đầu tiên chúng ta cần nhận định là nếu đi vay tiền ở ngân hàng ngoại quốc, nếu Vinashin “đơn thương độc mã” đem thân đi vay thì chắc chắn một điều là chẳng có ngân hàng nào dại dột đem tiền cho một cơ sở “vô danh tiểu tốt” ở một xứ nghèo vay tiền. Như vậy thì người “đứng mũi chịu sào” để Vinashin vay tiền chính là những  người lãnh đạo trong bộ máy của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Chính những người này đứng ra vay tiền cho nên dẫu cho Vinashin có đóng cửa thì những ngân hàng ngoại quốc vẫn có chỗ để “chộp đầu” đòi nợ. Một số nợ khổng lồ như vậy mà phải trả dần dần thì cũng là một điều khó khăn và nan giải. Giả sử như Vinashin là một cơ sở làm ăn đàng hoàng và có lãi thì việc trả nợ này cũng rất dễ dàng. Thế nhưng những thành phần lãnh đạo của Vinashin lại là những kẻ bất tài vô tướng, chỉ biết “ăn” chứ đâu biết ”làm”. Sau khi đóng cửa và để lại một núi nợ khổng lồ như vậy thì cũng chỉ người dân Việt Nam phải nai lưng ra đóng thuế vừa để nuôi một bộ máy hành chánh cồng kềnh của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vừa phải trả nợ cho những tay làm ăn dối trá, cẩu thả, xem tiền thuế của dân như là tiền chùa mặc sức chia chác nhau mà ăn  và để lại một món nợ to lớn.


Nhìn chung một cách tổng quát, những xí nghiệp quốc doanh trong cả nước Việt Nam đều là những xí nghiệp làm ăn thua lỗ một cách tàn tệ nhất, trong khi đó những xí nghiệp tư nhân lại là những nơi sản xuất và kinh doanh có lãi. Tại sao như vậy? Rất đơn giản là xí nghiệp quốc doanh dẫu cho có thua lỗ thì với suy nghĩ “cha chung không ai khóc” chúng vẫn tỉnh queo, chúng vẫn có lương, vẫn có tiền “rót” xuống cho nên việc thua lỗ không phải là việc của những tên lãnh đạo của những xí nghiệp quốc doanh này. Còn những xí nghiệp tư nhân nếu như thua lỗ có nghĩa là tiền từ trong túi của họ sẽ vơi đi cho nên họ phải bằng mọi cách làm thế nào kinh doanh làm ăn có hiệu quả và phải có lãi để nuôi sống họ, nuôi sống công nhân và có của dư thừa để phát triển thêm. Ấy thế mà chủ trương của Cộng Sản Việt Nam vẫn lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo. Thật là buồn cười!

Trở lại “câu chuyện bi hài” Vinashin đóng cửa thì có “xù nợ” được không? Xin thưa rằng dễ dầu gì! Dẫu cho chế độ Cộng Sản Việt Nam có bị sụp đổ thì chính phủ kế thừa vẫn phải è lưng ra mà trả nợ cho những con sâu dân mọt nước này. Có đau cho đất nước và nhân dân Việt Nam không chứ?

Phi Vũ.

Ngày 4 tháng 11 năm 2013.

Không có nhận xét nào: