Translate

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

TÌNH NGƯỜI.

Tôi đã gặp khá nhiều phạm nhân người Việt đang thụ án hoặc đang chờ xử án trong những trại giam tại Czech. Có những người làm tôi nhớ vì hoàn cảnh đã đẩy họ vào con đường tội lỗi nhưng có một câu chuyện đã để tôi nhớ mãi vì lòng nhân đạo của những người đại diện nhà nước về pháp luật.

Người đàn ông Việt Nam đó ít hơn tôi gần chục tuổi và đang trong trại tạm giam để chờ ngày xử án và theo mức độ phạm tội nghiêm trọng mà anh ta đã phạm phải thì chắc chắn sẽ chịu khung án từ 8 – 10 năm tù. Ở Czech, theo  qui định thì các nạn nhân được phép 2 tuần một lần được đón người thân của mình vào thăm trong vòng 90 phút và mỗi lần nhiều nhất 4 người phạm nhân được ghi trong phiếu mời theo nguyện vọng của mình. Phiếu mời đó do trại giam cấp khi phạm nhân yêu cầu chứ không việc gì phải mua như ở Việt Nam. Người được mời không nhất thiết phải là người thân trong gia đình mà có thể là bạn bè, đồng nghiệp cũ, ... Điều duy nhất là phải có tên trong giấy mời đó. Trong thời gian thi hành án thì  không còn cần tên người cụ thể nữa. Thời gian đầu, cứ hai tuần một lần là người vợ đều đặn vào thăm chồng nhưng bẵng đi một thời thì dù chồng vẫn đều đặn gửi giấy mời về nhưng không thấy vợ vào thăm mà chỉ viết thư. Mọi người thân khi vào gặp chỉ nói là cô ấy đang ốm nên khi nào khỏe sẽ vào. Trong một lần vào làm việc ở trại giam thì người đàn ông đó có nhờ  tôi tìm hiểu tình hình cụ thể. Khi đến nhà họ thì tôi mới biết rằng trong một lần đang bán hàng thì tự dưng thấy mỏi mệt hơn những lúc thường  nên chị mới vào bệnh viện khám và được bác sĩ cho biết là chị đã mắc một căn bệnh hiểm nghèo nhưng do không phát hiện sớm nên nó đã ở gian đoạn cuối và bác sĩ tính rằng chị còn có thể sống nhiều nhất 6 – 7 tháng. Một phần do hoảng loạn tinh thần, một phần không muốn cho chồng biết nên chị không dám vào thăm nữa. Sau khi xem những kết quả xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lý thì tôi đã trực tiếp gọi điện cho bác sĩ và biết rằng sự thật đúng như chi đã kể cho tôi. Vì có cậu em vợ người Czech là luật sư nên tôi đã trao đổi với cậu ta về khả năng xin tại ngoại cho người chồng và được cậu ta hướng dẫn cách viết đơn cho hợp lý cùng kèm theo bản sao bệnh lý và nhận xét của bác sĩ chuyên môn. Thật ra sau khi ký tên vào lá đơn đó để gửi đi thì chị cũng như tôi không tin vào khả năng tòa sẽ đồng ý cho tại ngoại. Điều thứ nhất là trường hợp  đó rất hiếm đối với người nước ngoài bởi một lý do là trước đây, khi khả năng đó còn thì đại đa số người nước ngoài “biến mất”, chấp nhận mất số tiền thế chấp,  dù không ít chút nào đã phải nộp tòa trước khi được tại ngoại. Điều thứ hai là gia đình chị không có khả năng để có số tiền lớn như vậy. Suốt cả thời gian này người phụ nữ đó sống trong tâm trạng phấp phỏng vì dù muốn tin rằng điều kỳ diệu đó sẽ xảy ra nhưng trong thâm tâm chắc chị cũng tính đến khả năng đơn của chị sẽ bị bác bỏ. “Člověče, div se – Người ơi, hãy ngạc nhiên đi”. Ba tuần sau khi gửi thư thì chị được luật sư bào chữa cho chồng mình gọi điện báo là tòa án chấp nhận đơn thỉnh nguyện và chồng sẽ được tòa cho tại ngoại trong vòng 1 – 2 ngày tới. Cùng lúc đó, chị cũng trực tiếp nhận được thông báo của tòa gửi qua theo đường bưu điện. Chắc mọi người có thể hình dung người phụ nữ ấy hạnh phúc đến mức nào. Vì phải hơn hai tháng nữa vụ án mới được xử nên tòa đã cho phép người chồng được tại ngoại mà không phải bỏ ra một xu nào để thế chấp ngoài bản cam kết là sẽ có mặt trong phiên xử án. Nhờ lòng nhân đạo của tòa án mà hai người đó đã có thêm một thời gian được ở bên nhau và đến lúc lúc đó ngườichồng mới thật sự ân hận về tội lỗi của mình.



Cách đây chỉ hai tuần lại một sự việc tương  tự như vậy xảy ra với một phạm nhân Việt Nam và cũng như lần trước, người chồng lại được trở về với vợ của mình để chờ ngày xử án.

Cách đây hơn 10 năm cũng đã có một trường hợp về tình người như vậy. Hồi đó, thỉnh thoảng tôi có giúp các trại tị nạn ở Czech giải quyết vấn đề người Việt Nam xin tị nạn. Đó là thời điểm mà người Việt Nam xin tị nạn nhiều nhất. Từ những người đã sống ở Czech nhưng vì lý do nào đó nên không được ra hạn thẻ cư trú đến những người qua Czech theo đường dây đưa người rồi khi đặt trên đến lãnh thổ Czech, nhờ sự chỉ dẫn của gia đình, bạn bè đã đến trại xin tị nạn. Tỉ lệ thành công không nhiều vì phần lớn với lý do kinh tế. Tuy vậy một trong những trường hợp được chuẩn y là một phụ nữ đã đứng tuổi mà nếu tôi nhớ không nhầm thì quê ở Hà Nam. Chị qua đây theo dịch vụ đưa người và được người thân đưa đến trại tị nạn. Ngay lúc đầu, khi nghe chị kể những lý do để có thể được ở lại Czech thì tôi đã nghĩ rằng đơn của chị sẽ bị bác bỏ giống như những người khác. Giống như tất cả mọi người, sau khi thẩm vấn làn đầu thì chị được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng thể và họ đã phát hiện ra chị đang bị ung thư. Không ai có thể biết rằng trước đó chị đã biết mình mắc căn bệnh hiểm nghèo này chưa nhưng đó là việc khác. Trước mắt trại tị nạn có trách nhiệm điều trị bệnh cho chị. Ông giám đốc trại tị nạn có tham khảo ý kiến tôi về khả năng điều trị ung thư ở Việt Nam. Vì xa quê hương đã mấy chục năm nên làm sao tôi có thể biết được khả năng điều trị bệnh này ở Việt Nam như thế nào nên có gợi ý ông ta nên báo cáo với cấp trên của mình và hỏi ý kiến Bộ Y Tế, Bộ Ngoại Giao của Czech. Trong lúc đó bệnh viện vẫn tiến hành cho chị uống thuốc, chạy xạ. Sau một thời gian thì tôi được biết rằng mặc dù những lý do mà chị trình bày ban đầu để xin được trị nạn hoàn toàn không nằm trong qui chế nhưng chị vẫn được Bộ Nội Vụ chấp thuận chỉ với lý do là căn bệnh của chị, nếu chữa ở Việt Nam thì chưa chắc giành lại cuộc sống cho chị. Theo luật pháp của Czech thì cảnh sát ngoại kiều không được phép trục xuất bất kỳ người nước ngoài nào mà nếu khi trở về quê hương thì tính mạng của họ không được đảm bảo, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trường hợp nào.  

Chỉ  cần một nét bút phê chuẩn, chỉ cần có một tấm lòng nhân hậu nhưng đủ cho chúng ta  thấy tính nhân đạo của người ngồi ghế công quyền cao như thế nào. Liệu xã hội Việt Nam có thể có được  người “cầm cân nẩy mực” giàu tình người như vậy không?

Phú Hòa – Czech, 23.8.2013

Không có nhận xét nào: