Trong mọi thời đại, trong mọi giai đoạn lịch sử, người nông dân Việt Nam là những người bị thiệt thòi nhất trong xã hội. Trước đây, khi đọc những tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, khi xem những bức tranh mộc mạc em bé cưỡi trâu thổi sáo hoặc nghe những bản nhạc viết về thôn quê, ta cứ ngỡ là cuộc sống của người dân ở nông thôn sung sướng lắm. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác với những bức tranh, những tác phẩm văn học hoặc những bản nhạc trữ tình lãng mạn về đồng quê Việt Nam.
Từ thời xa xưa, người nông dân đã có cuộc sống vất vả, lầm than, một nắng hai sương. Câu nói “một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi” đã nói lên được những vất vả của người nông dân Việt Nam. Chỉ những ai đã từng sống ở vùng nông thôn, đã làm lụng vất vả, khó nhọc thì mới thấu hiểu được nỗi cơ cực của người nông dân Việt Nam. Khi đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, thì hình ảnh búa liềm tượng trưng cho người công nhân và người nông dân, những tưởng rằng khi cách mạng thành công thì đời sống của người công nhân và người nông dân sẽ được cải thiện khá hơn. Thế nhưng, những người trước đây là công nhân và nông dân ra đi làm cách mạng nay lại quay về bóc lột những người thuộc giaị cấp của mình thậm tệ hơn, tàn ác hơn thời thực dân phong liến. Xã hội lại quay đi một vòng đúng 360 độ và trở về ngay chỗ cũ, nhưng với sự bóc lột tinh vi và tàn bạo hơn. Người công nhân trong giai đoạn đổi mới này bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tiếp tay với người chủ đầu tư nước ngoài bóc lột, trả cho công nhân đồng lương rẻ mạt trong những điều kiện làm việc thiếu sự an toàn. Người nông dân cuộc sống có đỡ hơn chút đỉnh nhưng lại bị những cường hào mới ở nông thôn nhũng nhiễu. Những vụ cưỡng chiếm đất tràn lan khắp nơi làm cho số lượng người nông dân bị mất đất, mất nhà càng ngày càng nhiều hơn. Số lượng những người dân oan đi khiếu kiện trên khắp cả nước càng ngày càng đông đảo hơn. Họ đã nằm vật vờ để tìm công lý ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh thành trong cả nước. Trong những năm gần đây, mức xuất cảng lúa gạo của Việt nam càng ngày càng nhiều hơn và đang đứng hàng thứ nhì trên thế giới chỉ sau có Thái Lan. Lúa xuất cảng chủ yếu là những vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Thế nhưng, gần đây người nông dân ở miền Nam đã than trời vì sản xuất hiện tại làm ra nhiều, giá nông sản vẫn dậm chân tại chỗ trong khi vật giá leo thang, những mặt hàng phân bón và thuốc trừ sâu giá cả tăng vùn vụt. Lúa làm ra không đủ bù trừ những chí phí ban đầu. Những người nông dân than phiền và lo âu rằng sẽ phải bỏ ruộng để làm nghề khác sinh sống.
Thật tội nghiệp cho người công nhân và nông dân Việt Nam!
Phi Vũ
Ngày 18 tháng 4 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét