Translate

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT NGƯỢC

Tác giả gởi cho blog
Không hiểu sao càng ngày tôi lại càng có cảm nhận rằng rất nhiều vụ cưỡng chế, tịch thu đất đai đang diễn ra ở Việt Nam chỉ là phong trào "Cải cách ruộng đất ngược" mà thôi. Tôi gọi nó là ngược bởi vì những gì diễn ra trong những năm của thập kỷ 50 của thế kỷ trước là nhằm mục đích tịch thu đất của người giầu để chia cho người nghèo. Mặc dù có rất nhiều sai phạm, thậm chí có thể gọi là tội ác, gây tang thương cho nhiều gia đình nhưng mục đích chính vẫn nhằm để người cầy có ruộng. Giờ đây phần lớn những cuộc cưỡng chế đã và đang diễn ra, cho dù không phải là chỉ đạo trực tiếp từ TW nhưng các chính quyền địa phương đã sử dụng nó nhưng một công cụ để thực hiện cái gọi là "tịch thu đất của người nghèo để gom cho một số người giầu" và hoàn toàn không vì lợi ích chung cho đất nước. Chính quyền địa phương bao giờ cũng dùng lực lượng an ninh như cánh tay sắt để đạt bằng được mục đích của mình kể cả sự tàn bạo không thể chấp nhận được ở một thế chế luôn vỗ ngực cho mình là dân chủ. Hơn thế nữa các tập đoàn tư bản cá nhân, cổ phần hóa đều sử dụng chính quyền địa phương đưa lực lượng an ninh cưỡng chế dân lành mặc dù những dự án này hoàn toàn không phải là các dự án nhà nước. Đây là việc làm phạm pháp, không thể chấp nhận được. 


Trong những lần về Việt Nam làm việc về các dự án tài trợ nước sạch của chính phủ Czech cho các vùng khó khăn ở Việt Nam thì đoàn chúng tôi, 3 người, hai cậu bạn người Czech và tôi đã có điều kiện đi gần hết các miền của Tổ Quốc. Bọn tôi choáng về số lượng các sân golf ở các tỉnh mà có một điều ngược đời là tỉnh càng nghèo thì số lượng sân golf càng nhiều, càng hiện đại và diện tích sân golf càng lớn. Lãnh đạo tỉnh nào khi gặp gỡ chúng tôi đều rất tự hào khoe về những sân golf của tỉnh mình và có những tỉnh đang cố gắng để có sân golf lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Bọn tôi, những người làm về tài nguyên và môi trường nên lúc đầu đã không khỏi ngạc nhiên về những vị trí của những sân golf như vậy, những vị trí mà dân Việt Nam mình gọi là đắc địa. Sau những lần đi các tỉnh và nhìn thấy thực trạng như vậy thì một cậu bạn tôi, chủ tịch hội đồng quản trị và đồng thời là một chuyên gia có tầm cỡ về đất đai, môi trường mới hỏi tôi về giá đất ở Việt Nam. Sau khi biết được những cái giá giời ơi, đất hỡi như vậy thì cậu chàng phán ngay cho một câu: Tao hiểu rồi và cậu giải thích là càng nhiều sân golf và càng to thì địa phương càng có nhiều tiền vì đặc thù của sân golf là người ta có thể rút tiền vô tội vạ mà khó ai có thể kiểm soát được. Điểm thứ hai, quan trọng hơn là từ đất nông nghiệp thì các chủ đầu tư sẽ rất dễ dàng chuyển sân golf thành đất thổ cư và đó là những mỏ vàng khổng lồ cho những nhóm quyền lợi. Càng ngày tôi càng thấy nhận xét của cậu ta là đúng và giờ đây trên các sân golf ở Việt Nam đang thi nhau mọc lên những villa đắt tiền, không phải ai cũng có thể mua được. Chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy những cánh đồng bỏ hoang nhiều năm trong khi người nông dân không có đất trồng trọt chỉ vì chúng là đất dự án. Họ đã phải bán với cái giá rẻ như bèo để rồi sau một thời gian những người sở hữu mới có thể bán đi hoặc nhượng lại với cái giá ngất ngưởng gấp nhiều lần cái giá ban đầu mà không phải bỏ thêm bất kỳ một đồng xu nào cả hoặc rất ít.

Nền kinh tế Việt Nam tồn tại được là do các khoản vay mượn từ nước ngoài chứ hoàn toàn không thể tự thân vận động được. Một ngày nào đó, khi đất không còn để bán, khi tài nguyên cạn kiệt, nghành công nghiệp vẫn chỉ ở bước sơ khai ban đầu và nông nghiệp đang chết dần chết mòn cùng với những khoản nợ khổng lồ đè nặng trên vai thì xã hội Việt Nam sẽ ra sao? Tôi nhớ mãi câu nói của chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khi phóng viên hỏi về những vụ cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng biên giới phía Bắc trong vòng 50 năm với cái giá tượng trưng. Ông ta đã nói rằng sau 50 năm nữa thì đó sẽ là việc của con cháu và chúng nó sẽ phải lo. Không hiểu đó cũng là suy nghĩ ngầm của những người lãnh đạo từ địa phương đến trung ương không? Nếu đúng như vậy thì buồn cho một đất nước từng có những nguồn tài nguyên phong phú với những con người cặm cụi làm việc cả cuộc đời nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo và thậm chí càng nghèo.

Các hệ thống truyền thông Việt Nam giờ đây không còn nói đến Việt Nam "rừng vàng, biển bạc" và Sài Gòn sẽ vĩnh viễn không bao giờ được gọi là "hòn ngọc của Viễn Đông" nữa. Thời đó đã qua lâu rồi.

Czech Republic, 12.03.2012

Phú Hòa

3 nhận xét:

Unknown nói...

Tôi chỉ có thể nhấn like cho bài viết này mà không thể nói thêm điều gì, chỉ biết im lặng và buồn thôi, nói nhiều những suy nghĩ của mình sẽ không có kết quả gì mà còn ảnh hưởng đến bản thân mình, mọi người đều hiểu nhưng sẽ được gì kkhi nói ra chỉ là vô vọng và nỗi buồn, lo sợ cho một tương lai không mấy tươi sáng.cám ơn bài viết của bạn

netscap nói...

Khi đọc tới đoạn này :" thập kỷ 50 của thế kỷ trước là nhằm mục đích tịch thu đất của người giầu để chia cho người nghèo. Mặc dù có rất nhiều sai phạm, thậm chí có thể gọi là tội ác, gây tang thương cho nhiều gia đình nhưng mục đích chính vẫn nhằm để người cầy có ruộng."
Tác giả viết bài này nói phải giết 500,000 người Việt Nam miền Bắc đã chết do ĐẤU TỐ bởi lệnh Cải cách ruộng đất , vì mục đích chính vẫn nhằm để người cầy có ruộng. Hay!
Mời Phi vũ đọc tài liệu này ,Hồ chí Minh và Cải cách ruộng đất (Tác giả: Đại Nghĩa )
http://ousgdlk.diendannguoidanvietnam.com/index.php?option=com_content&view=article&id=9142:h-chi-minh-va-ci-cach-rung-t-tac-gi-i-ngha-&catid=2:chinh-tri-va-kinh-te&Itemid=4

Nặc danh nói...

Dù có đảo đi đảo lại hay hoán dụ vị trí thì kết quả củng như nhau, đều là tội ác khó buôn tha .
"tịch thu đất của người giầu để chia cho người nghèo" = "tịch thu đất của người nghèo để gom cho một số người giầu"