Translate

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Trung Quốc tuyên bố sẽ khảo sát địa hình quần đảo Senkaku / Điếu Ngư

Theo RFI



Tàu hải giám Trung Quốc Haijian N°66 (phải) chạy sát tàu tuần duyên Nhật (REUTERS / Kyodo)
Tàu hải giám Trung Quốc Haijian N°66 (phải) chạy sát tàu tuần duyên Nhật (REUTERS / Kyodo)

Trọng Thành
Hôm nay 15/01/2013, theo Tân hoa xã, Trung Quốc sẽ tiến hành đo đạc địa hình các đảo nằm ở vùng biển Hoa Đông, đặc biệt là tại một số đảo đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật. Dự kiến khảo sát của Trung Quốc được đưa ra đúng vào thời điểm căng thẳng Nhật-Trung xung quanh quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đang dâng cao. 

Tân Hoa Xã không cho biết cụ thể là, để thực hiện cuộc khảo sát này các nhân viên Trung Quốc có cần đặt chân lên các hòn đảo Senkaku, hiện do Nhật quản lý, hay không. Cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc nói rõ, việc đo đạc địa hình trên các hòn đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông là nằm trong một kế hoạch xây dựng các bản đồ địa lý và địa chất, bao gồm nhiều giai đoạn, đối với « các đảo và các bãi đá, rạn san hô » thuộc chủ quyền Trung Quốc. Đây là một hoạt động nhằm « bảo vệ quyền và lợi ích trên biển » của Trung Quốc.
Theo ông Zhang Huifeng (Trương Huy Phong), một giới chức thuộc Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG), việc tới các hòn đảo tranh chấp để đo đạc, cũng như lấy các dữ kiện dưới nước gặp nhiều trở ngại, vì « một số nước đang chiếm giữ các hòn đảo này ». Tuy nhiên, học giả nói trên không cho biết, liệu Trung Quốc có dự kiến dùng đến các dữ liệu từ vệ tinh hay không.
Ngày 11/01/2013, NASMG thông báo phát hành bản đồ mới của Trung Quốc, lần đầu tiên có đánh dấu rõ toàn bộ 130 đảo lớn nhỏ ở Biển Đông. Cũng trong bản đồ này, có hình quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Việc Trung Quốc ấn hành tập bản đồ này khiến các nước láng giềng lo ngại.
Kể từ tháng 9/2012, tranh chấp Trung-Nhật về chủ quyền xung quanh quần đảo không có người ở Senkaku/Điếu Ngư đã bùng lên, sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa một phần quần đảo.
Kể từ đó, Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu thuyền và máy bay đến xung quanh quần đảo này, bất chấp sự ngăn cản của các lực lượng tuần duyên, cũng như không quân Nhật.

Không có nhận xét nào: