Translate

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Trung Quốc sắp có khả năng răn đe hạt nhân trên biển

Theo RFI


Tàu ngầm thế hệ mới (lớp Tấn) được trang bị tên lửa liên lục địa (REUTERS)
Tàu ngầm thế hệ mới (lớp Tấn) được trang bị tên lửa liên lục địa (REUTERS)

Thanh Phương
Theo một dự thảo báo cáo thường niên của Ủy ban đánh giá quan hệ kinh tế và an ninh Mỹ-Trung ( USCC ), mà hãng tin AFP có được ngày hôm qua, 09/11/2012, Trung Quốc sắp sửa lần đầu tiên có khả năng răn đe hạt nhân thật sự trên biển, nhờ có thêm các tàu ngầm và tên lửa mới. Tuy nhiên, bí mật vẫn bao trùm kho vũ khí của Trung Quốc và chính sách quốc phòng của Bắc Kinh vẫn còn là ẩn số.

Trong báo cáo sẽ được chính thức đệ trình lên Quốc hội Mỹ hôm thứ tư tuần tới (14/11/2012), Ủy ban nói trên ghi nhận : « Trung Quốc sắp sửa có được bộ ba hạt nhân gồm các tên lửa liên lục địa, tàu ngầm phóng tên lửa và bom nguyên tử ném từ oanh tạc cơ ». 
Từ nhiều thập niên qua, hải quân Trung Quốc đã có một khả năng hạt nhân trên biển mang tính « tượng trưng », với một tàu ngầm cũ và các tên lửa. Nhưng theo USCC, lực lượng này sắp tới đây sẽ có khả năng hoạt động thật sự. Hiện giờ, 2 trong số 5 tàu ngầm thế hệ mới ( Jin-class , lớp Tấn ) đã được giao và một tên lửa liên lục địa mới trang bị cho những tàu ngầm đó, loại JL-2, có thể đạt khả năng tác chiến ban đầu trong vòng hai năm tới. 
Là cường quốc hạt nhân từ năm 1964, Bắc Kinh chủ yếu dựa trên số lượng từ 50 đến 75 tên lửa liên lục địa đặt trên bộ và đang tiếp tục hoàn thiện những tên lửa đó, với một hệ thống ngụy trang và gây nhiễu. Trung Quốc hiện cũng có khoảng 20 oanh tạc cơ chiến lược có thể ném bom nguyên tử, theo như báo cáo của USCC. 
USCC cho biết là Bắc Kinh cung cấp rất ít thông tin về quy mô, thành phần và sự bố trí của các lực lượng hạt nhân của nước này. Các nhà quan sát phương Tây hiện chỉ có thể phỏng đoán con số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là từ 100 đến 500. Mặt khác, tiến trình cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân ở Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số.
Các giới chức quốc phòng của Mỹ cũng quan ngại về mối quan hệ giữa chính phủ Bắc Kinh với giới quân sự. Bản báo cáo của USCC nên lên vụ thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh năm 2007 và vụ cho bay thử chiến đấu cơ J-20 năm 2011, đúng vào lúc Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thăm Trung Quốc. Trong cả hai vụ thử này, giới lãnh đạo dân sự của Trung Quốc đều hoàn toàn bị bất ngờ.

Không có nhận xét nào: