Translate

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Chuyện hai cái túi.

Hôm nay, đọc trên báo Tuần Việt Nam, có bài viết "Túi tiền và túi văn hóa", thấy đề tài cũng khá lý thú, tôi muốn tóm tắt bài viết đồng thời góp thêm một đôi điều về vấn đề này.

Trong xã hội bây giờ, người có "túi tiền" kha khá cũng khá nhiều. Đồng tiền mà họ kiếm được cũng có thể do nhiều nguồn khác nhau. Một số người đồng tiền họ có là nhờ chắt chiu, cố gắng làm việc, tích lũy tiền đẻ ra tiền.
Một số khác kiếm được tiền là do tài giỏi, có kiến thức, biết vận dụng những kiến thức đó vào công việc để làm giàu cho bản thân gia đình cũng như là đóng góp cho xã hội.
Một số nữa làm giàu là nhờ mánh mung, làm ăn phi pháp, do đó đồng tiền mà họ kiếm được không phải bằng sự tài giỏi, bằng mồ hôi nước mắt của chính họ. Đồng tiền này chẳng qua cũng chỉ là đồng tiền phi nghĩa.
Một số nữa làm giàu là vì họ là quan chức nhà nước, tham nhũng, ăn cắp của công, móc ngoặc. Có những người làm chủ tịch, bí thư đảng, nếu xét về tiền lương thât sự thì không là bao nhiêu , nhưng họ lại ở trong những ngôi biệt thự mà với đồng lương thật sự, họ phải làm việc trong... mấy trăm năm mới có thể tạo ra được. Đồng tiền này cũng thuộc loại đồng tiền phi nghĩa.

Sau đây, chúng ta bàn một chút về "túi văn hóa". Hồi còn đi học, trong một bài luận văn mẫu, giáo sư Phạm Thế Ngũ có viết: "Văn hóa là những gì con người tích lũy được sau khi rời ghế nhà trường mà họ quên hết cả ". Điều này có vẻ trừu tượng. Có những người có học vị, có bằng cấp hẳn hoi, nhưng chưa chắc họ đã là người có văn hóa. Họ thiếu văn hóa trong vấn đề đối nhân xử thế, trong giao tiếp với mọi người từ nơi làm việc cho đến ngoài xã hội. Nhìn bề ngoài họ ăn mặc chỉnh tề ra dáng một người đạo mạo, nhưng bên trong rỗng tuếch, cung cách sống thiếu văn hóa.

Và tổng hợp lại, trong xã hội có thể chia ra làm bốn nhóm người: người có túi tiền và có túi văn hóa, người không có túi tiền nhưng có túi văn hóa, người có túi tiền nhưng không có túi văn hóa và người vừa không có túi tiền lẫn không có túi văn hóa.

Người có túi tiền và túi văn hóa: Đây là những người có bản lãnh, có tài năng thật sự,có nhân cách đáng kính nể. Đồng tiền họ làm ra là do chính tài năng thật sự của họ. Những người này lại là những người nhân từ, có đạo đức, có lòng thương ngượi Tiêu biểu nhất cho nhóm người này là tỷ phú Bill Gate của Hoa Kỳ. Gia sản của ông kếch xù và ông hàng năm đều có trích tiền ra từ tài sản của mình để làm việc thiện cũng như giúp đỡ cho những quỹ về giáo dục. Ông là người mà cả thế giới đều ngưỡng mộ và tôn sùng.

Người không có túi tiền nhưng có túi văn hóa: Họ là những nhà giáo có kiến thức, có lương tâm chức nghiệp, những nhà mô phạm đầy tài năng cung cấp kiến thức cho học sinh, là động lực chính để thúc đẩy xã hội tiến lên. Vì đồng lương vẫn còn khiêm tốn nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Họ luôn luôn là những người đáng kính trọng.

Người có túi tiền nhưng không có túi văn hóa: Hạng người này là những con mọt của xã hội. Họ có đầy rẫy khắp nơi, từ những giai tầng xã hội cao, những người quyền cao chức trọng. Nhìn họ dáng vẻ đạo mạo, nắm vận mệnh quốc gia, dân tộc nhưng đầu óc rỗng tuếch. Những suy nghĩ chính của họ là làm thế nào để có nhiều tiền bằng cách bòn rút của cải, tài nguyên quốc gia. Họ ở trong những căn biệt thự sang trọng, đi những chiếc xe đời mới đắt tiền. Những hạng sâu mọt này không sớm thì chầy cũng bị trả giá cho hành vi và phong cách sống thiếu văn hóa.

Người không có túi tiền và không có túi văn hóa: Đây là hạng người đau khổ nhất trong xã hội. Cuộc sống nghèo nàn, vất vả, đầu tắt mặt tối mà vẫn không có được tiện nghi tối thiểu của xã hội loài người. Họ là những người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Có một dạo báo chí có những bài phóng sự viết về những em học sinh muốn đến trường phải bơi qua những con suối nước chảy cuồn cuộn. Họ là những gia đình sống tận trong núi thẳm rừng sâu, đói cơm thiếu mặc, không có chỗ cư trú đàng hoàng của con người. Họ là những con người đáng thương.

Cho nên chuyện hai chiếc túi này mãi mãi là một đề tài hóc búa, một đề tài đáng suy ngẫm trong một xã hội vẫn còn nhiều nhiễu nhương...

Phi Vũ
04/03/12


Không có nhận xét nào: