Translate

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Việt Nam tham gia tập trận Milan

Theo BBC Tiếng Việt

Tập trận Milan 2010
Cuộc tập trận Milan năm nay có 14 quốc gia tham dự
Tin cho hay hải quân Việt Nam có mặt trong cuộc tập trận Milan do Ấn Độ chủ trì kéo dài một tuần, bắt đầu từ thứ Tư 1/2.
Các nguồn tin Ấn Độ và quốc tế loan báo có tổng cộng 14 nước tham gia cuộc tập trận đa quốc gia quanh các quần đảo Andaman và Nicobar nằm giữa Biển Andaman và Vịnh Bengal.

Đó là Australia, Bangladesh, Brunei, Philippines, Miến Điện, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Singapore,Việt Nam, Malaysia, Maldives, Seychelles và Mauritius.
Tuy nhiên chưa rõ Việt Nam tham gia với tư cách gì. Trong cuộc tập trận Milan lần trước năm 2010, Việt Nam chỉ cử đại diện quan sát các bài tập.
Báo The Times of India cho hay trọng tâm của cuộc tập trận từ 1/2-6/2 là chống khủng bố hàng hải, cướp biển và đánh bắt trộm.
Ngoài ra hải quân các nước cũng thực hành tìm kiếm cứu nạn và tăng cường khả năng ứng phó.
Đây là cuộc tập trận Milan lần thứ tám do hải quân Ấn Độ tổ chức định kỳ hai năm một lần từ 1995 tới nay.
Một sỹ quan cao cấp được báo Ấn Độ dẫn lời nói: "Tập trận Milan là sự kiện quy hợp hải quân các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy tình hữu nghị trên biển, tăng cường sự cởi mở chung và chia sẻ quan điểm về các vấn đề hàng hải thường gặp".
"Từ sự tham gia của bốn quốc gia năm 1995, nay đã là 147 nước."
Báo The Times of India cũng đánh giá rằng tiêu chí quan trọng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương là bảo vệ các tuyến hàng hải quanh eo biển Malacca, vốn có tần số hoạt động là 60.000 chuyến tàu qua mỗi năm và chuyên chở 30% lượng hàng hóa trên toàn thế giới.
Hai quần đảo Andaman và Nicobar c̉ua Ấn Độ án ngữ ngay đường vào eo biển Malacca, vì thế vị trí tập trận càng trở nên quan trọng cho "an ninh và ổn định" của khu vực.

Chưa tập trận quốc tế

Báo Việt Nam không đề cập gì tới thông tin tham gia tập trận Milan.
Đầu năm ngoái, khi nói với báo chí về cuộc tập trận Cobra Gold ở Thái Lan, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh còn khẳng định rằng "trong thời điểm hiện nay Việt Nam chưa có chủ trương tham gia các hoạt động tập trận quốc tế".
"Trong thời gian tới, nếu có thì Việt Nam cũng bước đầu chỉ tham gia vào các cuộc diễn tập chung mang tính chất nhân đạo như rà phá bom mìn, cứu trợ thảm họa, quân y…"
Tuy nhiên, tình hình một năm qua đã thay đổi khá nhiều, với các diễn biến gây căng thằng tại Biển Đông khiến các quốc gia trong khu vực đều nhận rõ nhu cầu tăng cường hải quân.
Việt Nam và Ấn Độ cũng có nhiều hoạt động trao đổi quốc phòng.
Với chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi ông nhận nhiệm sở, Việt Nam tỏ ra xích lại gần quốc gia cùng châu lục tuy cách núi cách sông này.
Việc tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ quyết định tiếp tục thăm dò ngoài khơi Việt Nam dù bị Trung Quốc phản đối phần nào cho thấy thái độ của Delhi.
Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn Nga Ria Novosti dẫn lời ông Boris Obonosov, Giám đốc Công ty Tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga nói công ty này đã bàn giao đầy đủ số tên lửa chống hạm Uran cho Việt Nam.
Các hỏa tiễn này, còn được gọi tên Kh-35E, được trang bị cho các tàu chiến hàng đầu của Việt Nam như hai tàu lớp Gepard 3.9 mà Việt Nam nhận của Nga vào năm ngoái, đặt tên là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.

Không có nhận xét nào: