Theo Bauxite Việt Nam
Lê Quỳnh
Hội thảo hai ngày về Biển Đông tại Hà Nội, được nói là lớn nhất trong lần thứ ba tổ chức, đã khai mạc với sự tham dự của khoảng 180 nhà nghiên cứu từ nhiều châu lục.
Đây là lần thứ ba hội thảo Biển Đông diễn ra ở Việt Nam
Điểm "đặc biệt" của sự kiện diễn ra trong hai ngày 4/11 và 5/11 là chỉ thị từ ban tổ chức yêu cầu các diễn giả "chưa vội" trả lời phỏng vấn của báo chí.
Không có giải thích cụ thể, nhưng nhiều người ngầm hiểu là chính phủ Việt Nam một mặt muốn thúc đẩy quan tâm của quốc tế đến cuộc tranh chấp, nhưng mặt khác cũng lo ngại gây phật lòng về ngoại giao với Trung Quốc.
Tại phiên khai mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý được dẫn lời nói: “Cộng đồng khu vực và thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Biển Đông”.
Ông giải thích: "Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ của khu vực Đông Á mà còn của toàn Châu Á - Thái Bình Dương”.
"Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông vẫn tiềm ẩn những bất ổn mà nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, nếu không có những nỗ lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Giáo sư Quý cho biết số lượng hội thảo về Biển Đông ngày càng tăng - năm 2010 chỉ có 7, thì năm nay con số lên đến 15 hội thảo tại nhiều nước.
Đây là năm thứ ba Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế, lần này cùng hợp tác với Hội Luật gia Việt Nam.
Giống như hai lần tổ chức trước, các phóng viên chỉ được dự phiên khai mạc và bế mạc.
Giáo sư Đặng Đình Quý phát biểu khai mạc hội thảo
Nhưng thêm điểm khác lần này, theo một người tham dự, là ông Đặng Đình Quý yêu cầu những người có bài phát biểu không trả lời báo chí, và không công bố bài của mình trong lúc này.
Chất vấn quan điểm Trung Quốc
Nguồn tin muốn giấu tên cho BBC biết buổi khai mạc hôm nay có lúc khá căng thẳng khi nhiều người chất vấn quan điểm của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.
Học giả quen thuộc với các lần hội thảo, giáo sư Tô Hạo từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc, lặp lại các luận cứ "lịch sử" để bảo vệ quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Một người ngồi nghe nhận xét các phát biểu của nhà nghiên cứu Trung Quốc "không mới".
"Trung Quốc lúc nào cũng nói gác tranh chấp, cùng khai thác. Vấn đề là hợp tác thế nào. Với Trung Quốc, hợp tác là song phương, đàm phán cũng song phương và phải tôn trọng chủ quyền Trung Quốc," vị thính giả nhận xét.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, đến hội thảo ở tư cách khán giả, cho biết nhiều người tại hội thảo đã chất vấn phía Trung Quốc về đường lưỡi bò.
Nhà nghiên cứu lâu năm về Hoàng Sa ở Sài Gòn nhận định ông cảm thấy "thú vị chưa từng có".
Ông cho biết ngay cả một học giả Trung Quốc, khi lên phát biểu, còn nói đây là hội thảo "hay nhất".
Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận các nguyên tắc xử lý và giải quyết những vấn đề trên biển trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng trước.
Có những ý kiến khác nhau quanh thỏa thuận này, nhưng quan điểm của phía Việt Nam là thỏa thuận đã giúp làm giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đông.
Dẫu vậy, giới nghiên cứu trong nước nhận định giải quyết tranh chấp vẫn vô cùng phức tạp, vì Trung Quốc vẫn có cách hiểu khác với các nước quanh những điểm gây tranh cãi như yêu sách đường lưỡi bò hay đề nghị hợp tác chung.
L.Q.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét