Translate

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Ngày 20 tháng 11.



Tôi không biết ngày 20 tháng 11 Cộng Sản  Việt Nam dựa vào “Hiến chương nhà giáo” nào để lấy ngày này làm ngày Nhà Giáo Việt Nam. Thôi thì cũng cứ tạm tin là có cái hiến chương nhà giáo chi chi đó để rồi có ngày Nhà Giáo Việt Nam bởi lẽ ai đã, đang và sẽ làm nghề “gõ đầu trẻ” tại Việt Nam, mỗi năm đến ngày 20 tháng 11 lòng lại cảm thấy như có một cái gì đó náo nức trong lòng.

Ở đất nước Việt Nam Cộng Sản, người giáo viên Việt Nam là người bị nhiều...tai tiếng nhất mà cũng là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trước đây người ta thường kháo nhau là học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, thi nhiều ngành đại học khác mà không được thì cuối cùng mới đi vào ngành sư phạm bởi lẽ “nghề bán cháo phổi” này đồng lương chẳng có là bao nhiêu. Mà cũng thật là oái ăm cho những thầy cô giáo ở Việt Nam. Tôi còn nhớ ở trong nước cách đây cũng  ba bốn chục năm có một câu đối Tết nghe mà thấy...não lòng và càng thương những thầy cô giáo nhiều hơn:

Tối ba mươi thầy giáo tháo giày đi sắm Tết
Sáng mồng một giáo chức dứt cháo đón xuân sang.


Đọc câu đối Tết này không ai không khỏi bùi ngùi rơi lệ cho cảnh đời của những thầy cô giáo Việt Nam làm nghề đi dạy ở xứ sở...thiên đường. Ấy vậy mà Cộng Sản Việt Nam lại luôn luôn khoác lên mình người thầy cô giáo những mỹ từ nghe rất kêu: kỹ sư tâm hồn. Phải nói rằng từ “kỹ sư tâm hồn” nghe rất là hay, tuy nhiên phải đau lòng mà nói là tuy có tiếng mà lại không có miếng...

Ai đã làm nghề đi dạy ở xứ sở Việt Nam Cộng Sản thì mới thấy thấm thía. Tôi còn nhớ hồi trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, công cuộc giáo dục để đào tạo nhân tài cho đất nước rất được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa coi trọng cho nên địa vị của những thầy cô giáo được đặt ở tầm cao và cả xã hội đều nể phục. Thời bấy giờ đồng lương của người thầy giáo, cô giáo rất là cao, còn nhiều hơn đồng lương của những người công chức. Những câu ca dao tục ngữ như: ‘Trọng thầy mới được làm thầy”; “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”...và nhiều câu khác nữa học sinh đều được học thuộc nằm lòng cho nên học sinh rất là kính trọng và yêu quý thầy cô giáo...Những bài học đầu tiên của môn “Đức Dục” là những bài giáo dục học sinh tấm lòng kính trọng thầy cô giáo.

Bản thân  tôi trước khi sang định cư ở Hoa Kỳ là một người giáo viên cho nên mỗi năm đến ngày 20 tháng 11 lòng lại cảm thấy rất là ấm áp và cũng rất là vui. Trong ngày này được phụ huynh học sinh tặng những món quà dẫu là nhỏ nhưng cũng chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tôi rất là xúc động. Năm nay, nhân ngày nhà giáo 20 tháng 11, xin có lời mến chúc những nhà giáo ở Việt Nam một ngày lễ nhiều niềm vui và nhiều hạnh phúc. Rất là trân trọng các vị ngày ngày đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho những thế hệ mai sau để dân tộc Việt Nam của chúng ta không bị tụt hậu so với thế giới.

  Hồi còn ở Việt Nam, tôi rất thích bản nhạc “Bụi phấn” mà không biết tên của tác giả, xin ghi lại đây để tưởng nhớ lại một thời...

Bụi phấn.

Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy.
Em yêu phút giây này thầy em tóc như bạc thêm, bạc thêm vì bụi phấn cho em bài học hay.
Mai sau lớn nên người, làm sao có thể nào quên ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ....

Trân trọng.

Phi Vũ

Ngày 19 tháng 11 năm 2013.

Không có nhận xét nào: