Translate

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Việt kiều yêu nước .



Thương tặng cháu Ly Kim Oanh.


Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, toàn thể miền Nam rơi vào một hoàn cảnh bi thương cùng độ mà chưa bao giờ xảy ra trước đây kể cả trong thời gian còn chịu dưới sự cai trị của Thực dân Pháp. Với sự trả thù hèn hạ đối với toàn thể cán bộ công nhân viên chức sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng Hoà cũng như những hình thức ngăn sông cấm chợ, bao cấp như ở miền Bắc, người dân miền Nam thực sự bị sốc nặng nề. Mấy lần đổi tiền theo kiểu ăn cướp cũng như đánh “tư sản” làm cho nhiều gia đình miền Nam trở nên trắng tay.


Không chịu đựng nổi, phong trào vượt biên đã trở thành một phong trào rộng khắp trên toàn thể miền Nam. Người người vượt biên, nhà nhà vượt biên. Những trại tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc đã được thành lập ở Hồng Kông, Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Indonésia. Một số người đã đến được bến bờ tự do sau những ngày tháng lênh đênh đói khát giữa biển khơi. Một số đã trở thành nạn nhân của bọn hải tặc thực chất chỉ là những tên đánh cá Thái Lan có vũ trang đã cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ thân cô thế cô giữa biển khơi. Biết bao nhiêu triệu người đã phải bỏ mình giữa biển khơi để làm mồi cho cá. Một số người không thoát được thì bị  Cộng Sản Việt Nam bắt nhốt bỏ tù. Chúng đã gọi những người trốn chạy vượt biên là “thành phần cặn bã xã hội” và dùng đủ mọi danh từ xấu xa để gọi.


Sau một thời gian ở trại tỵ nạn thì những thuyền nhân đã được các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Canada ...cho tái định cư. Họ đã cố gắng vừa làm việc  để kiếm sống cũng như vừa học để cố gắng hội nhập vào đời sống mới và đã trở nên những người thành công nơi xứ người. Nhớ quê hương và thương những thân nhân còn bị kẹt ở lại quê nhà, những người tỵ nạn Cộng Sản đã chắt chiu đồng tiền để gởi quà về cho thân nhân. Bản nhạc “Chút quà cho quê hương” của Việt Dũng đã một thời làm rung động biết bao nhiêu trái tim Việt Nam xa xứ.

Rồi thời gian trôi qua, một số người Việt nhớ thương quê hương đã trở về thăm Việt Nam. Cộng Sản Việt Nam cũng đã đổi cách gọi. Từ “cặn bã của xã hội” đã biến thành “Vịệt kiều yêu nước”, thành “khúc ruột ngàn dặm”. Ấy vậy mà nhiều người Việt sống ở nước ngoài đã quên mất “căn cước tỵ nạn” của mình đã dễ dãi trở về sống ở Việt Nam. Nhiều người còn quay trở lại chưởi bới cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản ở hải ngoại như trường hợp của Phạm Duy hoặc Nguyễn Phương Hùng. Có một số người dành dụm chắt chiu từng đồng ở hải ngoại đem tiền về Việt Nam làm ăn đã bị Cộng Sản Việt Nam ăn cướp trắng tay. Thôi thì nhiều nhiều lắm, thiên hình vạn trạng, đủ mọi thứ chuyện không thể kể hết được.

Vậy thì chúng ta là ai? Là “Việt kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm” – mỹ từ của Cộng Sản Việt Nam ban tặng -  hay là người Việt tỵ nạn Cộng Sản. Chúng ta vẫn mãi mãi vẫn là người Việt tỵ nạn Cộng Sản mãi đến bao  giờ vẫn còn Cộng Sản Việt Nam cai trị trên quê hương Việt Nam, người dân Việt vẫn còn bị chúng cướp bóc để trở thành dân oan mà tiếng kêu than ngập cả đất trời như hiện nay. Mãi mãi chúng ta vẫn là người Việt tỵ nạn Cộng Sản cho đến lúc mà chế độ Cộng Sản tàn ác bất nhân đã hoàn toàn bị giải thể và người dân Việt đã hoàn toàn được dân chủ, tự do.


Phi Vũ
Ngày 7 tháng 7 năm 2014.

Không có nhận xét nào: