Translate

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Nhật Bản không để Trung Quốc uy hiếp

Theo RFI


Tàu tuần duyên Nhật Bản (trên) chặn tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 24/09/2012
Tàu tuần duyên Nhật Bản (trên) chặn tàu hải giám Trung Quốc tiến vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 24/09/2012
REUTERS

Tú Anh
Nhật Bản của tân thủ tướng Shinzo Abe lấy lại thế chủ động : Gia tăng ngân sách quân sự lần đầu sau 11 năm và triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối « hành vi xâm phạm lãnh hải ». Sau nhiều năm dài phô trương thanh thế, đặc biệt là trong 4 tháng gần đây, Bắc Kinh bị Tokyo điểm mặt.


Không đầy hai tuần sau khi nhậm chức, chính phủ cánh hữu Nhật Bản đã có ba động thái xác định uy thế đại cường của Tokyo : Gia tăng ngân sách quốc phòng, trực tiếp cảnh báo Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo. Chính phủ mới cũng không quên kế hoạch phát huy sức mạnh kinh tế sau nhiều năm trì trệ với một chương trình đầu tư gần 150 tỷ đô la canh tân hạ tầng cơ sở, phòng ngừa thiên tai và tái cầu trục công kỹ nghệ.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc liên tục tăng cường võ trang với ngân sách quốc phòng tăng gấp đôi, tuyên bố tham vọng « cường quốc hải dương » và gần đây, đưa lực lượng tàu hải giám, vừa được bổ sung hơn một chục chiến hạm cải trang, uy hiếp và xâm phạm và tranh giành chủ quyền với bốn quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông và Nhật Bản ở Hoa Đông.
Nhất cử nhất động của chính quyền và dân chúng Nhật Bản đều bị đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác phục vụ nhu cầu chính trị nội bộ. Khi tàu đánh cá Trung Quốc khiêu khích xung đột với tuần duyên Nhật Bản vào năm 2010 thì « doanh nghiệp » Trung Quốc giảm sản xuất đất hiếm và hải quan Trung Quốc đột nhiên làm việc « chậm lại » khiến nền công nghiệp điện tử của Nhật Bản gặp khó khăn vì thiếu kim loại thiết yếu .
Khi một toán người Nhật đổ bộ lên Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư hồi giữa năm ngoái thì tại Trung Quốc xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình gọi là « tự phát » tấn công sứ quán Nhật, nhân viên ngoại giao, kiều dân và cơ sở thương mại Nhật Bản. Trong bốn tháng gần đây, hơn 20 lần Trung Quốc cho tàu hải giám xâm nhập lãnh hải Senkaku. Cuối tháng , lần đầu tiên máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận.
Trong thời gian này, thái độ của Tokyo mang sắc thái khiêm tốn dường như do mặc cảm quá khứ quân phiệt và bị trói buộc qua bản Hiến pháp hiếu hòa. Tuy nhiên, giai đoạn nhẫn nhục này có lẽ đã không còn nữa. Theo AFP, Nhật Bản với đảng Tự Do Dân Chủ trở lại chính quyền hôm 26/12/2012, bắt đầu có thái độ cứng rắn, cảnh báo Bắc Kinh phải thận trọng.
Ngay trong ngày hôm nay 08/01/2013, Tokyo có ba động thái theo cùng một hướng khẳng định nội lực của xứ hoa anh đào : Tăng ngân sách quân sự để canh tân trang thiết bị , tăng cường lục quân, triệu đại sứ Trung Quốc lên bộ ngoại giao với lời cảnh báo nghiêm khắc « chấm dứt hành động xâm lấn chủ quyền bằng máy bay và tàu thủy ». Cùng lúc, Tokyo thông báo một kế hoạch chấn hưng kinh tế gần 150 tỷ đôla nhưng theo báo Nikkei, thực tế có thể lên đến 200 tỷ.
Một quyết định khác cũng mang ý nghĩa quan trọng. Hai nhật báo lớn của Nhật Bản Ashahi và Yomiuri đồng thời đưa tin, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ dành chuyến công du đầu tiên đi thăm ba nước Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong tháng này thay vì đi sang Hoa Kỳ như đã dự kiến.
Dù Tokyo lý giải như thế nào, do Tổng thống Obama bận cải tổ nội các hay « khó khăn sắp xếp chương trình thăm viếng » thì quyết định chọn Đông Nam Á để đi thăm đầu tiên, là một chiến thuật ngoại giao khéo léo : vừa xác định Nhật Bản là một cường quốc đáng tin cậy cho các quốc gia nhỏ đang lo sợ thế lực bành trướng của Trung Quốc vừa chứng tỏ tinh thần tự cường của Tokyo mà Bắc Kinh phải dè chừng.
Thái độ của chính quyền Nhật Bản và Trung Quốc được hãng tin Asia News so sánh như sau : Shinzo Abe không khoan nhượng trên quần đảo Senkaku nhưng chủ trương thiết lập quan hệ xây dựng với Trung Quốc. Trong khi đó thì Trung Quốc của Tập Cận Bình dường như không muốn giải quyết xung khắc bằng giải pháp ôn hòa. Bắc Kinh còn viện dẫn « khoa học » trong một tập hồ sơ dày 11 trang đưa lên Liên Hiệp Quốc khẳng định khu vực tranh chấp, nơi đáy biển có nhiều tài nguyên, là thuộc thềm lục địa của Trung Quốc.
Học viện chính trị xã hội ở Bắc Kinh, cơ quan « tư vấn » của chính phủ Trung Quốc, trong một bản phúc trình hồi cuối năm 2012, « tiên đoán » không tránh khỏi một cuộc xung đột võ trang tại Hoa Đông.

Không có nhận xét nào: