Translate

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Andrew J. Nathan - Khổng Tử và thùng phiếu bầu cử

Andrew J. Nathan
Quang Thành chuyển ngữ
Tại sao những giá trị châu Á không hề cản trở dân chủ
Bắt đầu từ giữa những năm 1980, làn sóng dân chủ hóa thứ ba đã quét qua châu Á, mang nền chính trị đa đảng sôi động đến cho các chế độ độc tài trước đây như Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy vậy, ngày nay, theo tính toán của Doh Chull Shin, trong 16 nước Đông Á và Đông Nam Á hiện nay chỉ bao gồm sáu nền dân chủ đang hoạt động - một tỷ lệ kém hơn so với mức trung bình trên toàn thế giới là cứ 10 nước thì có 6 nền dân chủ. Khu vực này tiếp một số chế độ độc tài dai dẳng nhất của thế giới. Trong khi đó, Campuchia, Philippines, và Thái Lan đã từ lâu chơi trò bập bênh giữa các chính phủ được bầu và không được bầu. Thêm vào đó,thành công kinh tế cũng như sự ổn định chính trị của Trung Quốc đã khiến cho quốc gia này trở thành một mô hình nghiên cứu đáng ghen tị bởi những “ông lớn” trên khắp thế giới. Vậy, mô hình này có ý nghĩa như thế nào đối với châu Á mà sao quá khó khăn để dân chủ bám rễ?
Một phần giải thích có thể bắt nguồn từ nền văn hóa. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về văn hóa đôi khi có thể bóp méo hơn là soi rọi mối quan hệ giữa các giá trị và nền quản trị. Đây chính là cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu các giá trị truyền thống châu Á có tương thích với nền dân chủ - một tranh cãi mà cuốn sách của Shin cố gắng giải quyết bằng cách tách biệt những gì là huyền thoại khỏi những sự kiện và những gì là giả định khỏi bằng chứng.

CÁC GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

Cuộc tranh luận về các giá trị châu Á khởi phát vào những năm 1990 từ các nhà lãnh đạo của Malaysia và Singapore, những người lo ngại sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh và áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc về nhân quyền và dân chủ sau sự kiện Thiên An Môn sẽ làm mất ổn định khu vực.Trong bài phỏng vấn của Tạp chí Foreign Affairs năm 1994 với Fareed Zakaria ("Văn hóa là số mệnh," Tháng Ba / Tháng Tư 1994), nhà lãnh đạo Singapore khi đó, Lý Quang Diệu, cảnh báo các nước phương Tây "không nên gán một cách bừa bãi hệ thống của họ lên những xã hội vốn không thể dung nạp." Lý tuyên bố rằng dân chủ kiểu phương Tây, với sự nhấn mạnh về các quyền cá nhân, không phù hợp với các nền văn hóa hướng vê gia đình của khu vực Đông Á.Trong một bài phát biểu một vài năm trước đó, Lý đã lập luận rằng các xã hội châu Á sẽ phát triển mạnh không phải bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế, các chuẩn mực xã hội, và các chiến lược quản trị phương Tây mà bằng cách bảo tồn những gì ông mô tả là năm mối quan hệ (ngũ thường) quan trọng nhất đối với đạo Khổng: "Một là, lòng yêu thương giữa cha và con (nhân); hai là, nghĩa vụ giữa người cai trị và dân chúng (nghĩa); ba, sự tôn kính giữa vợ và chồng (lễ); bốn là, tôn kính người có tuổi (kính), và năm là, đức tín giữa những người bạn (tín)".
Những quan điểm của Lý, và quan điểm tương tự của những người khác, trở thành giả thuyết "các giá trị châu Á". Theo quan điểm này, không chỉ các giá trị châu Á xung đột với dân chủ tự do phương Tây, mà cả những giá trị từng là yếu tố chính đằng sau sự tăng trưởng kinh tế mà các nước châu Á hưởng thụ trong những năm 1990. Nhưng giả thuyết này chưa bao giờ được chấp nhận rộng rãi, ngay cả trong khu vực. Như Kim Dae-jung, một nhà bất đồng chính kiến ​​Hàn Quốc - người sau này trở thành Tổng thống của Hàn Quốc, lập luận trong số tiếp theo của Tạp chí Foreign Affairs ("Văn hóa là số mệnh? Các giá trị kháng dân chủ của câu chuyện thần thoại châu Á," Tháng Mười Một / Tháng Mười hai năm 1994) thì trở ngại lớn nhất để dân chủ hóa ở châu Á không phải là văn hóa khu vực, cái mà Kim cho là: "đã có cả một di sản triết học và truyền thống định hướng dân chủ ", mà là "sự kháng cự của các nhà cầm quyền độc tài và những người biện hộ cho họ." Kim buộc tội Lý về việc thúc đẩy một quan điểm về văn hóa Châu Á là "không những không đáng ủng hộ mà còn có mục đích phục vụ nhu cầu riêng."
Cuộc tranh luận đã trở nên gay gắt từ đó đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình tranh luận đã lộ ra rất nhiều những ý tưởng mơ hồ và mâu thuẫn về “các giá trị châu Á”. Vậy, "các giá trị châu Á" thực sự đòi hỏi những gì?

THEO KHỔNG TỬ THÌ NÊN LÀM GÌ?

Shin đi theo hướng nghiên cứu đó bằng cách nhìn lại lịch sử của Khổng giáo: rà soát các văn bản cổ điển của triết học, lên biểu đồ tiến hóa của Khổng giáo theo thời gian, và ghi chép biên niên sử lan truyền Khổng giáo từ Trung Quốc tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, và Việt Nam, sáu quốc gia mà ông đã phân loại thuộc nhóm "Châu Á Khổng giáo ", dựa trên ảnh hưởng lâu dài của Khổng tử ở những nơi này. Ông xác định năm giá trị tiếp tục định hình nền văn hóa của các xã hội này ngày nay: chủ nghĩa tập thể thứ bậc (sự trung thành với các nhà lãnh đạo nhóm), chế độ tuyển chọn nhân tài gia trưởng (sự cai trị nhân từ của một giới tinh hoa đạo đức), sự nhân nhượng và thích nghi giữa các cá nhân (tránh xung đột với những người khác), nhấn mạnh lợi ích cộng đồng và sự hài hòa (hy sinh lợi ích cá nhân cho cộng đồng), và chủ nghĩa gia đình kiểu Khổng giáo (đặt gia đình lên trên bản nhân). Những đặc điểm này được cho là mang lại hiệu ứng mang tính khu vực trong đó đánh giá tập thể cao hơn cá nhân và sự hài hòa cao hơn sự tự khẳng định. Shin thiết kế việc đo lường xem mỗi giá trị này mạnh mẽ như thế nào ở các nước châu Á khác nhau bằng cách phân tích dữ liệu từ hai dự án nghiên cứu quan điểm ​​được tiến hành trong giai đoạn 2005-8: một cuộc khảo sát ở 57 quốc gia do Hiệp hội Khảo sát Các Giá trị Thế giới thực hiện và một cuộc Khảo sát Phong vũ biểu Châu Á ở 13 quốc gia . (Tôi là thành viên của ủy ban chỉ đạo Khảo sát Phong vũ biểu châu Á, và là đồng chủ biên một cuốn sách với Shin và các cộng sự khác dựa trên những phát hiện về làn sóng trước đây từ cuộc khảo sát.)
Các nhà phê bình coi nghiên cứu về văn hóa dựa trên khảo sát là khiếm khuyết dưới ba góc độ. Thứ nhất, nếu văn hóa là cái gì đó được chia sẻ bởi tất cả các thành viên trong xã hội, xem văn hóa như là việc phân bổ các giá trị và các quan điểm giữa các cá nhân sẽ bỏ qua biểu hiện văn hóa như một trải nghiệm mà cộng đồng cùng chia sẻ. Thứ hai, bằng cách giản đơn văn hóa xuống còn một loạt các mục câu hỏi, phương pháp khảo sát tỏ ra quá đơn giản hóa những quan điểm vốn phức tạp, nhiều lớp. Thứ ba, định dạng câu hỏi vô hình chung buộc người trả lời lựa chọn trong số các câu trả lời cứng nhắc có thể không phản ánh đầy đủ niềm tin của họ.
Dẫu biết tất cả những điều đó, phương pháp khảo sát vẫn không thể không có. Không có cách tiếp cận nào khác tốt hơn thế để tìm ra những điều chung nhiều người đang thực sự tin tưởng vào. Và phương pháp này cũng chỉ rườm rà hơn chút ít so với phương pháp “biểu lộ” cũ rích theo đạo diễn và tuyên bố rằng tất cả các thành viên của quốc gia chia sẻ một số chuẩn mực mơ hồ. Việc Shin sử dụng dữ liệu là đặc biệt chuyên nghiệp. Ví dụ, ông đo sức mạnh của chủ nghĩa gia trưởng ở mỗi nước trên cơ sở số người trả lời Khảo sát Phong vũ biểu châu Á đã nhất trí với hai mệnh đề: "Mối quan hệ giữa chính phủ và dân chúng nên giống như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái" và "các lãnh đạo chính phủ giống như ông chủ của một gia đình; tất cả chúng ta nên tuân theo quyết định của họ ". Shin kết hợp những dữ liệu này với câu trả lời đối với hai mệnh đề về chế độ tuyển chọn nhân tài : "Nếu chúng ta có các nhà lãnh đạo chính trị ngay thẳng về mặt đạo đức , chúng ta có thể phó mặc họ quyết định tất cả mọi thứ" và "Nếu có thể, tôi không muốn tham gia trong các vấn đề chính trị." Ông sử dụng bốn câu hỏi để tạo ra một thang điểm gắn với chế độ tuyển chọn nhân tài gia trưởng. Ông nhận thấy đây là giá trị mà công dân của các chế độ độc tài ở Trung Quốc, Singapore, và Việt Nam theo đuổi cao nhất và công dân của các chế độ dân chủ ở Nhật Bản và Đài Loan ít theo đuổi nhất, theo đúng như giả thuyết các giá trị châu Á dự đoán.
Tuy nhiên, dữ liệu của Shin cho thấy một vài phát hiện mâu thuẫn với giả thuyết đang bàn. Trước hết, các giá trị của những người châu Á Khổng giáo không hề là "Khổng giáo hơn" so với những người ở nơi khác; mà quả thực, lại thường ít hơn. Có một tỷ lệ nhỏ hơn công dân trong khu vực “tôn thờ” chế độ tuyển chọn nhân tài gia trưởng so với khu vực châu Á Không Khổng giáo theo định nghĩa của Shin bao gồm Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, và Thái Lan. So với sáu khu vực khác trong Khảo sát Giá trị Thế giới, châu Á Khổng giáo chỉ ở vị trí thứ tư về hệ thống thứ bậc, sau thế giới Hồi giáo, châu Phi và Mỹ Latinh. Một giải thích thỏa đáng cho những phát hiện này là các giá trị Khổng giáo không hề mang tính đặc sắc Châu Á; thay vào đó, những giá trị này thuộc về một nhóm các giá trị truyền thống mang tính phổ quát. Giải thích đó được ủng hộ bởi một thực tế là các quốc gia châu Á Khổng giáo không hoàn toàn đồng nhất về chuẩn mực và niềm tin. Có ít hơn bảy phần trăm người Nhật Bản tuân thủ các giá trị về thứ bậc, so với hơn 40% của người Việt Nam; hơn một nửa số người Hàn Quốc theo chủ nghĩa quân bình, so với chỉ 30% của Trung Quốc.

SỬ DỤNG (VÀ LẠM DỤNG) VĂN HÓA

Sự kiện chủ nghĩa truyền thống là khác nhau giữa và trong các xã hội hầu như không đáng ngạc nhiên: một số phiên bản của phát hiện đó được đúc kết thành phương pháp khảo sát tích hợp từ các dữ liệu cấp độ vi mô. Phát hiện của Shin có ý nghĩa bởi nó xác nhận một lý thuyết thống trị về một trong những lý do chính vì sao các giá trị cá nhân và do đó các giá trị của các nhóm quần chúng thay đổi theo thời gian. Các giá trị truyền thống thường phổ biến trong số những người châu Á lớn tuổi, ít học, và có thu nhập thấp - nói cách khác, đó là những người ít tiếp xúc với các ý tưởng, công nghệ, và các hoạt động kinh tế đang ngày càng định dạng cuộc sống hiện đại ở thế giới phát triển và đang phát triển. Các học giả làm việc với các dữ liệu khảo sát cho thấy lâu nay các quan niệm truyền thống mất dần đi khi người dân di chuyển ra các thành phố, biết đọc biết viết, tiếp thu giáo dục chính thức, làm việc trong các doanh nghiệp hiện đại, và hòa mình với các phương tiện truyền thông hiện đại. Vì thế Shin lập luận rằng việc đa dạng giá trị trên toàn châu Á bắt nguồn từ những tác động không đồng đều của hiện đại hóa.
Các nền dân chủ cũng có thể ảnh hưởng hoặc khai thác văn hóa thành lợi thế riêng của mình. Shin phát hiện trên thực tế rằng sinh sống trong một nền dân chủ có tác động lớn hơn quá trình hiện đại hóa trong việc thay đổi quan điểm của dân chúng về giá trị truyền thống. Ông đã cho thấy một con người với giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, và thu nhập nào đó nhiều khả năng sẽ từ bỏ cam kết của mình đối với các giá trị truyền thống nếu người đó sống trong một quốc gia dân chủ hơn là nếu họ sống trong một hệ thống độc tài. Điều này phản ánh thực tế rằng một hệ thống dân chủ, một khi đặt đúng nơi, sẽ thúc đẩy các giá trị giữa các công dân của nó và những người này giúp nền dân chủ ấy hoạt động. Một số hình thức của chủ nghĩa truyền thống châu Á thậm chí có thể hữu ích cho nền dân chủ. Theo Shin, người Khổng giáo ủng hộ thuyết gia đình mạnh để giúp cố kết niềm tin và sự khoan dung trong xã hội rộng lớn hơn, trái ngược với nhận thức phổ biến cho rằng lòng trung thành tuyệt đối lại không tương thích với các chuẩn mực dân chủ. Cũng không phải chế độ lựa chọn người tài gia trưởng là một trở ngại cho dân chủ hóa: trong thực tế, điều đó dường như có khả năng thúc đẩy việc bảo vệ các chế độ dân chủ cũng y như bảo vệ chế độ độc tài. Giả thuyết các giá trị châu Á đã thất bại trong việc giải thích khả năng các chế độ định hình văn hóa, điều vốn được xem như là một nguồn tài nguyên được khai thác bởi các chế độ và các đối thủ của họ trên cả hai mặt của sự phân chia dân chủ - độc tài. Các giá trị của công dân không phải là điều duy nhất xác định kiểu chính phủ một xã hội sẽ có.
Nhưng các chế độ không hề bó tay trong việc chống lại các lực lượng này. Các chính phủ độc tài có thể sử dụng các hệ thống giáo dục và tuyên truyền để thuyết phục công dân rằng các quy tắc hiện hành mà họ có là đủ dân chủ. Shin thấy rằng hầu hết người châu Á nói rằng họ thích sống trong một nền dân chủ, nhưng sự ủng hộ cho dân chủ giảm mức độ khi họ được truy vấn về những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho dân chủ chính hiệu. Điều nổi bật hơn cả là khoảng trống giữa ủng hộ cho dân chủ như là một thương hiệu và ủng hộ cho dân chủ như là một tập hợp các thủ tục được thể hiện rõ ràng hơn trong những hệ thống độc tài so với trong những hệ thống phi độc tài. Ví dụ, ở Trung Quốc, 65% số người được hỏi ủng hộ dân chủ trên nguyên tắc, nhưng chỉ có 28% cho rằng cơ hội thay đổi chính phủ thông qua bầu cử là cần thiết để có dân chủ, và ít hơn bốn phần trăm nói rằng sự tự do chỉ trích người nắm quyền lực là điều cần thiết.
Bằng cách nuôi dưỡng những giá trị phi tự do trong lòng công dân của mình, một số chế độ châu Á được bên ngoài phân loại là độc tài, chẳng hạn như Trung Quốc và Việt Nam, có thể miêu tả bản thân mình là dân chủ trước các công dân của họ. Thực tế các quốc gia đã thành công hơn trong việc tự huyễn hoặc này so với các chế độ độc tài nhất ở những nơi khác cho thấy có ít điều để nói về các giá trị của công dân nước họ hơn so với việc bàn về các kết quả kinh tế sống động và hệ thống tuyên truyền tinh vi.
Các nền dân chủ cũng có thể ảnh hưởng hoặc khai thác văn hóa thành lợi thế riêng của mình. Shin phát hiện trên thực tế rằng sinh sống trong một nền dân chủ có tác động lớn hơn quá trình hiện đại hóa trong việc thay đổi quan điểm của dân chúng về giá trị truyền thống. Ông đã cho thấy một con người với giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, và thu nhập nào đó nhiều khả năng sẽ từ bỏ cam kết của mình đối với các giá trị truyền thống nếu người đó sống trong một quốc gia dân chủ hơn là nếu họ sống trong một hệ thống độc tài. Điều này phản ánh thực tế rằng một hệ thống dân chủ, một khi đặt đúng nơi, sẽ thúc đẩy các giá trị giữa các công dân của nó và những người này giúp nền dân chủ ấy hoạt động.
Một số hình thức của chủ nghĩa truyền thống châu Á thậm chí có thể hữu ích cho nền dân chủ. Theo Shin, người Khổng giáo ủng hộ thuyết gia đình mạnh để giúp cố kết niềm tin và sự khoan dung trong xã hội rộng lớn hơn, trái ngược với nhận thức phổ biến cho rằng lòng trung thành tuyệt đối lại không tương thích với các chuẩn mực dân chủ. Cũng không phải chế độ lựa chọn người tài gia trưởng là một trở ngại cho dân chủ hóa: trong thực tế, điều đó dường như có khả năng thúc đẩy việc bảo vệ các chế độ dân chủ cũng y như bảo vệ chế độ độc tài.
Giả thuyết các giá trị châu Á đã thất bại trong việc giải thích khả năng các chế độ định hình văn hóa, điều vốn được xem như là một nguồn tài nguyên được khai thác bởi các chế độ và các đối thủ của họ trên cả hai mặt của sự phân chia dân chủ - độc tài. Các giá trị của công dân không phải là điều duy nhất xác định kiểu chính phủ một xã hội sẽ có.

MỘT GIẢ THUYẾT SAI LẦM

Do văn hóa không phải là một cái lồng sắt nên người ta phải xem xét các yếu tố khác để dự đoán tương lai của nền quản trị ở châu Á. Một chỉ báo quan trọng là kết quả thực hiện. Xét cho cùng, sự ổn định của một chế độ nào đó phụ thuộc phần lớn vào năng lực của chế độ ấy đáp ứng nhu cầu của công dân của mình. Kinh tế trì trệ, bất bình đẳng thu nhập, và tham nhũng sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của bất kỳ chính phủ nào.
Tuy nhiên, phát hiện của Shin hàm ý rằng hệ thống độc tài dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp so với hệ thống dân chủ. Ở các nước độc tài châu Á, một tỷ lệ cao công dân xem dân chủ vừa là điều mong muốn vừa là sự hợp lý đối với đất nước mình. Ngược lại, ở các quốc gia mà dân chủ đã thay thế chế độ độc tài mất uy tín (ví dụ: lãnh đạo quân sự tại Hàn Quốc, chế độ độc đảng tại Đài Loan, và chế độ cai trị kiểu hoàng đế tại Nhật Bản), sự ủng hộ cho các giải pháp thay thế chế độ độc tài thay đổi từ 4% đến 17%. Các nền dân chủ châu Á đã chứng minh năng lực ứng phó với tác động của hoạt động yếu kém bởi trên thực tế công dân ở các nước này luôn nhìn thấy chính quyền của họ hợp pháp ngay cả khi có đấu tranh. Trong khi đó, các nước láng giềng độc tài có thể tránh cuộc khủng hoảng tính hợp pháp bằng cách ém nhẹm tham nhũng và giữ nền kinh tế tăng trưởng. Khi nền kinh tế hoặc các hệ thống phúc lợi xã hội của họ “trục trặc”, công dân sẽ có xu hướng đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn từ phía chính phủ.
Văn hóa tương tác với các lực lượng kinh tế-xã hội, các thể chế chính trị, thực hành chế độ, và giới lãnh đạo để xác định số phận của chế độ, và không có bất cứ yếu tố duy nhất nào là nguyên nhân chính yếu. Giả thuyết các giá trị châu Á đã sai lầm khi tuyên bố rằng dân chủ không thể tồn tại ở châu Á. Tuy nhiên, điều tương tự cũng đúng khi phản biện rằng hiện đại hóa sẽ tự động hủy diệt các chế độ độc tài ở khu vực. Họ có thể sống sót trong một thời gian dài tới đây. Tuy nhiên, cửa đặt cược vào văn hóa đang được xếp chồng lên nhau chống lại họ.
ANDREW J. NATHAN là Giáo sư Khoa học Chính trị Lớp 1919 tại Đại học Columbia và là đồng tác giả, cùng với Andrew Scobell, của cuốn sách sắp xuất bản mang tên Trung Quốc Kiếm tìm An ninh.
Bản dịch của Quang Thành
Nguồn: Confucius and the Ballot Box, Foreign Affairs
July/August 2012

Không có nhận xét nào: