Việt Hà, phóng viên RFA
2012-10-08
Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế mới đây vừa công bố một Bản báo cáo về liên minh Mỹ Nhật, trong đó có đưa ra một loạt những khuyến nghị với cả hai nước về hợp tác trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, kinh tế, an ninh.
Báo cáo này đưa ra giữa lúc có những căng thẳng đang lên giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku mà trung quốc gọi là Điếu Ngư, căng thẳng giữa Nhật và Nam Hàn về các vấn đề lịch sử và chủ quyền đảo TaKeshima hay còn gọi là Dokdo.
Các chuyên gia Nhật Bản và Mỹ trong tuần này đã có một cuộc họp bàn tại Washington DC về những cơ hội và thách thức cũng như các kiến nghị được đưa ra trong báo cáo này. Nhân dịp này, chúng tôi phỏng vấn chuyên gia về an ninh người Nhật Tetsuo Kotani, người tổ chức cuộc đối thoại tại Washington DC.
Việt Hà : Báo cáo mới đây của Trung tâm chiến lược và Nghiên cứu quốc tế về liên minh Nhật Mỹ trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế và an ninh, các tác giả đề nghị Nhật Bản nên duy trì vị thế là quốc gia hạng 1 trong liên minh này, với những khó khăn mà Nhật Bản đang gặp phải hiện nay về kinh tế, dân số lão hóa và tình hình chính trị chưa ổn định, ông nghĩ thế nào về khả năng Nhật Bản có thể duy trì được vị thế của mình theo như báo cáo?
Tetsuo Kotani: Như Bản báo cáo đã chỉ ra, Nhật Bản có rất nhiều khó khăn, quá nhiều. Chúng tôi tin là chúng tôi có thể duy trì là quốc gia hạng 1 nếu như chúng tôi có được lãnh đạo mạnh. Chúng tôi có tiềm năng để tiếp tục phát triển kinh tế và đối phó với vấn đề dân số đang già đi và duy trì vai trò đi đầu trong khu vực. Tất cả những điều này còn phụ thuộc vào lãnh đạo chính trị mà chúng tôi có. Chúng tôi hy vọng cuộc bầu cử diễn ra sớm và sau đó chính trị Nhật Bản sẽ ổn định trở lại với những chính trị gia được bầu là người có khả năng lãnh đạo tốt.
Việt Hà : Trong các lĩnh vực hợp tác về năng lượng, kinh tế và an ninh mà báo cáo đề cập, lĩnh vực nào là thách thức lớn nhất và vì sao?
Tetsuo Kotani: Theo tôi thì đó là lĩnh vực năng lượng. Đây là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhất. Chúng tôi đã trải qua cuộc khủng hoảng về hạt nhân vào năm ngoái. Đó là lý do vì sao người dân Nhật rất lo lắng về các nhà máy hạt nhân. Và chính phủ mới đây tuyên bố là sẽ không tìm kiếm lựa chọn năng lượng hạt nhân vào 2030. Nhưng trong khi đó, kinh tế Nhật Bản muốn phát triển lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hạt nhân. Hiện tại chúng tôi cũng không có những nguồn năng lượng khác có thể thay thế năng lượng hạt nhân sớm. Vì bởi người dân lo sợ việc Nhật Bản sẽ phải phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, nên làm thế nào để có thể dung hòa được hai sự khác biệt này trở ngại lớn nhất vào lúc này. Tôi hy vọng là sau bầu cử, lãnh đạo mới của Nhật sẽ đưa được ra quyết định đầy khó khăn về vấn đề năng lượng.
Việt Hà : Báo cáo cũng khuyến nghị Nhật Bản nên hợp tác chặt chẽ với Nam Hàn tìm cách tháo gỡ những khúc mắc xung quanh vấn đề bất đồng liên quan đến yếu tố lịch sử giữa hai nước để tạo hợp tác chiến lược ba nước Nhật, Mỹ Nam Hàn trong khu vực. Ông có thấy dấu hiệu tích cực nào từ chính phủ hai nước hướng đến việc giải quyết vấn đề này khi mà căng thẳng hai nước vẫn còn cao liên quan đến chủ quyền đảo Takeshima hay còn gọi là Dokdo?
Tetsuo Kotani: Quan hệ song phương giữa hai nước Nhật và Nam Hàn vào lúc này là rất xấu. chúng ta phải thừa nhận sự thật này. Tranh chấp xung quanh đảo này, đối với Nhật Bản là vấn đề về chủ quyền, trong khi đó đối với Nam Hàn, đây là vấn đề lịch sử. Cho nên lúc này cả hai nước nhìn vào cùng một vấn đề với cách nhìn khác nhau. Vì vậy rất khó để giải quyết tranh chấp vào lúc này. Trong khi đó, quan hệ quân sự giữa hai nước đã trở nên tốt hơn. Trong các năm tới, khi tình hình chính trị ở Nhật Bản ổn định trở lại, theo tôi Nhật Bản, Mỹ và Nam Hàn có thể củng cố tốt hơn mối quan hệ quân sự giữa 3 nước.
Việt Hà : Báo cáo cũng đề cập đến sự nổi lên của Trung Quốc và khả năng nước này mở rộng cái gọi là quyền lợi cốt lõi ra biển Đông và khu vực quần đảo Senkaku, mối liên minh Mỹ Nhật có thể giúp gì trong việc ngăn chặn Trung Quốc mở rộng quyền lợi cốt lõi ra các khu vực nói trên?
Tetsuo Kotani: Trước hết, mối đồng minh giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc. Cả Mỹ và Nhật đều chào đón sự lớn mạnh của Trung Quốc vì kéo theo đó là nhiều cơ hội. Nhưng cùng lúc đó, sự lớn mạnh của Trung Quốc cũng đưa ra những thách thức mới. Vì vậy cả Nhật và Mỹ có lúc phải nói chuyện với Trung Quốc rằng họ cần phải có cách ứng xử tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, Nhật và Mỹ có thể cung cấp khả năng ngăn chặn vì chúng tôi có khả năng về quốc phòng. Chúng tôi không kiềm chế Trung Quốc, nhưng chúng tôi giúp uốn nắn cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét