Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Việt Nam: con hổ khốn cùng


2012-09-14
Với ít ỏi triển vọng cải tổ có ý nghĩa, nền kinh tế sẽ còn lung lay thêm nữa.
National Geographic photo
Cô hổ cái Bengal có bầu được cứu và thả sau khi chạy về làng, bị dân làng Ấn Độ bắt và đánh đập

Cơn ác mộng

Những tuần lễ vừa qua là cả một cơn ác mộng cho giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam, những người tự hào là đã đem lại ổn định chính trị và kinh tế cho 90 triệu người dân Việt.

Những ngân hàng bị khách đổ xô tới rút tiền, những giám đốc bỏ trốn, bị bắt giam, khủng hoảng tín dụng bùng nổ với số lượng cao hơn nhiều năm từ trước tới nay cộng lại.
Cơn sốt cao độ khiến phó thống đốc ngân hàng trung ương hồi cuối tuần trước, (rồi đến Thủ tướng chính phủ vào tuần này), phải vội vã bác bỏ tin đồn chính phủ hỏi vay tiền của Quỹ tiền tệ quốc tế để tránh phá sản. Chỉ một nhóm chuyên viên của IMF xuất hiện ở thủ đô Hà Nội cũng có vẻ như gây nên sự chao đảo niềm tin.
Tuy nhiên sự khó chịu gần đây nhất thực sự phát khởi từ hôm 20 tháng 8 với vụ bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên, một doanh gia thích khoa trương, sáng lập viên Ngân hàng  thương mại cổ phần châu Á, ACB, một trong những ngân hàng  lớn nhất trong nước.
Tuy ông Kiên đã rời khỏi Hội đồng quản trị ngân hàng từ năm ngoái, vụ bắt giam với những cáo buộc mơ hồ gọi là “kinh doanh bât hợp pháp” cũng đủ khơi mào cho việc rút tiền ồ ạt, kèm theo một thời kỳ lao dốc của thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
vn-index
Chỉ số VN-Index năm 2012- uel.edu photo
Niềm tin càng lung lay khi Tổng giám đốc ACB lại bị bắt tiếp theo, với cáo buộc “sai phạm trong quản trị kinh tế”.
Báo "The Economist" viết tiếp: Toàn bộ sự kiện nhắc cho giới đầu tư rằng sau nhiều năm quản trị kém cỏi và cho vay bừa bãi, các ngân hàng Việt Nam rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, và nạn tham nhũng cùng lãng phí đã tràn ngập nền kinh tế.
Đó chẳng phải là điều bí mật gì, nhưng trong những vie con số gọi là “được nhìn nhận” đó.

Bế tắc tại Hà Nội

Thế là niềm tin vào kinh tế Việt Nam, nhất là của giới đầu tư phương Tây, bắt đầu đổ vỡ. Lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, lên tới 8 tỉ đô la  trong 7 tháng đầu của năm, giảm 1 phần ba so với 1 năm trước đó. Nhật Bản là nước chiếm phân nửa toàn mức đầu tư từ nước ngoài.
Cố gắng lạc quan, một số doanh gia trong nước ca ngợi Ngân hàng Trung ương về việc ít ra cũng đã nhìn nhận con số đáng buồn về nợ xấu – mà trong quá khứ không ai coi là chuyện đương nhiên. Tương tự, họ cũng nói việc bắt ông Kiên chứng tỏ quyết tâm mới của chính phủ trong việc trừng trị những hành động quá đáng.
Thực ra, những vụ bắt giữ và sa thải những nhân vật “nổi” đã xảy ra nhiều trong năm nay. 9 nhân viên quản trị của Vinashin bị tuyên án, người nặng nhất là 20 năm tù, sau khi tập đoàn đại công ty đóng tàu và là một trong những xí nghiệp Nhà nước lớn nhất từng chi phối nền kinh tế, gần phá sản với mối nợ 4 tỉ rưỡi đô la.
Người đứng đầu một xí nghiệp khổng lồ khác, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bị sa thải sau khi tập đoàn này lỗ hơn 1 tỉ vào năm ngoái. Trong tháng này công an cũng bắt giam nguyên giám đốc công ty Nhà nước vận tải đường biển Vinaline, người đã  bỏ trốn từ tháng ba sau một vụ điều tra tham nhũng ở công ty.
Giữa bối cảnh đó, một nhà đầu tư lâu năm ở Việt Nam biện giải vụ bắt ông Kiên “nhìn chung thì vẫn là tích cực và cần thiết”, và là chỉ dấu cho thấy xu hướng chống tham nhũng bắt đầu có trớn.
Những nhà phân tích khác tỏ ra hoài nghi hơn, nói rằng những vụ bắt bớ ít liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng, mà liên quan nhiều hơn đến hậu quả của một cuộc tranh giành quyền lực ở thượng từng kiến trúc của đảng Cộng sản, đặc biệt là giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Nhóm quản trị Vinashin và Nguyễn Đức Kiên có mối liên kết chặt chẽ với vị thủ tướng, và sự suy sụp của họ làm giảm vị thế của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Hơn thế nữa, nhà kinh tế độc lập Nguyễn Quang A đưa ra lý luận rằng mặc dù những vụ bắt bớ đó quả có là “điềm” báo trước một chiến dịch phối hợp để loại trừ những “ông chủ” tham nhũng, nhưng nó cũng khó lòng chạm đến bề mặt của những vấn đề kinh tế có cội rễ sâu xa của Việt Nam.

Khu vực ung nhọt

Vẫn theo bài báo "Vietnam: a tiger at bay", vị trí đầy ưu quyền của các xí nghiệp Nhà nước- chiếm 40% sản lượng quốc gia- là nơi chịu trách nhiệm chính yếu cho tất cả những vụ hối lộ, lạm dụng tài nguyên, cùng với nạn chi tiêu như điên dại, đã kéo Việt Nam xuống dốc.
Giới quản trị ngoại quốc cho rằng làm ăn ở Việt Nam là cả một cơn ác mộng.
Nhà kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng toàn hệ thống cần được thay đổi, không phải chỉ đem nhốt một số người vào tù là xong.
Giống như tại Trung Quốc, những người Cộng Sản bám chặt lấy các xí nghiệp quốc doanh như một phương tiện để giữ quyền kiếm soát chính trị trên nền kinh tế.
Tuy nhiên điều đó có nghĩa là những tay quản trị có mối liên kết chính trị nhưng kém khả năng lại có quyền dựng nên những “đế quốc” lan tràn ăn cánh với nhau – điển hình là những công ty taxi, những ngân hàng, khách sạn… và còn nhiều hơn nữa – tất cả đều chẳng đem lại lợi ích gì về kinh tế. 
inventory-250
Lượng tồn kho cao: sản xuất kém khả quan- Vietnam Economic Forum photo
Hệ thống ấy chỉ làm giàu một số ít “chủ nhân” nhưng đã chất chồng lên những công ty quốc doanh kia hằng đống nợ nần mà rốt cuộc chính phủ phải gánh vác.
Nhưng mới năm ngoái đảng Cộng Sản vẫn còn nhắc lại lời khẳng định như đinh đóng cột rằng khu vực quốc doanh phải nằm giữ “vai trỏ chủ đạo” trong nền kinh tế.  Không nơi nào mà đảng Cộng sản tỏ ra quyết tâm dùng quyền lực chính trị để kiểm soát hơn là khu vực quốc doanh.
Năm nay chính quyền hung hăng đàn áp những tiếng nói đối lập một cách bất thường, nhất là đối với những người kêu gọi thêm dân chủ.
Đặc biệt là các blogger, bị tách riêng và gắn lên những án tù nặng nề vì “tội tuyên truyền chống lại Nhà nước”.
Hành vi ấy khó có thể được coi là cung cách của một chính phủ có ý hướng cải tổ hệ thống.

Không có nhận xét nào: