Translate

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Nhà thầu TQ đưa lao động vào Hải Phòng

Theo BBC News

Công nhân TQ tại công trình nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (Ảnh: Báo Đất Việt)
Các công nhân Trung Quốc theo chân nhà thầu của họ vào Việt Nam
Tin cho hay hiện có hàng nghìn người Trung Quốc làm việc trên công trường nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên.
Báo Đất Việt nói con số lên tới gần 1.300 lao động.

BBC đã liên lạc với Ủy ban nhân dân xã Tam Hưng và được xác nhận là có nhiều công nhân Trung Quốc ở địa phương này và họ thuê một khu đất riêng để làm nhà ở.
Những công nhân Trung Quốc này làm việc lệch giờ so với giờ giấc thông thường ở Việt Nam. Họ thường làm sớm và về muộn để tránh cái nóng bức của mùa hè.

‘Đã giảm đi nhiều’

Trao đổi với BBC, ông Tăng Tiến Sơn, Chánh Thanh tra Sở Lao động thành phố Hải Phòng, cũng thừa nhận là có lao động Trung Quốc ở công trình nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và những lao động này làm việc theo gói thầu xây dựng và lắp ráp máy móc cho nhà máy.
Tuy nhiên ông nói con số 1.300 lao động Trung Quốc mà báo Đất Việt đưa ra là không chính xác.
Số lượng lao động Trung Quốc tăng giảm theo từng thời điểm tùy theo lượng công việc triển khai trên công trường, ông Sơn cho biết, và vào thời điểm đông nhất là trong giai đoạn đầu xây dựng nhà máy đạt đến hơn 800 người.
“Bây giờ số lượng (công nhân Trung Quốc) đã giảm đi rất nhiều,” ông nói.
Ông cho biết những công nhân Trung Quốc này làm ‘những công việc phổ thông là chính’ và họ đi theo diện làm việc cho nhà thầu đã trúng thầu công trình.
Những lao động này thuộc diện quản lý của nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn điện lực Đông Phương chứ không phải Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng với tư cách chủ đầu tư dự án, ông nói.
Ông Nguyễn Đại Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng Sở Lao động Hải Phòng, nói những lao động Trung Quốc này đều ‘phải có sự cho phép’ của sở mới được làm việc.
Theo ông thì thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài ở Hải Phòng hiện nay cũng ‘đơn giản thông thoáng’.

‘Thân thiện với nhà thầu’

Khi được hỏi vì sao cấp phép cho lao động Trung Quốc làm những công việc phổ thông mà lao động Việt Nam cũng có thể đáp ứng được, ông Nghĩa trả lời là ‘phải đáp ứng nhu cầu của nhà thầu’ vì chủ trương của thành phố là luôn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên ‘phải tạo điều kiện cho người ta’.
Ông cho biết những lao động này thuộc nhiều ngành nghề khác nhau chứ không đơn thuần là lao động phổ thông. Trong số đó có những người ‘có tay nghề’.
"Phải đáp ứng nhu cầu của nhà thầu vì chủ trương của thành phố là luôn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nên phải tạo điều kiện cho người ta (mang lao động vào)."
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng Sở Lao động Hải Phòng
BBC cũng đã liên lạc ông Lại Thế Minh, trưởng công an xã Tam Hưng, nhưng ông Minh từ chối trả lời và cho biết chỉ công an huyện Thủy Nguyên mới nắm về vấn đề này.
Báo Đất Việt dẫn nguồn tin từ Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng cho biết ‘có thời điểm nhà thầu Trung Quốc đưa sang hơn 2.000 lao động phổ thông’ vốn làm những công việc như ‘đào đất, phụ hồ, mang vác, quét dọn, đổ bê tông’.
Cũng theo báo này thì số lao động Trung Quốc này được cấp giấy phép lao động 1 năm ở Việt Nam.
Những công nhân Việt Nam làm trong công trình này bị nhà thầu Trung Quốc phân biệt đối xử so với công nhân đến từ nước họ, báo Đất Việt cho biết, chẳng hạn như được trả lương thấp hơn nhiều lần trong cùng một công việc.
Theo báo này thì phía đối tác Việt Nam trong dự án chỉ giám sát về tiến độ và chất lượng công trình chứ ‘không có quyền can thiệp’ về việc sử dụng lao động và tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Báo này đã tìm hiểu lý do nhà thầu Trung Quốc không sử dụng lao động Việt Nam và được cho biết là với lao động Việt Nam thì có ‘bất đồng ngôn ngữ’ và ‘tình trạng mất cắp thường xảy ra’ trong khi công nhân Trung Quốc ‘có tay nghề, bằng cấp’.

Không có nhận xét nào: