Translate

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Một năm biểu tình chống Trung Quốc

Theo BBC News

Đã một năm qua kể từ khi bùng phát các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Sáng Chủ nhật ngày 5/6/2011, hai cuộc biểu tình cùng lúc diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn với con số người tham gia lên tới hàng nghìn.
Người biểu tình mang cờ Việt Nam và các biểu ngữ phản đối hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng như yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Lý do trực tiếp là dư luận trong nước lúc đó vô cùng bức xúc trước việc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn, cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của PetroVietnam trên thềm lục địa của Việt Nam hôm 26/05/2011.

Chính vì hành động gây hấn này, sức ép xã hội tăng cao khiến chính quyền dường như "nhân nhượng ngầm".
Nhiều kế hoạch biểu tình phản đối Trung Quốc trước đó từ những năm 2007-2008 đã bị ngăn chặn.
Trước cuộc biểu tình 5/6, lời kêu gọi tổ chức biểu tình ôn hòa đã được lưu truyền nhiều ngày trên internet và các diễn đàn cũng như mạng liên kết xã hội.
Tuy nhiên, thái độ của chính quyền trong nước trở nên nghiêm khắc hơn khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc không chấm dứt sau cuộc đầu tiên và cứ tiếp diễn mỗi Chủ nhật trong mùa hè 2011 ở Hà Nội.
Tổng cộng có 11 cuộc biểu tình, tuy quy mô ngày càng nhỏ và cũng bị ngăn cản ngày càng gắt gao.
Ở TP Hồ Chí Minh, chỉ có hai cuộc ngày 05/06 và 12/06.
Biểu tình ở Hà Nội

'Tự hào và chua xót'

Truyền thông Việt Nam thời điểm đó hầu như im ắng trước sự kiện này, mà các kênh chính thống gọi là "tụ tập đông người một cách bột phát".
Công an Việt Nam đã ra tay dẹp tan một số cuộc biểu tình, bắt giữ người tham gia và ngăn chặn các hoạt động khác.
Có nhiều cáo buộc người biểu tình bị sách nhiễu và hành hung.
"Cảm xúc rạo rực khi nghĩ đến mùa hè năm ngoái xen lẫn nỗi đắng cay khi thấy chính quyền đối xử với anh chị em biểu tình viên."
Biểu tình viên Anh Chí
Một người tham gia hầu hết các cuộc biểu tình, được biết dưới tên Anh Chí, nói với BBC: "Cá nhân tôi thấy rất đỗi tự hào đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình để nói lên tiếng nói trước hiểm họa bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc".
Anh Chí chia sẻ: "Cảm xúc rạo rực khi nghĩ đến mùa hè năm ngoái xen lẫn nỗi đắng cay khi thấy chính quyền đối xử với anh chị em biểu tình viên."
"Những biểu tình viên bị sách nhiễu, bôi xấu, đặt điều, gây sức ép ở nơi làm việc, các em học sinh sinh viên có em bị kỷ luật, bị đe dọa đuổi học."
Anh Chí cho biết thêm: "Nhiều anh chị em bị gây sức ép nơi việc làm, bị đe dọa nơi ở trọ (đối với các anh em ở tỉnh xa về trọ tại Hà Nội). Nhiều người bị công an mời lên làm việc."
Một số người biểu tình sau mùa hè 2011 đã trở nên các nhân vật đấu tranh, như bà Bùi Minh Hằng hay ông Nguyễn Xuân Diện.
Theo Anh Chí, nhiều biểu tình viên trong mùa hè năm ngoái vẫn bị theo dõi và giám sát chặt chẽ.
Tuy nhiên, các biểu tình viên cảnh báo khi Trung Quốc có những hành động gây hấn xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách ngang ngược quá đáng, thì họ "lại xuống đường".

Không có nhận xét nào: