Theo RFI
Giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn RFI ngày 08/03/2012.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành
động nhằm khẳng định hơn nữa chủ quyền của họ trên hai quần đào Hoàng Sa
và Trường Sa. Ngày 26/04/2012, chính phủ Trung Quốc thông báo đồng ý
với kế hoạch phát triển du lịch và đánh bắt cá trong khu vực Biển Đông
của tỉnh Hải Nam. Trong kế hoạch này, có việc xây dựng cầu cảng lớn tại
quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, tại một hội nghị về du lịch ở Hải Nam ngày 24/04/2012
, phó tỉnh trưởng tỉnh này, ông Đàm Lực, thông báo là quần đảo Tây Sa (
tức là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ) sẽ đón khách du lịch trong năm
2012. Một thông tin trên mạng gần đây cho biết là hai máy bay khu trục
Trung Quốc ngày 01/05/2012 vừa qua đã xâm phạm không phận Việt Nam tại
khu vực bán đảo Cam Ranh và phía bắc tỉnh Ninh Thuận. Tin này chưa được
chính thức xác nhận, nhưng được biết là trong tháng Tư vừa qua, khi đoàn
đại biểu Đà Nẵng đi thăm Trường Sa, máy bay Trung Quốc đã bay bên trên
để đe dọa, tức là coi như đã xâm phạm không phận Việt Nam.
Ấy là chưa kể sự kiện ngày 23/03/2012, hai tàu của Trung Quốc, mà
báo Việt Nam chỉ dám gọi là “ tàu nước ngoài”, bị phát hiện hoạt động
trái phép ở vùng biển quân sự vịnh Nha Trang. Có điều cho tới nay, đã
hơn một tháng, vẫn chưa biết là những chiếc tàu nói trên bị xử lý ra
sao.
Trong bối cảnh đó, ngày 23/04/2012, hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam đã mở
các cuộc thao diễn chung kéo dài trong năm ngày tại Đà Nẵng với sự tham
gia của ba chiến hạm thuộc Đệ thất hạm đội Mỹ. Nhưng trong cùng ngày
23/04/2012, chiếc tàu huấn luyện mang tên Trịnh Hòa của Trung Quốc lại
cập bến cảng Sài Gòn để thăm “hữu nghị”.
Hai sự kiện diễn ra cùng ngày này cho thấy là Hà Nội vẫn như là người
đi trên dây giữa hai siêu cường, rất muốn dựa vào Mỹ, nhưng vẫn ngán
ngại láng giềng phương Bắc. Đối với giáo sư Vũ Quốc Thúc ở Paris, thế đi
dây này không thể kéo dài mãi và để bảo toàn chủ quyền quốc gia, kể cả
chủ quyền biển đảo. Việt Nam cần phải chọn một quy chế trung lập “ theo
công pháp quốc tế”. Điều này có nghĩa là gì ? Sau đây mời quý vị nghe
phần phỏng vấn với giáo sư Vũ Quốc Thúc:
RFI : Xin kính chào Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Trước hết Giáo sư
có nhận định như thế nào về những hành động gần đây của Trung Quốc trên
Biển Đông ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Những hành động mới đây của
Trung Quốc, như kế hoạch đưa du khách đến Hoàng Sa, là nhằm đặt chúng ta
trước việc đã rồi. Đó là thủ thuật của những kẻ, khi mà thế giới chưa
chú ý đến địa điểm ấy, cứ làm theo ý họ, để sau này mọi người phải chấp
nhận những chuyện đã xảy ra. Họ đang tạo nên ấn tượng đất này là đất của
họ, mà họ đã nắm chắc rồi, thành ra du khách có thể thăm dễ dàng. Vì
vậy ta phải phá cái ấn tượng đó đi. Ít nhất là ta phải tỏ cho thấy rằng
đây vẫn là đất của Việt Nam còn đang ở trong vòng tranh chấp.
Còn về chuyện Trung Cộng đưa tàu chiến đến vùng Trường Sa có thể là
để chuẩn bị cho một cuộc chiếm đóng và tất nhiên là họ trù liệu sẽ có
xung đột giữa hải quân của họ với hải quân Việt Nam. Đấy cũng có thể là
một hành động khiêu khích. Nhưng mà, như ta đã thấy đó, Trung Quốc nếu
chỉ đối phó với Việt Nam thì có thể lấn át mình, nhưng họ sợ rút dây
động rừng, nhỡ các bạn đồng minh thế giới can thiệp ngăn chận thì sẽ
bùng nổ lớn. Thành ra tôi nghĩ đây chỉ là thủ đoạn biểu dương lực lượng,
hù doạ.
Một lý do nữa, mà theo tôi có vẻ đúng hơn, đó là họ đang chuẩn bị hồ
sơ, thiết lập những chứng cứ xác định chủ quyền của Trung Quốc trên
những đảo đang tranh chấp đó. Rất có thể họ tin rằng rồi đây sẽ phải có
những cuộc thương thuyết đa phương và trong cuộc thương thuyết đa phương
ấy, họ phải đưa ra những chứng cứ vững chắc. Nếu có đưa vấn đề ra trước
một cơ quan tài phán quốc tế, thì ít ra họ có những chứng cớ : đây,
ngày đó, tháng đó, chúng tôi đưa tàu chiến đến đó mà không có phản ứng
gì của phía Việt Nam cả, như thế thì Việt Nam đã xác nhận quần đảo này
là thuộc về Trung Quốc.
Dù là lý do gì đi nữa thì chúng ta cần phải có phản ứng và nếu cần,
phải chứng tỏ rằng mình cũng có hải quân và dám đối đầu, ít nhất phải
chứng tỏ sự không sợ hãi của mình, để đề phòng sau này vấn đề được đưa
ra bàn cãi ở các hội nghị quốc tế hoặc trước một cơ quan tài phán quốc
tế.
RFI : Thưa Giáo sư, gần đây hải quân Việt Nam đã thao diễn
chung với hải quân Mỹ. Phải chăng là Hà Nội muốn dựa hơn nữa vào Mỹ để
đối đầu với Trung Quốc?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Việc thao diễn ở Đà Nẵng với
sự tham dự của ba tàu chiến của Mỹ quả thật là một dấu hiệu rất tích
cực, để cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội muốn hợp tác với Mỹ, coi Mỹ là một
đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hải quân Việt Nam với
hải quân Trung Quốc. Đây là điều tôi rất hoan nghênh. Bởi vì mình yếu,
nhưng mình đâu có cô đơn. Nếu mình có đồng mình thì đây là lúc phải hợp
tác chặt chẽ với đồng minh, trong khi lực lượng hải quân của mình chưa
đủ sức đối phó với hải quân Trung Cộng.
Tuy đối với ta là mạnh thật đấy, nhưng hải quân Trung Quốc đối đầu
với hải quân Mỹ thì không khác gì trứng chọi với đá. Vì vậy tôi tin chắc
là những kẻ cầm đầu hải quân Trung Quốc chưa dám để xảy ra xung đột với
một siêu cường rất mạnh về hải quân như Hoa Kỳ.
Cuộc thao diễn chung ở Đà Nẵng không chỉ chứng tỏ Hà Nội có thiện chí
hợp tác với Hoa Kỳ, mà nó cũng chứng tỏ là Hoa Kỳ sẵn sàng cộng tác với
Việt Nam trong trường hợp phải đối đầu với hải quân Trung Quốc. Như thế
nó xác nhận sự trở lại của Mỹ ở Đông Nam Á và Biển Đông.
Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta cần cảnh giác, bởi vì ta không
nên quên rằng, nếu ta làm Trung Quốc mất thể diện, thì họ sẽ tìm cách
trả đũa. Trong lúc này, Hoa Kỳ và Trung Quốc không nước nào muốn có xung
đột. Nhưng nếu có hành động gây hấn của Trung Quốc trên lục địa, thì
lúc đó chỉ có một mình ta đối phó với Trung Quốc. Vẫn biết là trong
trường hợp đó chúng ta chẳng sợ gì họ, nhưng cũng không quên rằng tình
hình bây giờ không giống như vào năm 1979, khi chúng ta phải đối đầu với
họ. Lúc đó quân đội họ chưa mạnh như bây giờ. Nhưng cũng không phải vì
thế mà phải khoanh tay chấp nhận cái sự đàn áp của Trung Quốc. Nếu cần
thì ta vẫn phải chống lại.
RFI : Thưa Giáo sư, dù có muốn dựa hơn nữa vào Mỹ, thì về mặt
lịch sử và chính trị thì Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc, nhất là
do quan hệ đặc biệt giữa hai đảng Cộng sản. Trung Quốc đang chuẩn bị
thay đổi lãnh đạo với Đại hội Đảng cuối năm nay. Đây có phải là thời cơ
để Việt Nam thoát được phần nào ảnh hưởng của Trung Quốc ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Nhận định của ông là rất
đúng. Đây là thời cơ rất thuận lợi để chúng ta thoát khỏi sự áp chế về
mặt ý thức hệ và về mặt tổ chức đảng phái từ năm 1990, khi ở Thành Đô
Đảng CS Việt Nam chấp nhận theo đúng đường lối của đàn anh Trung Quốc.
Phải lợi dụng lúc Trung Quốc đang bối rối, với nhiều chuyện cho thấy
là trong lòng chế độ Trung Hoa đang lủng củng, rối ren, như vụ luật sư
mù Trần Quang Thanh, hay vụ Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những vụ đó chứng
tỏ là giữa cấp trung ương với cấp tỉnh có nhiều mâu thuẫn, có những phe
phái đang xung đột nhau, tranh giành nhau quyền lợi.
Những rối ren đó khiến Đảng CS Trung Quốc trong lúc này chưa dám, hay
chưa rảnh tay đối phó với Việt Nam. Ngay cả Bắc Triều Tiên Trung Quốc
vẫn chưa nắm được. Họ đang lúng túng thì chúng ta phải lợi dụng thời cơ
để lấy lại quyền độc lập, để gạt bỏ hai sự ràng buộc về ý thức hệ và
cũng như ràng buộc về Hiến pháp. Thời cơ này không kéo dài đâu.
Nếu ta tưởng rằng có thể chờ đợi tình hình Trung Quốc rối ren hơn
nữa, thì điều đó nguy hiểm lắm. Một khi họ đã thỏa hiệp được với nhau
trong Đại hội Đảng đó, đã ổn định được tình hình, thì bấy giờ họ sẽ rảnh
tay để đối phó với ta. Đảng CS Việt Nam lúc đó có muốn thoát khỏi sự
kềm tỏa thì e rằng sẽ rất khó. Thời gian còn lại của chúng ta không
nhiều đâu
RFI : Giáo sư vẫn chủ trương một nước Việt Nam trung lập để
không phụ thuộc một ngoại bang nào, nhưng trong bối cảnh Đảng CS Việt
Nam vẫn nắm độc quyền thì làm sao có thể đi đến quy chế trung lập đó?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Người ra thường hai lẫn lộn
chính sách trung lập với quy chế trung lập. Chính sách trung lập là
chính sách có tính chất giai đoạn, mà bất cứ chính quyền nào cũng có thể
áp dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà cầm quyền Hà Nội từ nhiều năm
nay áp dụng chính sách mà người ta gọi là đi dây giữa hai siêu cường
Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cái chính sách này là chính sách giai đoạn, nước
nào cũng thi hành được. Nhưng không nên lẫn lộn nó với cái mà tôi đề
nghị, tức là quy chế trung lập theo quốc tế công pháp. Nó có tính chất
lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh viễn.
Tôi vẫn luôn nêu lên tiền lệ Áo quốc. Áo quốc trước đây bị nhập vào
Đức quốc xã. Nhưng sau chiến tranh, Áo quốc đã lấy lại cá tính quốc gia
của mình. Nhưng lúc đó bốn cường quốc là Mỹ Anh Pháp và Liên Xô có thể
chia nước Áo thành 4 phần, nhưng như thế thì mất sự thống nhất, mà lại
không có độc lập.
Vì vậy, các cường quốc lúc đó phải thỏa hiệp với nhau, không còn coi
đó là nơi giao tranh đẫm máu giữa đồng minh Tây phương với Liên Xô và
cũng chính vì thế đã để cho nước Áo trung lập. Nhưng cũng còn có sự hiện
diện của lực lượng quân sự của hai bên. Trung lập trong vòng 10 năm đã
đưa đến việc trả lại toàn vẹn chủ quyền cho nước Áo. Đó là phương tiện
dẫn đến sự độc lập hoàn toàn.
Nước Việt Nam muốn thoát khỏi sự đô hộ gián tiếp của Trung Quốc thì
phải trung lập. Trung lập là con đường đi tới độc lập. Nhưng tôi xin
nhắc lại : đây là quy chế trung lập theo quốc tế công pháp. Muốn có quy
chế trung lập ấy thì phải có một hội nghị quốc tế. Khi ta chấp nhận quy
chế trung lập, thì chính nhà cầm quyền Việt Nam phải cam kết không để
Việt Nam được dùng làm cứ điểm cho một phe nào để đánh phe kia, chẳng
hạn như để Hoa Kỳ làm cứ điểm để đánh Trung Quốc, mà cũng không để cho
Trung Quốc dùng Việt Nam như một tiền đồn để ngăn chận Tây Phương.
Được hưởng quy chế trung lập như thế có nghĩa là ngoại quốc phải tôn
trọng toàn vẹn lãnh thổ của mình, không chỉ trên đất liền, mà cả trên
hải phận, trên các quần đảo. Cái sự bảo đảm này coi như là phần đền bù
cho việc chúng ta cam kết không đứng về phe nào.
Nhiều người hoài nghi cái sự bảo đảm quốc tế ấy thì cũng đúng thôi,
bởi vì một nước nào cứ hung hăn, nhất định đi xâm lấn nước khác thì nó
chẳng nề hà gì. Nhưng mà ít nhất trước khi dùng đến binh, thì ta phải
dùng đến lễ. Đằng nào chúng ta cũng phải dùng phương pháp ngoại giao. Mà
cho dù có đánh nhau đi nữa, thì cũng phải kết thúc bằng thương lượng,
tức là bằng ngoại giao.
Như vậy, ngay từ đầu chúng ta phải cố vận động trên trường ngoại
giao. Hiện thời Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế lắm. Tại sao lại
không lợi dụng những diễn đàn quốc tế đó để vận động quốc tế công nhận
chúng ta là một nước trung lập vĩnh viễn?
Cam Bốt ngay từ năm 1992, tuy vẫn thuộc ảnh hưởng Việt Nam, nhưng đã
ghi trong Hiến pháp một điều khoản khẳng định Cam Bốt là một nước trung
lập. Cam Bốt đã dám làm, thế thì tại sao chúng ta lại cứ sợ đàn anh
Trung Quốc? Đằng sau có ẩn tình gì hay không? Tôi xin chính thức nêu vấn
đề đó để sau này các nhà viết sử xét thấy đó có phải là một tội nặng
với dân tộc hay không?
Quốc gia Việt Nam đâu có phải chỉ là quyền sở hữu của một đảng? Nên
nhớ rằng chính cái đảng đó đã coi mình như là đại diện cho nhân dân mà
thôi. Tai sao cứ luôn lẫn lộn Đảng là Nhà nước, Đảng là nhân dân? Cứ
nhập nhoạng dựa vào Hiến pháp để nắm độc quyền lãnh đạo, rồi hiểu cái
độc quyền lãnh đạo đó một cách trái với tinh thần dân chủ. Người ta có
thể lãnh đạo về đường lối, về chính sách, nhưng quyền cai trị thật sự
phải là của dân. Trong cuộc tuyển cử nào, nếu thật sự Đảng CS Việt Nam
được lòng dân, thì vẫn nắm được đa số.
Nhưng không phải nắm được đa số là nắm độc quyền lãnh đạo. Tinh thần
dân chủ có nghĩa là các tổ chức, các hội đoàn, các tôn giáo, nói chung
là các tổ chức của nhân dân, đều ngang hàng nhau. Nếu không chỉ là vỏ
dân chủ thôi. Nếu chúng ta có can đảm đi đến độc lập thật sự, trung lập
thật sự, thì cũng phải có can đảm gạt bỏ những ảo tưởng được xây dựng
nên bởi danh từ đã bị lạm dụng đó.
RFI : Xin cám ơn Giáo sư Vũ Quốc Thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét