Theo danchimviet.info
Tác giả: WC
Người dịch: Đan Thanh
Khi Trung Quốc cài số chuẩn bị chiến tranh thì Tổng thống Obama tập trung vào việc tạo điều kiện cho nhiều người Trung Quốc sang Mỹ du lịch hơn để ngăn chặn suy thoái – hai quan điểm này có gì sai?
Khi Trung Quốc củng cố khái niệm “trỗi dậy hòa bình” của họ, người ta lấy làm lạ.
Trung Quốc có quan hệ tranh chấp với tất cả 14 quốc gia có chung đường biên giới với họ cũng như những quốc gia không chung biên giới. Nếu có thể tin được đảng cộng sản, thì Trung Quốc là đất nước của hòa bình và hài hòa.
Tuy nhiên, nếu điều đó đúng thì tại sao lại có tất cả những vụ nâng cấp vũ khí? Và nếu vũ khí được sử dụng với mục đích ngăn ngừa, thì tại sao lại có những vụ huyên náo trên mạng do Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc kiêm lãnh đạo Đảng Cộng sản gây ra?
Vấn đề mấu chốt là, khi Tổng thống Obama ve vãn du khách Trung Quốc, còn các trường đại học của chúng ta (Mỹ) ve vãn con cái của họ, thì những người cộng sản đang gài số cho một cuộc chiến tranh. Rất nhiều người, cộng với rất ít nguồn lực, tạo nên một hỗn hợp chất độc mà sẽ buộc Trung Quốc phải rơi vào một trạng thái đối đầu nào đó. Đó gần như là một kết luận đã được biết trước.
Trung Quốc ôn hòa ư?
Không may cho Trung Quốc là họ chia sẻ biên giới với 14 nước khác nhau, trong đó rất nhiều nước đều sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tranh chấp từ việc đòi chủ quyền trên Biển Đông (nguyên văn: South China Sea – biển Hoa Nam) cho tới những hòn đảo ở ngoài khơi Nhật Bản.
Bên cạnh các vấn đề đó, còn có nỗi tức giận về việc Trung Quốc xây đập ngăn nguồn nước chảy vào nhiều quốc gia. Vấn đề mà người ta nên hỏi là liệu Trung Quốc có đang tự đào hố chôn mình – một cái hố mà họ không thể thoát ra một cách có khôn ngoan
Trung Quốc luôn cảm thấy nhục nhã vì quá khứ cận đại của họ. Theo họ, các thế lực ngoại xâm đã đẩy quần chúng nhân dân vào nghiện ngập (thuốc phiện). Họ nói đến những hiệp ước bất bình đẳng, mà “thiên tử” – như cách người Trung Quốc gọi vua của họ – không thể ưng thuận.
Họ từng bị gọi là ông già ốm yếu của châu Á.
Nhưng bây giờ mọi sự đã thay đổi. Đầu tư và các quỹ nước ngoài đã mang lại xung lực cho quá trình tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ và một sự tôn trọng mới.
Việc này tương tự như chuyện một thằng bé gầy nhẳng vốn luôn bị trêu chọc ở lớp thể dục bỗng lớn vọt lên sau một mùa hè. Có lẽ nó đã dùng một số steroid tốt cho tiêu hóa nào đó để được cải thiện về hình thể, chỉ để trông khá hơn.
Đứa bé, nuôi trong lòng nhiều năm thù hận, khoe vóc dáng mới ngay bằng việc cưỡi chiếc Nova 74 của nó lượn phố khắp nơi.
Đối với phần lớn người trong thị trấn, nó vẫn cứ là thằng bé gầy giơ xương kia – nhưng bây giờ nó nguy hiểm hơn. Nguy hiểm không phải vì cân nặng của nó, mà vì những điều mà nó nghĩ là nó cần phải làm để chứng tỏ mình.
Bởi vì, như tục ngữ Trung Quốc có nói, “Móng tay mà dựng lên thì phải giũa phẳng đi”, tất cả những gì mà những kẻ bắt nạt nó khi xưa tin tưởng, bây giờ sẽ phải bị xem xét lại.
“Họ sẽ thử nó hay họ sẽ rút lui?”
Đó là câu hỏi xưa như trái đất. Như tất cả những thằng bé hư ở trường đều biết, nếu nói thật rồi thì một ngày nào đó anh sẽ phải làm thật.
Hãy nhìn nước Mỹ vào cuối thập niên 60. Người Trung Hoa bây giờ đang dọn mình chuẩn bị cho chiến tranh, như một bài báo trong tờ “cơ quan ngôn luận” của đảng cộng sản, Global Times (tức là Hoàn Cầu Thời báo – ND) đang là ví dụ rất tốt:
“Trung Quốc, tập trung vào phát triển và hài hòa trong nước, đã cực kỳ nhân từ rồi… Chúng ta không nên bỏ phí cơ hội tiến hành một số cuộc chiến quy mô cực nhỏ có khả năng ngăn chặn, không để những kẻ khiêu khích đi xa hơn… có thể là một nơi lý tưởng để trừng phạt chúng… Tôi tin việc tập trận và xâm phạm lãnh thổ không ngừng (của chúng) đem đến những lý do không thể tốt hơn để Trung Quốc phản công… Lý trí và kiềm chế sẽ luôn hướng dẫn chúng ta trong vấn đề này. Chúng ta nên chuẩn bị kỹ lưỡng cho một trận chiến quy mô nhỏ, trong khi để bên kia phải lựa chọn hoặc chiến tranh hoặc hòa bình”.
Các vấn đề biên giới
Một vấn đề lớn là Trung Quốc đang làm cho một số đáng kể láng giềng của họ căm ghét họ. Các rắc rối mà họ có với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines là một số trong những tranh chấp thể hiện rõ nhất, chưa kể với Đài Loan. Và rồi với Ấn Độ, một nước mà họ từng gây chiến cách đây 50 năm.
Nội dung tranh chấp rất khác nhau, nhưng trung tâm của các cuộc tranh chấp vẫn là vấn đề căn bản: “Chúng ta có tin được Trung Quốc không?”. Và dựa vào phản ứng của những nước tiếp giáp với Trung Quốc, có thể thấy câu trả lời là: “Không, chúng ta không tin”.
Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng đến mức bây giờ không chỉ một nước đề nghị được Mỹ hỗ trợ về quân sự.
Vấn đề cốt lõi, bên cạnh những ngôn từ ngày càng diều hâu của Trung Quốc, là tốc độ gia tăng quân sự của họ. Trung Quốc sử dụng một mớ thực sự hổ lốn “công nghệ ăn cắp từ Mỹ”. Các vùng biển bao quanh Trung Quốc giờ đây lố nhố tàu ngầm trang bị những phát minh mới nhất “vay mượn” từ quốc gia khác.
Có lẽ như thế chưa đủ, ông già ốm yếu của phương Đông lại còn kiếm cho mình một chiếc “ba-toong” mới, tức là một tàu sân bay (hàng không mẫu hạm). Đó thật sự là một di vật của thời chiến tranh lạnh, được làm mới lại, được mua liều như đánh bạc, và được trang bị thêm nhiều bộ phận mới để trở thành công cụ chiến tranh.
Bầu trời cũng không an toàn, hoặc ít nhất là người ta đã nói như thế, khi mà Trung Quốc đã phát triển một máy bay tàng hình, nhái hàng Mỹ, và cả trực thăng nữa. Với tất cả những thứ đó, không có gì đáng ngạc nhiên lắm khi các nước láng giềng đều sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Liệu có phải tất cả những cỗ máy mang tính hủy diệt đó là cần thiết để hỗ trợ cho sự trỗi dậy “hòa bình” của Trung Quốc, như Trung Quốc nói, hay không?
“Đầu tiên, Trung Quốc đi theo con đường phát triển hòa bình, không giống như một số nước phương Tây đã trở thành siêu cường thế giới thông qua bành trướng về quân sự. Chiến tranh không còn là gam chủ đạo của thời đại nữa. Ngược lại, Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia cũng như vị thế quốc tế của họ, bằng việc tuân thủ nguyên tắc phát triển hòa bình”.
Trung Hoa – một khi đã là nước hiếu chiến, thì sẽ luôn là nước hiếu chiến
Mặc dù nói rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang trải qua giai đoạn “trỗi dậy hòa bình” là cách nói phổ biến và đúng đắn về mặt sử dụng ngôn từ chính trị, nhưng lịch sử của nước này thì cho thấy một câu chuyện khác hẳn.
Suốt hơn 2500 năm, Trung Quốc trải qua hai thiên niên kỷ chiến tranh, và chỉ có hòa bình trong khoảng 500 năm – quả thật là xã hội hài hòa.
Và mọi chuyện dường như không khá lên. Bạo lực mà bản thân dân Trung Hoa nhằm vào nhau là nguyên nhân làm cho nhiều người chết hơn tổng số người chết trong hai cuộc thế chiến. Đóng một vai trò quan trọng trong việc này là bàn tay của cái chế độ mà giờ vẫn đang cai trị Trung Quốc.
Với tất cả những lời Trung Quốc nói về hòa bình và hòa hợp, người ta phải thắc mắc.
Một vấn đề khác đẩy Trung Quốc vào một kết cục kinh khủng là chuyện tài nguyên, hay xuất phát từ đó là chuyện thiếu tài nguyên.
Chiếm 20% dân số thế giới và không đầy 10% quỹ đất nông nghiệp của trái đất, hầu hết đã bị biến thành đầm lầy độc hại, Trung Quốc đang cần nhiều tài nguyên hơn nữa. Họ không thể sản xuất đủ ngũ cốc, dầu, để đáp ứng nhu cầu của mình.
Và cũng giống như mọi nhà độc tài khác, những người cộng sản Trung Quốc rất sợ các cuộc nổi dậy. Đám đông đang la ó đòi tiếp cận với những thứ mà Trung Quốc không sở hữu một mình.
Khi thời đẹp đẽ đã suy và những cái bụng đói bắt đầu rên rỉ đòi ăn, người Trung Quốc buộc lòng phải hướng ra bên ngoài. Sự hiện diện của họ ở châu Phi, việc họ giao thương với những tên bạo chúa của thế giới, là một sự chứng thực cho việc họ có thể và sẽ phải đi xa tới mức nào để kiếm tài nguyên thô.
Đối với dư luận trong nước Mỹ thì sự trỗi dậy của Trung Quốc lại không phải chuyện gì quan trọng. Suy cho cùng, nếu sự thật được phơi bày, thì một số người có thể đặt vấn đề nghi vấn những công ty đang chuyển việc nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ tới một quốc gia từng bị nhiều người so sánh với Đức Quốc xã.
Tôi sẽ không nói liều khi đưa ra những khẳng định về Trung Quốc, nhưng dứt khoát tôi sẽ lưu tâm tới họ. Tuy nhiên, tôi thắc mắc về chính nước Mỹ, và về việc chúng ta (tức là Mỹ – ND) đang tin tưởng nước Trung Hoa cộng sản cùng các công ty tuyến đầu của họ đến như thế nào, bất kể những gì họ đã nói và đã làm.
Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc thâm nhập vào những nguồn tài nguyên an toàn nhất của chúng ta, cũng như kỹ năng ăn cắp các bí mật của ta. Thế mà dường như vẫn chưa đủ, chúng ta còn để cho họ kiểm soát Internet và việc truyền dữ liệu.
Hoa Vi – mặt trận gián điệp của cộng sản – tiến vào trung đô
Một ví dụ về sự ngu dốt của chúng ta khi tin tưởng vào nước Trung Hoa cộng sản là sự xâm nhập của Hoa Vi (Huawei) – được cho là tiền trạm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Công ty này chuyên bán dây dẫn, đường truyền, và do đó kiểm soát được việc truy cập Internet. Họ đã mở cửa hàng ở Texas và Michigan. Hoa Vi từng bị buộc tội làm gián điệp, ăn cắp dữ liệu, và là công cụ của Trung Quốc nhằm phá thông tin trong trường hợp có chiến tranh.
Từ Anh cho tới Ấn Độ đều tràn ngập nghi ngờ về những mục đích thực của Hoa Vi. Lý do thường được nêu ra nhất là Hoa Vi có những mối liên hệ với chính quyền cộng sản. Thực tế là, ngay cả chính phủ Mỹ cũng có những ý kiến thể hiện sự e dè:
“Một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ đã lần đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc này với cơ quan tình báo tương tự như KGB của Bắc Kinh. Báo cáo cho rằng gần đây công ty đã nhận được gần một phần tư tỷ đôla từ chính phủ Trung Quốc”.
R&AW cho rằng Hoa Vi là một phần trong mạng lưới gián điệp của Trung Quốc:
“NEW DELHI: Người khổng lồ viễn thông Trung Quốc – công ty Hoa Vi – đã hung hăng phủ nhận mọi sự liên hệ đến Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), nhưng các đánh giá độc lập của cơ quan tình báo Ấn Độ cho đến nay đã chỉ ra rõ ràng rằng PLA vẫn là một khách hàng của Hoa Vi và ngày càng dính líu tới Hoa Vi nhiều hơn.
Chính quyền Mỹ chia sẻ những mối lo ngại của cơ quan tình báo Ấn Độ về an ninh và về sự liên hệ mật thiết của Hoa Vi với lực lượng an ninh Trung Quốc, điều này đã dẫn đến việc họ hủy bỏ đơn dự thầu của Hoa Vi vào năm 2008 khi Hoa Vi tham gia một dự án 3Com”.
Giảm bớt những hạn chế đối với sinh viên, người nhập cư và doanh nhân Trung Quốc khi mà họ, bằng sự xuất hiện của mình, đang chuẩn bị cho chiến tranh. Việc ấy có khôn ngoan không?
Chúng ta có thực sự tin tưởng được những công ty như Hoa Vi không, khi mà vị lãnh đạo ẩn dật của Hoa Vi – Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfie) – là cựu sĩ quan quân đội Trung Hoa và là đảng viên cộng sản?
Vâng, vị lãnh đạo của công ty Trung Quốc mà chúng ta đã lựa chọn cho hoạt động quản lý việc truyền dữ liệu của chúng ta là một sĩ quan hồng quân Trung Hoa đầy kiêu hãnh, một đảng viên cộng sản. Trước khi các vị nhầm tư cách đảng viên cộng sản với những ý thức hệ khác như đảng dân chủ hay cộng hòa, thì các vị phải hiểu rõ thực tế chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc cái đã.
Đối với Trung Quốc, đảng cũng giống như chúa trời, nghĩa là có mặt ở khắp mọi nơi. Thay vì “chỉ” là một thực thể chính trị, thì đảng giống mafia hơn. Tính bí mật, hủ bại, và sự kiểm soát của đảng có nhiều điểm chung với tội phạm có tổ chức hơn là giống với các ý thức hệ chính trị khác. Chủ nghĩa cộng sản, cũng giống như mafia, vào là phải uống máu ăn thề. Còn gì đáng nói hơn việc một trong những hình phạt nặng nề nhất đối với một đảng viên cộng sản là bị mất những đặc quyền đặc lợi mà đảng ban cho đến suốt đời.
Với tất cả những mối lo ngại về Hoa Vi, ta phải tự hỏi tại sao Michigan còn đem hoạt động truyền tải dữ liệu đi thuê ngoài (outsource), thuê kẻ hạ đẳng của thế giới làm.
Việc Hoa Vi gia nhập thị trường Mỹ là tiêu biểu cho sự ngây thơ hay là ngu dốt của chúng ta. Trong khi Trung Quốc cài số chuẩn bị cho cuộc chiến của thế kỷ 21 thì chúng ta bám lấy hàng hóa “sản xuất tại Trung Quốc” (made in China), không chú ý gì tới hành động của họ, và nuốt từng luận điệu của họ.
Chiến tranh, cũng như sự ngu dốt, là cái cần phải tránh đi, bằng bất cứ giá nào.
Nói về Trung Quốc và về sự hòa hợp, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng bằng một phép màu nào đó, họ sẽ tỉnh dần và nhận ra rằng hành xử một cách hung hăng sẽ gần như làm hỏng hết mọi kế hoạch kinh tế và những điều tốt đẹp họ đang làm. Nhưng chừng nào còn chưa chắc chắn được về các ý định thực sự của họ thì chúng ta còn phải tiếp tục cảnh giác.
“Hầu như tất cả mọi người trong thế giới an ninh mạng đều nhanh chóng lên tiếng và bản thân Hoa Vi cũng đã thừa nhận. Trong một thế giới mà tin tặc đang phát triển mạnh, chẳng doanh nghiệp hay cơ quan chính quyền nào lại muốn mạo hiểm đem cho kẻ thù tiềm tàng của mình công cụ để tiếp cận hệ thống mạng nhà mình, bằng cách đi mua những thiết bị nhạy cảm cả”.
Tác giả: WC là công dân Mỹ, hiện đang sống và làm việc ở Trung Quốc. Ông cung cấp cho độc giả trang Top Secret Writers nhiều kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế, văn hóa và thương mại. Ông có 45 bài viết ở trang này.
Nguồn: Top Secret Writer
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét