Translate

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Khi người dân không ‘tâm phục, khẩu phục’

2012-02-16
Tình trạng cơ quan chức năng hành xử không theo đúng pháp luật đối với người dân tiếp tục xảy ra tại Việt Nam.
AFP photo
Công an tuần tra bên ngoài tòa án xử TS Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội hôm 04/4/2011

Nói một đằng làm một nẻo

Vào ngày 15 tháng 2 vừa qua, có ba vụ việc diễn ra cho thấy người dân trong cuộc không ‘tâm phục, khẩu phục’ với cách hành xử của cơ quan chức năng cũng như những người thực thi pháp luật.
Trường hợp thứ nhất liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt tại trụ sở công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương hồi tháng tư năm ngoái. Vào ngày 15 tháng 2, ông Nguyễn Tấn Đức, Chánh văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh này cho tờ Người Lao Động biết là Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kết luận về vụ việc, khẳng định anh Nguyễn Công Nhựt tự tử tại trụ sở công an.
Người vợ góa của nạn nhân, chị Nguyễn thị Thanh Tuyền, đã viết thư ngay đến cho Báo Người Lao Động nói rõ gia đình chưa hề nhận được trả lời nào từ phía Viện KSND tối cao, và thông tin từ ông chánh văn phòng Viện KSND tỉnh Bình Dương khiến chị sốc. Vào ngày 16 tháng 2, chị Nguyễn thị Thanh Tuyền cho biết phản ứng trước tin đó và những việc mà gia đình sẽ tiếp tục theo đuổi để tìm công lý cho người quá cố:
Khi nghe tin từ báo Người Lao Động về vụ án anh Nhựt đã có kết quả, tôi thực sự sốc và thất vọng. Gần cả năm nay tôi mong đợi một kết quả tốt đẹp từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chứ không như báo nêu.
Chị Tuyền, vợ anh Nhựt
"Khi nghe tin từ báo Người Lao Động về vụ án anh Nhựt đã có kết quả, tôi thực sự sốc và thất vọng. Gần cả năm nay tôi mong đợi một kết quả tốt đẹp từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chứ không như báo nêu. Lý do trong chuyến đi Hà Nội vừa qua, tôi đã gặp ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ông này hứa với gia đình và luật sư sẽ trả lời sớm nhất. Ông này nhận định có nhiều vết bầm trên cơ thể của anh Nhựt cần phải làm rõ.
Tôi rất kỳ vọng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sẽ làm rõ bản chất sự việc. Nhưng nay không ngờ lại nhận được tin từ báo Người Lao Động nói rằng có kết luận anh Nhựt tự tử. Tôi rất mong Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời chính thức. Nếu thực sự mà kết quả như vậy tôi sẽ kiến nghị lên thủ tướng, chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng làm rõ vụ án của anh Nhựt."

Hành xử như côn đồ

Cũng vào ngày 15 tháng 2 vừa qua, một nhóm  người mặc thường phục đã đánh anh Lê Quang Trung, một học viên Pháp luân công đang tọa thiền tại Công viên Lê Văn Tám. Tin cho biết sau khi đánh anh Trung, nhóm người này kéo anh lên xe của công an Phường Đa Kao, Q1, và đưa về trụ sở phường. Tại đó anh Lê Quang Trung tiếp tục bị đánh và có người dùng thuốc  lá đang cháy ấn vào dái tai và vào phần môi ngay dưới mũi.
vietbao-250.jpg
Người dân tập trung phản đối hành vi đánh dân của công an. Photo courtesy of vietbao
Một đồng tu của anh Lê Quang Trung cho biết về vụ việc như sau:
"Hôm qua khoảng 17 giờ anh Trung đến công viên tập những bài công của Pháp luân công thì có nhiều công an, có người mặc sắc phục có người không, rồi bảo vệ, dân phòng đến đuổi và cưỡng bức anh lên xe về đồn công an. Theo lời anh Trung thuật lại tại đồn công an họ hành hung anh dữ lắm. Họ thay nhau đánh anh liên tục hai tiếng đồng hồ, vết thương đầy mình. Sau hai tiếng đồng hồ đó họ bắt anh lên xe đem đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Đến tại đó họ còn hành hung tiếp và trói lại.Trung tâm đó là Trung tâm Bảo trợ Tân Hiệp, 463 Nơ Trang Long,  phường 13 quận Bình Thạnh. Đây cũng là nơi giữ anh Vũ Văn Tĩnh hôm ngày 2 tháng 2. Họ giam anh Tĩnh 7 ngày 7 đêm, và anh này đã tuyệt thực để phản đối; sau đó họ đưa anh này lên Trung Tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bình Phước và hiện anh đang phải khổ sai ở đó."
Người này cũng nói về tình trạng ‘tiến thoái lưỡng nan của họ’:
"Chúng tôi đã làm đơn nhiều lần rồi, từ gặp công an phường cho đến cao cấp hơn, có người gặp anh ninh quốc gia, họ nói không cấm mà phường làm thế thôi; nói với phường thì họ nói là có lệnh trên. Chúng tôi yêu cầu trả lời bằng văn bản thì họ không trả lời và từ chối. Chúng tôi nói không có văn bản luật pháp thì chúng tôi biết đâu mà theo."
Ngày 15 tháng 2 cũng là ngày mà ông Đỗ Nam Hải, một khuôn mặt đấu tranh lâu nay tại Việt Nam, thuộc Ban Điều hành Khối 8406- một nhóm đòi hỏi nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo tại Việt Nam, phải đối phó với một một người lâu nay vẫn theo dõi sát ông:
Tôi nói anh ta theo tôi bao lâu nay nên tôi phải chụp hình để tố cáo việc vi phạm quyền của tôi, khi đó anh ta đấm thẳng vào mặt tôi, ngay trước cổng nhà tôi ở số 441 Nguyễn Kiệm, phường 9 Phú Nhuận
Ông Đỗ Nam Hải
"Hôm qua tôi đi ăn sáng có một người công an đi sát tôi. Thường họ đi ba người nhưng hôm qua có một người theo sát tôi. Tôi nói với người này không nên đi sát như thế; nhưng người đó vẫn đi. Khi về nhà tôi lấy máy ảnh ra chụp hình anh ta khi đứng chéo ở góc bên kia đường. Anh ta sang nói tôi không được chụp phải đưa máy ảnh, nhưng tôi không đưa. Tôi nói anh ta theo tôi bao lâu nay nên tôi phải chụp hình để tố cáo việc vi phạm quyền của tôi, khi đó anh ta đấm thẳng vào mặt tôi, ngay trước cổng nhà tôi ở số 441 Nguyễn Kiệm, phường 9 Phú Nhuận. Tôi bị choáng váng vì bị bất ngờ nhưng sau đó tôi lấy lại được thăng bằng và phản ứng tự vệ lại."
Trước những trình bày của ba người trong cuộc như vừa nói, chúng tôi có liên lạc đến Viện KSND tỉnh Bình Dương, Công an phường Đa Kao, Quận 1, thành phố Hồ chí Minh, và trung tá Nguyễn Văn Tâm, thuộc phòng an ninh thành phố này. Hai cơ quan trước đều không trả lời máy; riêng ông Nguyễn Văn Tâm thì có ý kiến:
"Ông Hải đó là người nói tầm phào thôi."
Những sự việc diễn ra trong ngày 15 tháng 2 như vừa nêu cho thấy hành xử không minh bạch, tuân thủ đúng trình tự pháp luật của những cơ quan chức năng và nhân viên công lực đang tiếp tục làm người dân mất niềm tin vào chính quyền Việt Nam hiện nay.

Không có nhận xét nào: