Translate

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Chính khách Nhật Bản thăm đảo Senkaku/Điếu Ngư : Bắc Kinh phản đối

Theo RFI

Một chiếc tàu chở một nhóm người từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan rời Hồng Kông ngày 03/01/ 2012, trực chỉ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm giữa Nhật Bản và Trung Quốc
Một chiếc tàu chở một nhóm người từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan rời Hồng Kông ngày 03/01/ 2012, trực chỉ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm giữa Nhật Bản và Trung Quốc
REUTERS/Bobby Yip

Mai Vân
Bốn người Nhật, trong đó có cả ủy viên hội đồng thành phố Ishigaki, miền Nam Nhật Bản, đã đến thăm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vào hôm nay, 03/01/2012, và ở lại đấy trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Hành động với mục tiêu khằng định chủ quyền nói trên đã tạo nên căng thẳng. Trung Quốc và Đài Loan đều lên tiếng phản đối, cho rằng nhóm đảo đó thuộc chủ quyền của họ.

Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, nhóm người Nhật đi trên một chiếc thuyền đánh cá, đã rời cảng Ishigaki, thuộc vùng quần đảo Okinawa tối hôm qua và đã đến vùng đảo Senkaku vào sáng nay. Theo phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Nhật, trong số này có hai ủy viên hội đồng thành phố Ishigaki – đơn vị quản lý vùng đảo Senkaku - là Hitoshi Nakama và Tadashi Nakamine.
Nguồn tin trên còn cho biết thêm là khi chiếc tàu của nhóm này đến gần đảo, thì lực lượng tuần duyên ở gần khu vực đã yêu cầu họ không nên đến gần đảo vì đó là điều bất hợp pháp. Tuy nhiên, những người trên tàu trả lời là họ chỉ đi đánh cá, do đó « không thể cấm đoán họ ».
Ngoại trừ những tàu đánh cá, các loại tàu khác muốn đến đây vùng quần đảo Senkaku/Điếu ngư không người ở, đều phải có phép của Tokyo. Nguyên do là quần đảo này do Nhật Bản quản lý nhưng lại bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền, và vấn đề này luôn luôn là nguyên nhân làm quan hệ Nhật Trung căng thẳng.
Theo ngưòi phát ngôn lực lượng tuần duyên Nhật Bản, cảnh sát Okinawa sẽ xử lý vụ ghé đảo Senkaku này. Theo AFP, thì cảnh sát đã từ chối không bình luận về vụ việc khi được hỏi. Xin nhắc lại ông Nakama, ủy viên hội đồng thành phố Ishigaki đã từng đến Senkaku vào năm 2010, cho dù không được phép.
Bắc Kinh hôm nay cho biết đã chính thức gởi công hàm phản đối hành động của bốn người Nhật nói trên. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc nhở Tokyo rằng quần đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc và Bắc Kinh quyết tâm bảo vệ chủ quyền mình. Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng cho là đã triệu mời một đại diện ngoại giao Nhật lên để phản đối, nhưng không cho biết nhân vật này là ai.
Đài Loan cũng theo chân Trung Quốc, và cũng lên tiếng và gởi công hàm phản đối Nhật Bản.
Theo giới quan sát, trong năm 2012 này, Trung Quốc và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm bình thường hóa bang giao, và đây là dịp để hai bên cải thiện quan hệ. Do vậy, những vụ đến thăm quần đảo Senkaku là điều mà Tokyo muốn tránh.
Thông tín viên Frédéric Charles tại Tokyo nhắc lại quan hệ căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Senkaku / Điếu Ngư :
« Bốn chính khách này là thành viên hội đồng thành phố Ishigaki, miền Nam Okinawa. Đây là thành phố gần quần đảo Senkaku nhất.
Vào tháng 12 vừa qua, thủ tướng Noda đã đến Bắc Kinh, và đã nói với lãnh đạo Trung Quốc là Nhật muốn cùng với Trung Quốc khai thác đáy biển của khu vực quần đảo rất giàu dầu khí này.
Cánh hữu dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản - mà 4 chính khách đặt chân lên đảo hôm nay là thành viên - khẳng định rằng Senkaku thuộc về Nhật từ năm 1895, và không có lý do gì mà phải chia chác khu vực giàu nguồn cá và khí đốt này với Trung Quốc.
Thế nhưng vấn đề là quần đảo này lại là nguồn gốc gây căng thẳng quân sự nguy hiểm giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tháng 9 năm 2010, vụ Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc đã làm dáy lên phong trào chống Nhật ở Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng phái một đội tàu chiến đến khu vực.
Việc tàu cá Trung Quốc bị lực lượng tuần duyên Nhật Bản chận bắt bị Bắc Kinh Quốc xem là một sự đảo ngược chính sách của Nhật đối với Trung Quốc ».
Tuy nhiên, không chỉ có người Nhật là có hành động khiêu khích. Hôm nay, một nhóm người Trung Quốc cùng với một số người Hồng Kông và Đài Loan, cũng tiến về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku để khẳng định chủ quyền. Họ đi từ Hồng Kông, trên một chiếc tàu mang cờ Trung Quốc. Người tổ chức chuyến đi cho biết là họ muốn phản đối thái độ và hành động của Nhật Bản, vì Điếu Ngư là của người Trung Hoa. Theo AFP, con tàu phải mất 3 ngày mới đến nơi.

Không có nhận xét nào: