Translate

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Người biểu tình bị đưa đi ‘giáo dục’ 2 năm

Theo danchimviet.info
Tác già: Đàn Chim Việt

Chị Bùi Thị Minh Hằng
Như tin đã đưa, chị Bùi Thị Minh Hằng, biểu tình viên tích cực trong 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội mùa hè vừa qua đã mất tích từ hôm 27/11/2011 khi chị cùng một nhóm bạn đứng trước nhà thờ Đức Bà ở Tp. HCM, với một số biểu ngữ viết tay để phản đối hành vi bắt các bạn biểu của chị tại Hà Nội. Ngày hôm đó, vài chục người, đa phần là các khuôn mặt quen thuộc từ các cuộc biểu tình trước, đã bị hốt vào trại phục hồi nhân phẩm khi họ dạo bộ ven bờ hồ nhằm “ủng hộ thủ tướng” ra luật biểu tình.

Những người bị bắt tại bờ Hồ đã được trả tự do vào khuya cùng ngày, nhưng tung tích của chị Bùi Hằng thì không ai rõ kể từ khi chị bị công an bắt đi.
Tiếp theo đó, con trai chị cũng bị giữ khi phân phát thông báo tìm mẹ.

Cho tới nay, một thông báo được bạn bè chị gửi tới, cho biết, chị đã bị đưa ra Bắc, vào Trung tâm Giáo dục và thời hạn chị được “giáo dục” dài tới 2 năm.
Hiện không ai biết, vì lý do gì, một người có hộ khẩu thường trú tại Vũng Tầu, bị bắt tại Sài Gòn lại bị công an thành phố Hà Nội ra quyết định cho đi “giáo dục”.
Chị Hằng đã bị đưa về Cơ sở Giáo dục Thanh Hà thuộc Cục quản lý Trại Giam V26, bộ Công an. Được biết, đây là cơ sở giáo dục thuộc xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tờ Công an Nhân Dân viết về những đối tượng bị đưa về trung tâm này như sau: “Họ bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Họ là những người từng bị ma men sai khiến đến mức không làm chủ được bản thân, thường xuyên đập phá nhà cửa, đánh đập vợ con, gây sự với bà con lối xóm. Họ là những người từng mắc nghiện ma túy, mỗi lần lên cơn nghiện là một lần dọa nạt người thân đòi tiền hay trở thành kẻ trộm cắp.
Cũng có không ít thanh niên bản tính ngỗ ngược, càn quấy thường xuyên gây rối ở địa bàn khiến người thân và bà con xung quanh không thể chịu đựng nổi”.
Chị Hằng không phạm tội say xỉn, quậy phá, xì ke ma túy hay đập phá lung tung…  Cũng như nhiều nhân sĩ, trí thức và các bạn trẻ khác, chị đã tham vào 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều người trong số họ đã gặp không ít những sách nhiễu từ phía chính quyền địa phương cũng như công an quận Hoàn Kiếm nhưng đây là lần đầu tiên, một biểu tình viên bị bắt đi “học tập” 2 năm trời.
Biểu tình được ghi rõ như một quyền cơ bản trong hiến pháp Việt Nam nhưng cho tới nay, ngoài một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc tháng 12 năm 2007 và mùa hè 2011, hoạt động này vắng bóng trong sinh hoạt xã hội tại Việt Nam suốt thời kỳ cầm quyền của chế độ cộng sản.
Luật biểu tình đang được quốc hội xem xét nhưng ban hành ra sao và thực thi thế nào vẫn là một dấu hỏi và nhiều người ngờ vực về động cơ thực sự của chính quyền trong việc ban hành này.
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào: