Translate

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Hệ thống vệ tinh định vị của Trung Quốc cũng là một phương tiện quân sự

Theo RFI

Reuters

Trọng Nghĩa
Kể từ ngày 27/12/2011, Trung Quốc bắt đầu thử hệ thống vệ tinh định vị do chính họ điều hành. Mang tên là Bắc Đẩu (Beidou), đây được cho là bước đầu giúp Trung Quốc thoát khỏi sự lệ thuộc vào màng lưới vệ tinh định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Hệ thống Bắc Đẩu cũng là một loại vũ khí có thể được dùng trong chiến tranh.

Trong một cuộc họp báo, ông Nhiễm Thừa Kỳ, Giám đốc quản trị hệ thống Bắc Đẩu, xác định là hệ thống này trong thời gian đầu chỉ cung cấp các dịch vụ trong phạm vi Trung Quốc và các "khu vực xung quanh". Nhưng vào năm tới Bắc Đẩu sẽ phủ sóng hầu hết khu vực Á châu Thái Bình Dương và đến năm 2020, sẽ bao trùm toàn thế giới.
Hiện nay, hệ thống Bắc Đẩu chỉ mới có 10 vệ tinh, kể cả một chiếc vừa được phóng lên trong tháng 12/2011. Nhưng theo kế hoạch vào năm 2012, Trung Quốc sẽ đưa thêm 6 vệ tinh khác lên quỹ đạo để tăng cường tính chính xác và mở rộng tầm hoạt động của hệ thống. Theo báo chí Trung Quốc, hệ thống Bắc Đẩu sẽ bao gồm tổng cộng 35 vệ tinh và sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ ngư nghiệp, khí tượng cho đến viễn thông.
Trong buổi họp báo, Giám đốc quản trị hệ thống Bắc Đẩu không hề đề cập đến các ứng dụng quân sự mà chỉ nói đến các dịch vụ dân sự thông thường, tương tự như hệ thống GPS của Mỹ. Đó là khả năng cung cấp thông tin chỉ đường cho những người lái xe, giúp xác định vị trí các xe vận tải đường trường hay tàu thuyền trên biển…
Thế nhưng, cơ quan điều hành hệ thống Bắc Đẩu lại là Tập đoàn Khoa học Công nghệ Không gian Vũ trụ Trung Quốc, một trong những nhà cung cấp chính cho chương trình không gian của chính quyền Bắc Kinh, một chương trình chủ yếu do quân đội kiểm soát. Do vậy, không thể loại trừ việc hệ thống này được dùng vào các mục tiêu quân sự
Theo các chuyên gia quân sự, trước tiên hết, hệ thống này sẽ giúp quân đội Trung Quốc không bị lệ thuộc vào màng lưới GPS của Hoa Kỳ, do Lầu Năm Góc phát triển và do chính phủ Mỹ kiểm soát. Trên mặt lý thuyết, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể vô hiệu hóa hệ thống này, hoặc từ chối không cho một nước nào đó truy cập vào hệ thống GPS. Do đó, trong trường hợp tranh chấp bùng lên, Trung Quốc sẽ bị thất thế nếu phải tùy thuộc vào hệ thống GPS.
Bắc Đẩu giải tỏa hoàn toàn sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hệ thống GPS, giúp cho Bắc Kinh khởi động bất kỳ một cuộc tấn công nào hay điều động lực lượng của họ trên khắp thế giới, mà không sợ vấp phải sự can thiệp của Mỹ. Cho đến nay, Hoa Kỳ có thể tắt hệ thống định vị toàn cầu của họ để không ai có thể sử dụng nó trong những khu vực nhất định, nhưng với hệ thống Bắc Đẩu, hành động đó sẽ trở thành vô nghĩa với Trung Quốc.
Nguyên nhân thúc đẩy Bắc Kinh lao vào việc thiết kế hệ thống Bắc Đẩu từ hơn 15 năm nay chính là vấn đề quân sự.
Vào đầu thập niên 1990, giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc đã nhận thức rõ tầm quan trọng của GPS đối với lực lượng Mỹ trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991. Sau đó, Bắc Kinh lại bị sốc khi không thể xác định vị trí hai nhóm tàu ​​sân bay được Mỹ triển khai gần Đài Loan sau khi Trung Quốc bắn tên lửa thị uy ngoài eo biển với ý đồ tác động đến cuộc bầu cử trên đảo.
Với hệ thống Bắc Đẩu, Bắc Kinh có thể phát triển khả năng cản trở không cho hải quân Mỹ tiến gần đến vùng biển xung quanh, trong trường hợp Washington muốn can thiệp giúp Đài Loan nếu xẩy ra chiến tranh với Trung Quốc, hay tại vùng Biển Đông. Biển Đông đã trở thành một điểm nóng trong năm nay giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc cũng có thể kết hợp hệ thống Bắc Đẩu với các vệ tinh khác, máy bay không người lái và công nghệ liên quan để giúp theo dõi chiến hạm Mỹ, bố trí tàu ngầm và tàu chiến của Trung Quốc tại các địa điểm then chốt và hướng dẫn tên lửa đạn đạo chống hạm hướng tới mục tiêu cần triệt hạ.
Sau cùng, hệ thống Bắc Đẩu cũng cung cấp cho Bắc Kinh một lợi thế chiến thuật đáng kể so với các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có cả Ấn Độ, vốn cũng đang phát triển một hệ thống vệ tinh định vị của riêng mình, nhưng còn phải mất nhiều năm nữa mới hy vọng hoàn thành.
 

Không có nhận xét nào: