Theo Bauxite Việt Nam
Justin Logan, Foreign Policy, November 9, 2011
Trần Ngọc Cư dịch
Việt Nam là đồng minh chí thiết, thậm chí “bạn hiền” của Trung Quốc, vậy mà Việt Nam đang chứng tỏ mình đã biết chú ý đến việc tăng trưởng lực lượng quốc phòng trong thời gian gần đây, kể cũng phải nói là khá hơn mấy ông bạn đồng minh của Hoa Kỳ đấy chứ. Nhưng sẽ còn khá hơn nhiều nếu chính quyền Việt Nam biết dựa vào dân. Túi khôn và đức tính dũng cảm của con người Việt Nam trong truyền thống lịch sử hàng nghìn năm qua thì không cần chứng minh ai cũng biết thừa là một sức mạnh khiến lân bang phải kiềng nể. Câu chuyện 5 anh thuỷ thủ Việt Nam khởi xướng việc phản công bất ngờ bọn cướp biển Somalia trong tay lăm lăm súng ống tối tân và giành thắng lợi trong gang tấc là bài học quý báu cho Đảng và Nhà nước này. Biết dựa vào dân thì sẽ có cả một kho dự trữ về lực lượng quốc phòng vô giá khiến không kẻ địch nào xâm phạm lãnh thổ lãnh hải chúng ta được. Bauxite Việt Nam |
Mỹ quyết định hướng về phương Đông là hợp lý. Nhưng ngấm ngầm bảo các đồng minh ở châu Á rằng Mỹ sẽ chi viện để bảo vệ nền an ninh của họ là một luận cứ điên rồ và không đứng vững.
Sự kiện được lưu lại trên hồ sơ là, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn chuyển hướng chính sách đối ngoại Mỹ từ Trung Đông sang Đông Á. Bài viết mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton trên tạp chí Foreign Policy tiêu biểu cho tư duy này. “Tương lai của Mỹ được đan quyện thiết thân với tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, bà Clinton đã viết như vậy, đồng thời đề cao “vai trò không thể thay thế [của Washington] trong khu vực Thái Bình Dương”.
Tập trung sự quan tâm của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một tham vọng hợp lý, nhưng chính sách của Chính quyền Obama ở vùng này thì không. Chính cái động lực muốn trấn an các đồng minh châu Á rằng Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ an ninh cho họ có khả năng khiến họ tiếp tục lợi dụng các nỗ lực của Mỹ để đỡ phải chi phí an ninh quốc phòng – trong một thời đại mà Washington càng ngày càng thâm hụt ngân sách.
Cả Robert Gates lẫn Leon Panetta, trong chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đều đã đến châu Âu để khiển trách các đồng minh của Mỹ ở đó đã không có một ngân sách đầy đủ cho quân lực của mình. Đây không phải là một hiện tượng lạ tại châu Âu – thậm chí trong thời Chiến tranh lạnh, các đối tác của Mỹ tại châu Âu cũng chỉ đóng những vai phụ trong vở tuồng giữa hai vai chính là Washington và Moscow. Từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, sự cách biệt về ngân sách quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu đã trở nên tồi tệ hơn nữa: Chỉ 4 trong 27 quân đội của các nước thành viên NATO, không tính đến Mỹ, chịu chi tiêu đủ tỷ số đã thỏa thuận là 2% GDP vào ngân sách quốc phòng.
Sở dĩ các đồng minh châu Âu này đã tránh né những cam kết quốc phòng cũng chỉ vì họ quá khôn ngoan đó thôi. Họ biết rằng nếu họ không tự bảo vệ chính mình, thì đã có Chú Sam làm việc đó cho họ. Thái độ khôn ngoan này đã cho phép người châu Âu chi tiêu các nguồn lực của mình vào nhiều thứ khác hơn là quốc phòng, từ việc bành trướng nhà nước phúc lợi (welfare states) đến việc thực thi các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng đồ sộ. Họ để người đóng thuế tại Mỹ – và bây giờ là chủ nợ của họ – đứng ra chi tiêu cho quốc phòng của châu Âu.
Trở về với thập niên 1960, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã phải ngỡ ngàng ở mức độ chi tiêu quốc phòng quá thấp của các thành viên NATO châu Âu. Trong một bài báo xuất bản năm 1966, các nhà kinh tế Mancur Olson Jr. và Richard Zeckhauser chứng minh rằng trong việc cung ứng các lợi ích tập thể (như an ninh) trong các tổ chức (như các liên minh), các thành viên to lớn nhất có khuynh hướng chịu đựng “một phần to lớn vượt mức tương xứng [disproportionately] trong gánh nặng chung”. Khi một tập thể tuyên bố một điều gì đó là lợi ích chung, thì người ta coi là hợp lý khi các thành viên nghèo khổ tránh né nghĩa vụ và để các thành viên giàu có hơn gánh vác phần lớn gánh nặng vượt mức tương xứng.
Những gì đã diễn ra ở châu Âu hiện đang diễn ra ở châu Á. Các nước trong khu vực đã bày tỏ mối lo âu đáng kể trước sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc – và đang phản ứng bằng các vận động ngoại giao. Tháng Chín vừa qua, tiếp theo sau các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], các lãnh đạo của Philippines và Nhật Bản đã ra một tuyên bố chung đánh dấu một “Quan hệ đối tác chiến lược” mới mẻ và bày tỏ “những lợi ích chiến lược chung” như “đảm bảo sự an toàn của các đường vận chuyển trên biển”. Gần đây hơn, Thủ tướng Nhật Yoshihico Noda tuyên bố rằng môi trường an ninh của Nhật ngày càng trở nên “vẩn đục do việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động trên các vùng biển trong khu vực và do việc Trung Quốc bành trướng quân đội quá nhanh”.
Những vận động ngoại giao này là đáng hoan nghênh, nhưng vấn đề là những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực này không chịu chi tiêu sòng phẳng. Nhật bản chỉ tiêu 1% GDP cho quốc phòng, và Nam Hàn tiêu chưa đến 3%, mặc dù nước này ở sát nách Trung Quốc và Bắc Hàn. Đài Loan, đang đối mặt với một trong những tình thế đe dọa nhất trên địa cầu, cũng chi tiêu chưa tới 3% GDP cho quốc phòng. Giả dụ không có sự che chở của Mỹ, chắc chắn các nước này sẽ nỗ lực nhiều hơn để tự lo cho chính mình.
Nhưng Mỹ, với lợi thế cô lập địa lý và kho vũ khí hạt nhân đồ sộ, lại chi tiêu đến 5% lợi tức quốc gia cho quốc phòng. Trừ phi người ta vững tin rằng sự tăng trưởng kinh tế vững mạnh, những cắt giảm y tế cho người cao niên và an sinh xã hội, hay những đợt tăng thuế to lớn sắp diễn ra trên đất Mỹ, tình trạng bế tắc ngân sách – và cùng với nó, sức ép thúc đẩy phải cắt giảm các chi tiêu quốc phòng – chỉ tiếp tục gia tăng mà thôi.
Các nhà hoạch định chính sách tại Washington trong cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa, có vẻ tin tưởng rằng trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á là đường lối tốt nhất để bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng thay vì tìm cách xoa dịu nỗi lo lắng của các quốc gia đối tác, Mỹ cần phải gieo hoài nghi về sự cam kết của Mỹ đối với nền an ninh của các nước đồng minh. Chỉ khi đó họ mới chịu chia sẻ gánh nặng đề phòng chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Nếu không, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nay mai lại phải than phiền các đồng minh châu Á, cũng như các đồng minh châu Âu trước đây, không chịu từ bỏ việc ăn bám.
Justin Logan là Giám đốc Ban nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Cato, một viện nghiên cứu chính sách (think tank) có khuynh hướng tự do tại thủ đô Washington.
Nguồn: foreignpolicy.com
T.N.C. dịch
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét