Translate

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Iceland từ chối bán đất cho tập đoàn Trung Quốc

Theo RFI

Tập đoàn của nhà tài phiệt Trung Quốc Hoàng Nộ Ba muốn mua đất ở Iceland (DR)
Tập đoàn của nhà tài phiệt Trung Quốc Hoàng Nộ Ba muốn mua đất ở Iceland (DR)

Thanh Hà
Hôm qua 25/11/2011, bộ Nội vụ Iceland ra quyết định cuối cùng, từ chối bán lại 0,3 % diện tích đất đai cho một t-ập đoàn Trung Quốc. Quyết định trên gây bất ngờ sau khi dự án đã được bộ Kinh tế chấp thuận. Theo giới quan sát, Trung Quốc muốn qua trung gian các tập đoàn tài chính, mua đất để bắt rễ vào bắc Âu, nhằm kiếm lời  nhờ khai thác tài nguyên ở vùng Bắc Cực.

Trả lời báo chí, hôm qua 25/11/2011, bộ trưởng Nội vụ Iceland, Ogmundur Jonasson giải thích là chính phủ "không thể chấp thuận yêu cầu của tập đoàn nhà đất Trung Quốc". Đó là tập đoàn Trung Văn thuộc chủ quyền của nhà tỷ phú Hoàng Nộ Ba. 
Tháng 8 vừa qua nhà tài phiệt Hoàng Nộ Ba đề nghị mua 300 km2 đất ở khu vực đông bắc Iceland với giá 10 triệu đô la để biến vùng đất này thành một khu bảo tồn sinh thái và cũng là một khu nghỉ mát hạng sang gồm khách sạn, sân đánh golf. Nhà thầu Trung Quốc cam kết đầu tư 200 triệu đô la để thực hiện dự án này. Hoàng Nộ Ba là chủ nhân tập đoàn nhà đất Trung Văn. Đây là một công ty đang khai thác hàng chục các quần thể du lịch cao cấp trên thế giới.
300 km2 tương đương với 0,3 % diện tích của Iceland. Một phần khoảng đất Trung Quốc muốn mua lại thuộc chủ quyền của nhà nước Iceland. Bộ trưởng Nội vụ Jonasson khẳng định là vì quyền lợi quốc gia, chính quyền nước này cần xét lại khả năng cho phép người nước ngoài hay các doanh nghiệp ngoại quốc mua lại đất của Iceland. 
Phía Trung Quốc đã bất ngờ và hoàn toàn thất vọng với quyết định nói trên vì vào ngày 10/11/2011, bộ Kinh tế Iceland đã chấp thuận cho dự án đầu tư của Trung Quốc. Theo bộ Kinh tế, dự án nhà đất đồ sộ này không đe dọa đến quyền lợi quốc gia. 
Theo giới quan sát, Trung Quốc muốn qua trung gian tập đoàn Trung Văn và nhà tỷ phú Hoàng Nộ Ba để bắt rễ vào bắc Âu, chặng đầu trong cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận nhờ khai thác tài nguyên ở vùng Bắc Cực. Hiện tượng tan băng đang mở ra triển vọng khai thác dầu khí tại Bắc Cực, đồng thời mở ra con đường vận chuyển năng lượng nối liền châu Âu và châu Á tiện lợi hơn so với hiện nay.

Không có nhận xét nào: