Translate

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam?

2011-10-03
Mới đây Thời Báo Hoàn Cầu có bài viết đả kích mạnh mẽ Việt Nam và Philippines và cho rằng Trung Quốc cần phải tiến hành chiến tranh với hai nước này.
AFP PHOTO
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Zhoushan thuộc hải quân Trung Quốc
Mặc Lâm phỏng vấn nhà nghiên cứu về Trung Quốc Trần Bình Nam để tìm hiểu thêm ý kiến của ông về vấn đề này.


Đe dọa Việt Nam

Mặc Lâm : Trước tiên, xin cảm ơn thời gian của ông đã dành cho Đài Á Châu Tự Do hôm nay. Thưa, câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt ra, đó là mới đây tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã đưa bài viết chống đối Việt Nam rất là thậm tệ, trong đó họ đề ra giải pháp là phải gây chiến tranh với Việt Nam và Philippines. Họ cũng nói đây là cách tốt nhất để tránh một cuộc chiến lớn hơn. Theo ông, bối cảnh nào đã khiến Bắc Kinh đưa ra một bài báo đầy tính chất gây hấn như vậy vào lúc này?
Ông Trần Bình Nam : Vâng. thưa anh Mặc Lâm, Trung Quốc có thể nói là từ mười năm qua họ ở trong cái “mode” gọi là “mode” khoa trương sức mạnh của họ ra Biển Đông, sau đó là ra cả thế giới cho nên họ có một kế hoạch lâu dài để tiến hành việc bắt đầu bằng xâm lấn Biển Đông. Sự thật thì đó là bối cảnh chính. Bối cảnh đó cũng là chính sách của họ.
Không phải bây giờ có bài báo trên Hoàn Cầu Thời Báo mình mới thấy rằng họ có thái độ hung dữ. Sự thật họ đã có thái độ hung dữ lâu rồi, thí dụ như vài năm trước đây và rải rác chúng ta vẫn thấy những cái blog của các nhóm nghiên cứu Trung Quốc họ vẫn hay đưa ra những kế hoạch đánh Việt Nam. Ví dụ như có một cái blog rất đặc biệt mà cách đây độ khoảng một năm rưỡi hai năm, họ đề ra cả một kế hoạch đánh Việt Nam, thanh toán Việt Nam trong vòng 31 ngày chẳng hạn, nhưng khi thế giới thắc mắc chuyện đó thì họ nói cái đó là ý kiến cá nhân thôi.
Ấn Độ mới đây tỏ thái độ là muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, thì đương nhiên cái đó cũng là một điều bức xúc cho họ, và đó cũng là một yếu tố để cho họ vặn cái “vít” thêm vài nấc nữa.
Ô. Trần Bình Nam
Lần này thì họ tiến thêm một bước xa hơn là họ để cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times), mà Hoàn Cầu Thời Báo thì nó cũng chưa phải là tiếng nói chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếng nói chính thức phải là tờ Nhân Dân Nhật Báo, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng là tờ báo rất có ảnh hưởng và đương nhiên dưới sự ảnh hưởng của Đảng CSTQ một cách bán chính thức, cho nên khi họ để cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài báo này tức là họ vặn cái “vít” thêm mấy vòng nữa để cho thấy cái thái độ của họ. Thành ra cung cách của họ là họ tiến hành đường lối mà họ đã vạch ra khá lâu rồi, và càng ngày họ càng tăng áp lực lên thôi.
Mặc Lâm : Thưa ông, cái áp lực tăng lên lần này có phải phát xuất từ hành động cương quyết của Ấn Độ đã làm cho họ có những bài báo như vậy không ạ?
Trần Bình Nam : Tôi thấy đúng vì Ấn Độ mới đây tỏ thái độ là muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, thì đương nhiên cái đó cũng là một điều bức xúc cho họ, và đó cũng là một yếu tố để cho họ vặn cái “vít” thêm vài nấc nữa.
Mặc Lâm : Và trước tình hình bất lợi nhiều phía, chẳng hạn như Miến Điện, rồi Phi Luật Tân, rồi Singapore, liệu Trung Quốc có thực hiện chiến tranh với Việt Nam trong lúc này hay không? Và nếu không, bước tiếp theo của họ là gì, thưa ông?
Trần Bình Nam : Trong tình hình hiện nay thì tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ gây chiến. Họ chỉ dọa thôi. Mục đích của họ là đe dọa, lấn và chiếm đất. Họ tạo ra những cái cớ để họ có thể làm những cuộc hành quân nhỏ để chiếm thêm đất, thêm đảo. Ít nhất là chiếm thêm đảo. Trong khi làm như vậy họ tạo một tình hình bất ổn trên Biển Đông để ngăn cản sự khai thác dầu khí của Việt Nam, của Phi Luật Tân, cũng như của các nước khác trong vùng. Tuy nhiên, tôi nghĩ tuy Trung Quốc có những hành động lấn chiếm đó nhưng họ vẫn giữ nó trong tình hình không căng thẳng lắm để không thể kéo ai vào cuộc chiến cả. Ít nhât là vào lúc này họ cũng chưa muốn một cuộc chiến thật sự ở trên Biển Đông.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Mặc Lâm : Vâng, thưa ông, Mỹ đã từng tuyên bố Biển Đông cũng là lợi ích quốc gia của họ, như vậy thì khi chiến tranh xảy ra tuy là chớp nhoáng hay là chỉ bị Trung Quốc chiếm những đảo nhỏ thôi, thì thái độ của Mỹ sẽ là gì ạ? Và nếu xảy ra tại biên giới phía Bắc của Việt nam thì thái độ của Mỹ có khác hay không khi mà xảy ra tại Biển Đông, thưa ông?
Trần Bình Nam :
000_Par6187253-250.jpg
Binh sĩ Hải quân Trung Quốc trên tàu Zhoushan. AFP PHOTO
Điều này thì chắc chắn rất là khác nhau. Nếu Trung Quốc có những hành động trên Biển Đông thì tất nhiên những hành động của họ bằng hải lực, những hành động quân sự lớn, ví dụ như họ kéo cả hạm đội để chiếm hết cả quần đảo Trường Sa chẳng hạn, thì khi đó tất nhiên người Mỹ với chính sách ban bố là họ cương quyết giữ quyền giao thông trên biển thì một hành động như vậy (của Trung Quốc) sẽ cản trở sự giao thông của hải quân cũng như thương thuyền của Hoa Kỳ và của các nước trên thế giới, thì chắc chắn là tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ có nhiều khả năng can thiệp.
Nhưng trên đất liền thì lại khác. Trên đất liền nếu Trung Quốc đánh qua biên giới Việt Nam như là họ đánh vào năm 1979, thì tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ không can thiệp. Vấn đề là nếu đánh trên biển thì có hơi khó khăn cho Việt Nam. Sự thật hải quân Việt Nam so với Trung Quốc còn yếu nhưng nếu đánh trên bộ thì chúng ta chưa biết. Tôi nghĩ rằng khả năng đánh trên bộ của quân đội Việt Nam còn rất cao, và họ có thể ngăn cản cuộc lấn chiếm của Trung Quốc trên bộ một thời gian khá dài. Mỹ không can thiệp nhưng chắc chắn việc đó sẽ được đưa ra Liên Hiệp Quốc và có thể là Hội Đồng Bảo An LHQ sẽ có những quyết định can thiệp bất chấp phiếu phủ quyết của Trung Quốc.
Mặc Lâm : Trước tình hình trang bị hải quân của Việt Nam còn yếu so với Trung Quốc thì họ (Trung Quốc) sẽ tiến hành chiến tranh chớp nhoáng trong lúc này để tránh thiệt hại cho họ trong khi Việt Nam còn phải mua những loại vũ khí hiện đại từ Nga cũng như từ Ấn Độ, hay là từ Cộng Hòa Czech. Ông có nghĩ rằng những cuộc chiến tranh chớp nhoáng, đánh rồi rút liền của Trung Quốc, có thể xảy ra ở vùng biển hay không ạ?
Trần Bình Nam : Nếu họ đánh chớp nhoáng để rút lui thì tức là họ chỉ muốn tạm giảm cái khả năng tăng cường của các lực lượng quân sự của Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ họ không cần làm việc đó. Nếu họ đánh thì họ sẽ chiếm, bởi vì vấn đề là các đảo thì phải chiếm thì mới có chủ quyền được. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu mà họ đánh thì khả năng chống đỡ của Việt Nam lúc này sẽ không mạnh lắm, nhất là trên không và trên biển. Ở trên bộ thì có thể có một khả năng tương đương nào đó.
Mặc Lâm : Thưa ông, một câu hỏi cuối muốn đặt ra cho ông là trước tình hình công khai tuyên chiến trên mặt báo của Trung Quốc thì giới chức quân sự của Việt Nam và đặc biệt là Bộ Ngoại Giao Việt Nam không hề lên tiếng đòi hỏi Trung Quốc phải chính thức yêu cầu những trang báo đó phải rút lại những lời nói như vậy. Những hành động của Việt Nam hiện nay nói lên điều gì? Nhún nhường thái quá? Hay là họ đang tái tổ chức một cấu trúc nào đó về vấn đề quân sự mà họ không lên tiếng trong lúc này, thưa ông?
Trần Bình Nam : Vấn đề như thế này, anh Mặc Lâm. Sự thật mình nhìn vấn đề không phải mình nhìn vấn đề bây giờ. Trong 4-5 năm qua nếu mà mình nhận xét thật tinh tế thì mình sẽ thấy thế này: Việt Nam có sự chuyển hướng rõ ràng. Chuyển hướng thế nào? Nghĩa là họ chọn thái độ nhất định chống sự xâm lăng của Trung Quốc. Nhưng mà Việt Nam có cái khó là nó ở bên cạnh một nước lớn mà lại là một nước họ nhờ vả, một nước mà họ chịu ơn nghĩa rất là nhiều, thành ra cái thế ngoại giao của Việt Nam rất là khó.
Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu mà họ đánh thì khả năng chống đỡ của Việt Nam lúc này sẽ không mạnh lắm, nhất là trên không và trên biển.
Ô. Trần Bình Nam
Nếu mình phân tích thái độ của chính quyền Việt Nam, tôi nghĩ cần phải hiểu sự khó khăn của những người đang cầm quyền tại Hà Nội, phải nói rất là khó khăn. Ngày xưa mình biết rằng khi Việt Nam có những lần đánh thắng quân Trung Quốc rồi thì sau đó cũng phải qua, cũng phải vuốt ve, cũng phải triều cống, vân vân, để mới có thể yên. Vì vậy tôi nghĩ rằng hiện giờ, nhìn thì mình thấy rõ ràng như thế này, người cầm quyền ở Hà Nội hết sức trăn trở trong việc tìm một thế để mà giữ nền độc lập của mình, bảo vệ biển và đảo, nhưng mà cái thế của họ rất khó khăn, cho nên mình không thể nhìn họ, không thể đòi hỏi họ làm những hành động mà mình thấy là thích hợp được.
Có thể là ở ngoài này mình nhìn những hành động đó là thích hợp nhưng đối với họ là chưa thích hợp. Điều quan trọng là những người lãnh đạo tại Hà Nội đang muốn gì? Tôi nghĩ câu trả lời mà ít nhất là của cá nhân tôi, là tôi thấy thế này: Họ đang rất trăn trở trong việc tìm một thế để thoát ra khỏi cái gọng kiềm của Trung Quốc.
Mặc Lâm : Một lần nữa xin cảm ơn nhà nghiên cứu TQ Trần Bình Nam. Xin cảm ơn ông.

Không có nhận xét nào: