Theo NguoiViet Online
HÀ NỘI (TH) - Việt Nam sẽ có lữ đoàn tàu ngầm trong vòng 6 năm tới đây, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh nói như vậy hôm Thứ Năm.
|
Tàu ngầm lớp Kilo 636. (Hình: rpmtech blog) |
Ðây là thứ tin tức giới phân tích thời sự nói nhằm chống lại với đe dọa chủ quyền của Trung Quốc trên biển Ðông.
Hồi cuối năm 2009, Việt Nam quyết định mua của Nga 6 tàu ngầm hạng Kilo với trị giá khoảng $2 tỉ USD.
“...Trước mắt, phấn đấu trong 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp Kilo 636.” Ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng CSVN nói trong một cuộc phỏng vấn, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ ngày 4 tháng 8, 2011.”
Theo lời ông này, “Chúng ta mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay và các khí tài kỹ thuật khác cũng là để phòng thủ, tự vệ, bảo vệ hòa bình và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước, chứ không hoàn toàn có ý định đe dọa các nước chung quanh.”
Theo bản tin AFP, chuyên viên nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore cho rằng hành động mua tàu ngầm của Việt Nam thúc đẩy bởi các biến động liên quan đến Biển Ðông, nơi Việt Nam và Trung Quốc đang có những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Căng thẳng bùng lên cao hồi cuối tháng 5 sang đầu tháng 6 khi tàu Trung Quốc đã cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).
“Việc mua tàu ngầm là nhằm đối phó với Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.” Storey nói với thông tấn AFP.
Trong cuộc phỏng vấn phổ biến trên tờ Tuổi Trẻ, ông Phùng Quang Thanh nói rằng: “Bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển là một trong những nhiệm vụ chính trị của quân đội, trong đó quân đội đã giao cho quân chủng hải quân, cảnh sát biển và bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt để bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.”
Vì khả năng tài chính giới hạn, Việt Nam đã không mua nổi những thứ trang bị quân sự tối tân hơn mà tất cả chỉ là các chiến hạm, máy bay có giá trị trung bình. Những gì Việt Nam mua sắm để hiện đại hóa quân đội những năm gần đây thì Trung Quốc cũng đã có và với số lượng nhiều hơn.
Trong cuộc họp báo, ông Thanh nhìn nhận việc mua sắm võ khí của Việt Nam “tùy thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước. Vì trang bị cho các quân chủng kỹ thuật như Hải quân, Không quân, Phòng không Không quân đòi hỏi ngân sách khá lớn trong khi chúng ta chưa sản xuất được nên phải nhập cảng với giá rất đắt. Có khả năng tới đâu thì chúng ta mua sắm tới đó...” báo Tuổi Trẻ thuật lại.
Các phân tích gia thời sự cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đang đối diện với lạm phát cao, thâm thủng mậu dịch và thâm thủng ngân sách cùng nhiều khó khăn kinh tế xã hội khác. Hầu hết các trang bị võ khí của Việt Nam đều đã cũ, lỗi thời. Năm nay, Việt Nam mới nhận của Nga hộ tống hạm lớp Gepard-3.9 trang bị hỏa tiễn hồi tháng 3 vừa qua. Một chiếc khác cùng loại sẽ tiếp nhận những tháng cuối năm nay.
Báo Nga hồi năm ngoái đưa tin Việt Nam mua thêm của Nga 12 chiến đấu cơ Sukhoi SU-30MK2 với trị giá khoảng 1 tỉ USD. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét