Translate

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Trần Gia Phụng: THÁI BÌNH DƯƠNG CHỈ YÊN ỔN KHI CHÚNG TA LÀM CHỦ NÓ

Theo NguoiViet Boston

Bài 1
Tình hình Biển Đông sôi động hiện nay có thể nói bắt đầu từ chủ trương về hải phận của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) trong thập niên 50 vào thế kỷ trước. Đây là một hiện tượng mới mẽ vào thời đó vì dưới chế độ quân chủ trước thế kỷ 20, vua chúa Trung Quốc chưa nghĩ đến việc bành trướng ra biển cả.
1.- TÂM LÝ ĐIỀN CHỦ CỦA CÁC TRIỀU ĐÌNH TRUNG QUỐC
Cho đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc là một nước thuần túy nông nghiệp, “dĩ nông vi bản” tức lấy nông nghiệp làm căn bản. Khi nói đến nông nghiệp là nói đất đai, ruộng đồng canh tác. Vua chúa Trung Quốc thường tự cho mình cái quyền là điền chủ của tất cả đất đai trong thiên hạ. Trong Kinh thi do Khổng Tử (551-479) san định cách đây khoảng 2500 năm, có hai câu: “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ”, nghĩa là “khắp cõi dưới trời, không có chỗ nào không phải là đất của vua”.(1)
Nhìn vào bản đồ Trung Quốc, phía đông là biển, phía tây là đất liền. Vì vậy, vua chúa Trung Quốc luôn luôn nuôi mộng chiếm thêm đất đai về phía tây, xâm lăng các nước láng giềng, chiếm Mông Cổ, Tân Cương, Vân Nam, Tây Tạng, nhiều lần tấn công Đại Việt… và hầu như không chú ý đến phía đông là Thái Bình Dương. Chỉ có một ít dân chúng tiến ra các đảo cận duyên định cư vì lánh nạn hay mưu sinh.

Trong lịch sử Trung Quốc, dưới đời Minh Thành Tổ (trị vì 1403-1424), đô đốc Trịnh Hòa (Cheng Ho, 1371-1433) đã bảy lần dẫn hạm đội Trung Quốc từ 1405 đến 1431, vượt Thái Bình Dương, qua Ấn Độ Dương, xuống tận Phi Châu. Thậm chí tác giả Gavin Menzies, trong sách 1421: The Year the Chinese Discovered the World, (1421: Năm Trung Quốc phát hiện ra Thế giới) (New York Magazine, 2002), còn cho rằng Trịnh Hòa đã khám phá ra Mỹ Châu trước cả người Tây phương. Tuy vậy, những chuyến hải hành của Trịnh Hòa không phải để tìm kiếm thuộc địa, chiếm đất. Việc Trịnh Hòa ra đi lần đầu tiên bắt nguồn từ một việc rất thường tình.
Nguyên vào năm 1398, Minh Thái Tổ (Minh Tai Zu, trị vì 1368-1398) từ trần. Thái tử đã chết, con của thái tử, tức cháu nội Minh Thái Tổ, lên ngôi tức Minh Huệ Đế (Minh Hui Zi, trị vì 1399-1402). Người con thứ hai của Minh Thái Tổ, tức chú của Minh Huệ Đế, tên là Chu Đệ (Zhu Di) ở Yên Kinh (Bắc Kinh). Ông là một tướng tài nhiều tham vọng. Năm 1402, Chu Đệ đem quân về kinh đô Yên Lăng (Nam Kinh), lật đổ Huệ Đế. Khi vào Yên Lăng, quân của Chu Đệ tìm được xác của hoàng hậu, hoàng tử, và xác một người bị cháy không nhận diện, được nghi là Huệ Đế. Tuy nhiên, lúc đó lại có dư luận tại kinh đô cho rằng Huệ Đế có thể đã trốn thoát ra các hải đảo. Chu Đệ lên ngôi hoàng đế, tức Minh Thành Tổ (Minh Cheng Zu, trị vì 1402-1424). Thành Tổ vẫn lo ngại Huệ Đế còn trốn tránh ở hải ngoại, nên ra lệnh thành lập một hạm đội hùng mạnh và sai giám quan Trịnh Hòa đi tìm Huệ Đế.(2) Không tìm được Huệ Đế, nhưng Trịnh Hòa đem về nhiều ngọc ngà châu báu, nên từ đó có những chuyến hải hành kế tiếp. Có thể nói, Trịnh Hòa đưa hạm đội ra các đại dương hoàn toàn không phải là vì tham vọng chiếm đóng thuộc địa của vua nhà Minh. Trịnh Hòa là phái đoàn duy nhất của triều đình Trung Quốc viễn du trên đại dương, nhưng không vì mục đích chiếm đất.
Hai hải đảo lớn gần lục địa Trung Quốc là Đài Loan và Hải Nam. Năm 111 trước Công nguyên, Hán Võ Đế (Han Wu Ti, trị vì 140-87 TCN) sai Lộ Bác Đức (Lu Bode) đem quân đánh nước Nam Việt (Quảng Đông) do nhà Triệu cai trị. Lộ Bác Đức tiến quân chiếm luôn đảo Hải Nam và đặt một binh trạm ở đây, nhưng vào năm 46 TCN, nhà Hán cho rằng việc chiếm đóng quá tốn kém nên rút lui. Từ đó, Hải Nam tuy tự trị nhưng về hành chánh khi thì thuộc Quảng Đông, khi thì thuộc Quảng Tây. Trong thế chiến thứ hai (1939-1945), Nhật Bản chiếm đóng Hải Nam. Khi cộng sản chiếm được lục địa Trung Quốc năm 1949, cộng sản chiếm luôn Hải Nam năm 1950.
Đảo Đài Loan cũng thế. Nhà cầm quyền Trung Quốc có thể biết đến Đài Loan từ thế kỷ thứ 3, thời Tam Quốc (213-280). Tuy nhiên thổ dân địa phương tự trị. Đây là một nhánh thuộc tộc người Mã Lai đa đảo (Malayo-polynesian). Cuối thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha đến đây năm 1590, gọi đảo nầy là Ilha Formosa (Đảo xinh đẹp). Người Bồ không ở đây lâu. Năm 1622, Công ty Đông Ấn Hòa Lan (The Dutch East India Company) đặt căn cứ quân sự ở quân đảo Pescadore (còn gọi là Penghu hay Bành Hồ), nhưng bị người Trung Quốc đánh đuổi, phải bỏ qua Đài Loan và xây dựng cơ sở ở đây từ năm 1624.
Người Hòa Lan cai trị Đài Loan cho đến khi bị Trịnh Thành Công (Cheng Cheng-kung), một cựu tướng nhà Minh, đánh bại năm 1662. Trịnh Thành Công dùng Đài Loan làm căn cứ chống nhà Thanh (Ch’ing, 1644-1911). Truyền đến đời cháu nội là Trịnh Khắc Sảng, mới 12 tuổi, thì Trịnh Khắc Sảng bị đô đốc của nhà Thanh là Thi Lang (Shih Lang) đánh bại năm 1683. Thi Lang chiếm Đài Loan.
Trong chiến tranh Trung Nhật 1894-1895, Trung Quốc thất bại, phải ký hòa ước Shimonoseki năm 1895, nhượng Đài Loan cho Nhật Bản. Năm 1945, Nhật Bản thất trận, trả Đài Loan lại cho Trung Quốc. Năm 1949, Quốc Dân Đảng thất bại ở lục địa, di tản ra Đài Loan, tiếp tục lập chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại đây.
Như thế, rõ ràng cho đến thế kỷ 20, vua chúa Trung Quốc không chú ý đến việc tiến ra các hải đảo, kể cả hai hải đảo lớn và gần là Đài Loan và Hải Nam. Với tâm lý điền chủ, các triều đại Trung Quốc chỉ nghĩ đến việc sở hữu đất đai trên lục địa, về phía tây mà thôi. Những đảo lớn ở gần như Đài Loan và Hải Nam còn chưa nghĩ đến, nên chắn chắn những triều đình Trung Quốc chưa nghĩ đến những đảo xa xôi như Hoàng Sa và Trường Sa.
Gần đây, báo China Daily ngày 22-7-2011 trang 9, đăng bài “Claim over Islands Legitimate” của Li Guoqiang” (Lý Quốc Cường?), cho rằng: “Chính quyền Quốc Dân Đảng đã nghiên cứu và xác định tên tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho toàn bộ các đảo, vỉa đá Trung Quốc trên biển phía nam Trung Quốc vào tháng 12/1934 và tập hợp chúng lại thành bốn quần đảo lần đầu tiên. Một bản đồ ấn hành vào tháng 4-1935 cho thấy chi tiết các đảo của Trung Quốc trên biển phía nam Trung Quốc, đánh dấu mũi cực nam của biển phía nam Trung Quốc là Zengmu’ansha ở vĩ độ 4 độ Bắc chí tuyến. Một bản đồ khác, ấn hành tháng 2/1948 cho thấy, sự phân chia hành chính của Trung Hoa Dân Quốc. Bản đồ còn cho thấy đường nối dài 11 điểm bao quanh bốn quần đảo với mũi cực nam ở Zengmu’ansha. Đây là bản đồ đầu tiên đánh dấu biên giới hình chữ U của Trung Quốc trên biển phía nam Trung Quốc. Các bản đồ ấn hành sau khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thành lập [1949] đã giữ lại đường nối dài 11 điểm, và cho tới năm 1953, thì hai điểm đánh dấu Vịnh Bắc Việt bị xóa bỏ. Sau đó, tất cả bản đồ Trung Quốc đều theo đường nối dài chín điểm, hình chữ U.(3)
Những bản đồ trên đây chỉ được vẽ từ năm 1934, nhưng không có bằng cớ lịch sử thực tế chứng tỏ sự hiện diện của người Trung Quốc tại các quần đảo ghi trong bản đồ. Chính vì vậy mà hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951 đã bác bỏ lập luận của Liên Xô đòi giao các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
2.- HỘI NGHỊ HÒA BÌNH SAN FRANCISCO 1951
Những tài liệu của Việt Nam đưa ra về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể bị các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc bỏ qua, không tin tưởng, nhưng có một tài liệu quốc tế mà các nước không thể chối bỏ, đó là Treaty of Peace with Japan (Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản) ký kết ngày 8-9-1951 tại San Francisco.
Nguyên từ ngày 4 đến ngày 8-9-1951, tại San Francisco, diễn ra Hội nghị hòa bình giữa 51 nước trong đó có cả Nhật Bản,(4) bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Châu Á Thái Bình Dương và ký kết một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Cả Trung Hoa Dân Quốc lẫn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) đều không được mời tham dự vì hội nghị không biết mời ai là đại diện cho Trung Quốc tại hội nghị.
Khi dự thảo hiệp ước được đưa ra bàn luận, về các hải đảo ở Biển Đông, ngày 5-9-1951 đại diện Liên Xô là Andrei Gromyko cho rằng các đảo Paracels (Hoàng Sa) và các đảo khác về phía Nam, được xem là lãnh thổ không thể nhân nhượng được của Trung Quốc, và yêu cầu bổ sung vào hiệp định là các hải đảo đó thuộc chủ quyền của CHNDTQ. Tuy nhiên, Gromyko không đưa ra bằng chứng cụ thể nào về chủ quyền của CHNDTQ đối với các đảo trên. Vì vậy, trong cuộc bỏ phiếu, chỉ có 3 phiếu của 3 nước cộng sản thuận (Soviet Union, Czechoslovakia, Poland), còn tất cả các nước khác đều bác. Điều nầy chứng tỏ rằng ngoài các nước cộng sản đồng minh của Trung Quốc, không nước nào trên thế giới cho rằng các quần đảo Hoàng Sa và phía nam thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Cuối cùng, hội nghị đi đến việc ký kết bản Treaty of Peace with Japan (Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản) ngày 8-9-1951 trừ 3 nước cộng sản, đồng minh của Trung Quốc không chịu ký. Bản hiệp ước gồm 7 chương, 27 điều, trong đó khoản (b) và khoản (f), điều 2, chương II, liên hệ đến Trung Quốc và Việt Nam nguyên văn như sau: “Japan renounces all right, title and claim to Formosa and Pescadores.” (Nhật Bản từ bỏ mọi quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với Đài Loan và Bành Hồ.). “Japan renounces all right, title and claim to the Spratly Islands and to the Paracels Islands.”(5) (Nhật Bản từ bỏ mọi quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Spratly [Trường Sa] và quần đảo Paracels [Hoàng Sa].)
Cần lưu ý, đây là hiệp ước hòa bình sau khi Nhật Bản thất trận và đầu hàng Đồng minh năm 1945. Nhật Bản tuyên bố từ bỏ quyền hành ở các hải đảo, nhưng hiệp ước nầy không ghi là giao lại cho ai, vì hải đảo của nước nào thì đương nhiên nước đó nhận lại. Riêng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn là của Việt Nam, và trước thế chiến thứ 2, khi Nhật Bản đến Việt Nam, Việt Nam do Pháp bảo hộ, nên hai quần đảo nầy do Pháp cai quản. Liên Xô yêu cầu giao hai quần đảo nầy cho Trung Quốc, nhưng không có tài liệu cụ thể nên bị hội nghị bỏ phiếu từ chối, nghĩa là mặc nhiên công nhận hai quần đảo nầy thuộc Việt Nam và do Pháp quản trị.
Vì vậy, cũng trong ngày ký kết hiệp định nầy (8-9-1951), trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam (trong Liên Hiệp Pháp) là thủ tướng Trần Văn Hữu đã tuyên bố như sau: “Cũng vì thành thật lợi dụng mọi cơ hội hầu dập tắt những mầm mống tranh chấp về sau, chúng tôi tuyên bố xác nhận chủ quyền của chúng tôi tại các quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa, từ lâu đời, những nơi đó vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam chúng tôi.”(6) Lời tuyên bố nầy không gặp sự phản đối nào của các thành viên tham dự hội nghị.
Ngoài Hiệp định Hòa bình San Francisco, Nhật Bản còn ký riêng với Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) hiệp định hòa bình ngày 28-4-1952, theo đó có khoản thừa nhận điều 2 chương II của Hiệp định Hòa bình San Fracisco về việc Nhật từ bỏ quyền hành, danh nghĩa và đòi hỏi đối với các quần đảo ở Thái Bình Dương đã đề cập trên đây.
Trong khi đó, sau khi Nhật Bản thất trận, Anh đến Việt Nam giải giới quân đội Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16 theo tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945. Quân đôi Pháp theo quân đội Anh trở lại Đông Dương, và dần dần thay thế quân đội Anh ở nam vĩ tuyến 16. Cũng theo tối hậu thư Potsdam, ở phía bắc vĩ tuyến 16, quân đôi Trung Quốc đến Việt Nam giải giới quân đội Nhật. Ngày 28-2-1946, Pháp và Trung Quốc ký hiệp ước Trùng Khánh, theo đó Trung Quốc đồng ý cho quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Quốc ở Bắc vĩ tuyến 16 và quân Trung Quốc rút về nước. (Hoàng Sa nằm ở 15,45 độ Bắc và 17,15 độ Bắc. Trường Sa ở 6,50 độ Bắc và 12 dộ Bắc.) Đổi lại, Pháp nhượng lại cho Trung Quốc một số quyền lợi kinh tế của Pháp ở Trung Quốc và ở Bắc Việt.
Sau thỏa thuận nầy, Pháp cho quân đổ bộ lên các hải đảo vừa kể vào tháng 6-1946 và tái tổ chức hành chánh, cho đến khi giao lại hoàn toàn cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam sau năm 1954. Qua thời Việt Nam Cộng Hòa, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam và Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy.
Lịch sử rõ ràng là như thế, nhưng kẻ cường bạo có lý lẽ riêng của súng đạn.
3.- HOÀN CẢNH XUẤT HIỆN TUYÊN CÁO 4-9-1958
Sau thế chiến thứ hai (1939-1945), tranh chấp Quốc-Cộng tái phát ở Trung Quốc. Năm 1949, đảng CS Trung Quốc thành công. Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan tiếp tục chính thể Trung Hoa Dân Quốc (THDQ). Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập chính thể Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) ngày 1-10-1949.
Năm sau (1950), chiến tranh Triều Tiên bùng nổ giữa Bắc Triều Tiên với CHNDTQ một bên và Nam Triều Tiên cùng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc một bên. Hoa Kỳ phái Đệ thất hạm đội đến bảo vệ Đài Loan và eo biển Đài Loan. Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953.
Sự hiện diện của hạm đội Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan được Trung Quốc xem là một mối đe dọa Trung Quốc. Nguyên trong eo biển Đài Loan, hai quần đảo Kim Môn-Mã Tổ, nằm cách hải cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của Trung Quốc khoảng 15 cây số, trong khi cách bờ biển Đài Loan khoảng 270 cây số, nhưng hai quần đảo nầy lại thuộc quyền kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).
Tháng 9-1954 Trung Quốc mở cuộc pháo kích hai đảo Kim Môn và Mã Tổ. Đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhứt. Đài Loan rất nhỏ so với lục địa Trung Quốc, nhưng lúc đó THDQ (Đài Loan) vẫn là thành viên thường trực của tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong khi CHNDTQ rộng lớn hơn rất nhiều, vẫn chưa được vào LHQ. Ngày 2-12-1954, Hoa Kỳ và THDQ ký Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương (Sino-American Defence Treaty) tại Đài Bắc (Taipei) và có hiệu lực từ ngày 3-3-1955. Trước việc Hoa Kỳ quyết chí bảo vệ Đài Loan, tháng 4-1955, Trung Quốc chịu ngồi vào bàn hội nghị thương lượng và cuối cùng cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhứt chấm dứt vào đầu tháng 5-1955.
Tại LHQ, từ 24-2 đến 29-4-1958, trước sau có 86 quốc gia thành viên họp ở Genève (Thụy Sĩ) để bàn về luật biển. Hội nghị đưa đến kết quả là việc ký kết bốn quy ước về luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS): 1) Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp. 2) Quy ước về thềm lục địa. 3) Quy ước về Hải phận quốc tế. 4) Quy ước về nghề đánh cá và bảo tồn tài nguyên sống ở hải phận quốc tế.
Trong số các quy ước trên đây, riêng Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp, các nước tham dự hội nghị Genève có lập trường khác nhau về chiều rộng của hải phận, và không có lập trường nào hội đủ túc số 2/3, nên tuy Quy ước về hải phận và vùng tiếp giáp ngày 29-4-1958 gồm 32 điều, nhưng không có điều nào của quy ước nầy ấn định chiều rộng nhất định của hải phận các nước trên thế giới. (7)
Trung Quốc và hai miền Bắc và Nam Việt Nam không được mời tham dự hội nghị Genève vì không phải là thành viên LHQ nên không có cơ hội phát biểu lập trường tại diễn đàn LHQ. Trong khi đó, vấn đề quần đảo Kim Môn – Mã Tổ, hai quần đảo nằm sát Trung Quốc, vẫn luôn luôn là bận tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trước những tranh cãi tại LHQ về chiều rộng của hải phận quốc gia và hải phận quốc tế, Mao Trạch Đông tuyên bố ngày 28-6-1958 với một nhóm tướng lãnh thân cận rằng: “Hiện nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (“Now the Pacific Ocean is not peaceful. It can only be peaceful when we take it over.”) (8) Phát biểu nầy là khởi đầu cho chủ trương mới của Trung Quốc về Biển Đông và Thái Bình Dương.
Ngày 23-8-1958, Trung Quốc pháo kích và đe dọa hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ lần nữa, khiêu khích Đài Loan và Hoa Kỳ. Hành động của Trung Quốc lần nầy có thể nhắm hai mục đích: 1) Trả lời cho LHQ về chiều rộng của hải phận Trung Quốc, vì Kim Môn-Mã Tổ chỉ cách bở biển Trung Quốc khoảng 15 cây số (dưới 12 hải lý). 2) Phá hoại sự xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ và Liên Xô theo chủ trương chung sống hòa bình do Nikita Khrushchev đưa ra từ 1956, đồng thời đưa Liên Xô vào thế phải đứng về phía Trung Quốc trong tình thế căng thẳng, vì nếu không, Liên Xô sẽ mất hậu thuẫn của các nước cộng sản khác trên thế giới. Đây là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai.
Một sự kiện quan trọng khác ở Trung Quốc tuy không liên hệ đến luật biển, nhưng đã xảy ra trước khi Trung Quốc ra tuyên cáo về chiều rộng của hải phận Trung Quốc. Đó là vào đầu năm 1958, Mao Trạch Đông ra lệnh quy hoạch dân chúng trong các làng xã thành những “nhân dân công xã”, theo đời sống tập thể cộng sản và phát động chiến dịch “Đại nhảy vọt” (Great Leap Forward) nhằm canh tân đất nước. Bước “Đại nhảy vọt dự tính sẽ gia tăng sản lượng điện, than đá và sắt thép trong vòng ba năm. Các lò luyện thép nhỏ được xây dựng theo phương pháp cổ truyền ngay sau vườn nhà. Nhiều nơi không có nguyên liệu, đã sử dụng cả nồi chảo trong nhà để nấu thép. (Cuộc “Đại nhảy vọt” hoàn toàn thất bại. Mao Trạch Đông phải lùi một bước, nhường chức chủ tịch nước cho Lưu Thiếu Kỳ năm 1959 và cuộc “Đại nhảy vọt” chấm dứt năm 1962.)
Tuy thất bại, bước “Đại nhảy vọt” cho thấy sau giai đoạn củng cố chính quyền, đảng CS Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến cải cách kỹ nghệ nhằm canh tân đất nước. Cuộc cải cách kỹ nghệ chắc chắn đòi hỏi phải gia tăng nguyên liệu và nhiên liệu. Cả hai thứ nầy không phải chỉ tìm kiếm trên đất liền mà còn có thể tìm kiếm dưới đáy đại dương. Phải chăng vì vậy cũng tác động đến sự ra đời của tuyên cáo ngày 4-9-1958? (Còn tiếp)
TRẦNGIAPHỤNG
(Toronto, Canada)
1. Khổng Tử san định, Thi kinh tập truyện, Tạ Quang Phát dịch, tập 2, Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1969, Bài thứ 211, Chương 2, câu số 7 và số 8.
2. Louise Levathes, When China Ruled the Seas, New York: Oxford University Press, 1994, tt. 71-73. Sách nầy dựa trên bổ sử Minh thông giám thời nhà Minh.
3. Nguyên văn bằng Anh ngữ “The Kuomintang government examined and approved of both the Chinese and English names for all the Chinese islands and reefs in the South China Sea in December 1934 and grouped them into four archipelagos for the first time. A map published in April 1935 shows the Chinese islands in the South China Sea in details, marking the southernmost tip of the South China Sea as Zengmu’ansha at 4-degree latitude north. Another map, published in February 1948, shows the administrative division of the Republic of China. The map also shows 11 dotted lines encircling the four archipelagos with its southernmost point at Zengmu’ansha. It was the first map to mark the U-shaped maritime boundary of China in the South China Sea. Maps published after the founding of the People’s Republic of China retained the 11-dotted line, and it was not until 1953 that the two dots marking the Beibu Gulf were deleted. After that, all Chinese maps have followed the nine-dotted, U-shaped pattern.” (China Daily, 22-7-2011, p. 9.) Báo nầy có ấn bản tại Âu Châu và Hoa Kỳ, và chuyển lên website (http://usa.chinadaily.com.cn/us/index.html). Hình chữ U còn được gọi là hình “lưỡi bò”.
4. Năm mươi mốt nước (cả Nhật Bản) đó là (theo thứ tự ABC): Argentina, Australia, Belgium, Bolivia, Brazil, Cambodia, Canada, Ceylon, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Czechoslovakia, Dominican Republic, Ecuador, Egypt, El Salvador, Ethiopia, France, Greece, Guatemala, Haiti, Honduras, Indonesia, Iran, Iraq, Japan, Laos, Lebanon, Liberia, Grand Duchy of Luxembourg, Mexico, Netherlands, New Zealand, Nicaragua, Norway, Pakistan, Panama, Peru, Republic of the Philippines, Poland, Saudi Arabia, Soviet Union, Syria, Turkey, Union of South Africa, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, United States of America, Uruguay, Venezuela, Viet Nam.
5. United Nations Treaty Series 1952 (reg. no. 1832), vol. 136, pp. 45 – 164.
6. Phùng Ngọc Sa, “Chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về ai?”, tập san Hiệp Nhất, Santa Ana, số 60, tháng 12-1997, tr. 85.
7. http://untreaty.un.org/ilc/texts/instruments/english/conventions/8_1_1958_territorial_sea.pdf. Lúc đó Hoa Kỳ đề nghị hải phận là 3 hải lý được 45 quốc gia công nhận, 4 quốc gia 4 hải lý, 15 quốc gia từ 5-10 hải lý, 9 quốc gia 12 hải lý và 2 quốc gia 200 hải lý. (1 nautical mile = 1,852m.).
8. Jung Chang and Jon Halliday, The Unknown Story MAO, New York: Alfred A. Knopf, Publisher, 2005, tr. 426.
@ Trần Gia Phụng
@ NguoiVietBoston

Không có nhận xét nào: