Translate

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

'Mỹ giật dây biểu tình ở Hà Nội'

Theo BBC News

Biểu tình chống TQ hôm 21/08 tại Hà Nội
Đã có 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Báo chí Trung Quốc vừa có bài bình luận về các cuộc biểu tình mới đây tại Hà Nội, cáo buộc Hoa Kỳ đứng đằng sau hoạt động này.
Tờ Thế giới Tân văn trong số ra tuần trước đăng bài viết tựa đề 'Ai kích động biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam' nói "sau các cuộc biểu tình là bóng dáng của Mỹ".

Bài báo mở đầu bằng mô tả cảnh tượng biểu tình hôm 14/08 ở Hồ Hoàn Kiếm ngay trung tâm thành phố, với 50-60 người cầm cờ và biểu ngữ 'Đả đảo Trung Quốc xâm lược'.
Người phiên dịch giải thích với khách du lịch Trung Quốc hiếu kỳ, rằng cuộc biểu tình "thực ra là chống chính phủ, chứ không phải chống Trung Quốc".
"Trong lúc tranh chấp Biển Đông đang tạm lắng xuống, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vẫn chưa chịu dừng và ngay tại chính trường Việt Nam cũng đang có những tiếng nói cứng rắn chống Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo phân tích của Thế giới Tân văn thì nguyên nhân sâu xa của các "sóng gió" hiện thời là sự kết hợp giữa các nhân vật chống Trung Quốc và chống chính phủ ở trong nước, cộng thêm các thế lực đang muốn lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam ở nước ngoài.
Tờ tuần báo trực thuộc Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) lược thuật lại một vài chi tiết liên quan biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, được nói là "diễn ra gần như mỗi Chủ nhật".

Áp lực của Mỹ

Báo này nói sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn có chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Sáu, trong đó hai bên "đạt đồng thuận" về định hướng dư luận, chính phủ Việt Nam đã mạnh dạn dẹp hai cuộc biểu tình và bắt giữ một số người tham gia.
Tuy nhiên, "do áp lực của Hoa Kỳ và quan ngại phản đối của dư luận trong nước, công an Việt Nam sau đó chỉ theo dõi chặt chứ không ra tay.
Chuyên gia về Việt Nam của CRI, ông Trần Mẫn Linh, nói với Thế giới Tân văn rằng một số người tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam là do các nhóm chống chính quyền Việt Nam của Việt kiều ở Mỹ và các nước phương Tây dẫn dắt, có sự hỗ trợ của 'thế lực Hoa Kỳ'.
"Một thành phần khác là các sinh viên, có tình cảm dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ và dễ bị kích động."
Các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng
Ba vị lãnh đạo được cho thuộc ba phe khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc
Cũng theo ông Trần Mẫn Linh, nhóm biểu tình thứ ba là người về hưu, thực tế có cảm tình với Trung Quốc và bức xúc trước những căng thẳng giữa hai nước nên "tới để biểu lộ nguyện vọng" hòa hảo, nhưng bị hiểu lầm là chống Trung Quốc.
Sau khi đưa ra giả thuyết về thành phần tham gia biểu tình, tờ Thế giới Tân văn quay sang phân tích quan điểm của chính giới Việt Nam đối với Trung Quốc.
Báo này nói phát biểu mới đây của tân Chủ tịch Trương Tấn Sang, người vẫn được cho là ôn hòa, đã gây "quan ngại đặc biệt".
Hôm 11/08, trong khi tiếp xúc cử tri, ông Sang nói Việt Nam "không có chủ trương cho Trung Quốc vào khai thác bauxite" ở Tây Nguyên. Ông còn nói thêm rằng "vấn đề quốc phòng an ninh sẽ được đặc biệt chú ý khi đưa vào khai thác".
Chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đông Nam Á, Chu Hạo, nhận xét rằng tuyên bố nói trên của ông Trương Tấn Sang chỉ để "lấy phiếu" của cử tri. Theo chuyên gia này, ở Việt Nam quyền lợi dân tộc là điều không thể nhượng bộ và tối quan trọng đối với sinh mạng chính trị của các lãnh đạo cho dù quan điểm chính trị của họ như thế nào đi chăng nữa.
Việc Trung Quốc tham gia các dự án bauxite ở Tây Nguyên đã gặp nhiều phản đối trong dư luận, thế nhưng, theo Phó Giám đốc ban tiếng Việt của CRI Hoàng Vĩnh Tuyết, các dự án 'hợp tác' vẫn được tiếp tục vì phe thân Trung Quốc trong ban lãnh đạo Việt Nam vẫn thắng thế.

Phức tạp trên chính trường Việt

Ông Hoàng đưa ra một minh chứng là phe thân Trung Quốc mới đây đã chặn yêu cầu mang chủ đề Biển Đông ra bàn tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam.
Ông nói đây là đề xuất của phe thân Mỹ nhưng sau việc mang ra thảo luận đã bị ngăn chặn, thay vì đó là Quốc hội nghe báo cáo về Biển Đông do Bộ Ngoại giao trình bày và không có phần đặt câu hỏi.
Ông Hoàng Vĩnh Tuyết nhận định: "Từ đây có thể thấy, chính phủ Việt Nam hiện vẫn giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, phe 'Bắc phương' (thân Trung Quốc) vẫn thắng thế".
Chuyên gia này phân tích rằng ở Việt Nam có ba phe: thân Mỹ, thân Trung Quốc và trung dung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo ông Hoàng, thuộc phe 'Nam phương', tức thân Mỹ.
Chủ tịch Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được cho là thuộc phái trung dung.
"Ngoại trừ cuộc biểu tình lần đầu, các cuộc sau đều ít người tham gia, cho thấy ảnh hưởng xã hội của việc tuyên truyền chống chính quyền chưa lớn."
Chuyên gia về Việt Nam Chu Hạo
Trong khi đó, Tổng Bí thư Đảng CSVN đồng thời là cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thân thiện với Trung Quốc hơn, và phe 'Bắc phương' giữ vị thế quan trọng hơn trên chính trường Việt Nam.
Dù vậy, chuyên gia Chu Hạo cảnh báo rằng phe nào cũng sẽ không thể nhượng bộ về quyền lợi quốc gia và chủ quyền lãnh thổ. Ý thức về lãnh thổ đã ăn sâu vào người dân Việt Nam.
Từ đó, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng có một thế lực "vừa chống Việt Nam vừa chống Trung Quốc" đang tìm cách lợi dụng tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người dân để gây bất ổn trong xã hội Việt Nam.

Tổ chức Việt kiều

Bài trên Thế giới Tân văn chỉ sang "các thế lực chống Trung Quốc" trong cộng đồng Việt kiều ở hải ngoại.
Hiện có hơn bốn triệu người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ, báo này nói, và một số người bị Hoa Kỳ sử dụng như công cụ diễn biến hòa bình để chống lại Đảng CSVN.
"Mỗi năm Quốc hội Mỹ đều cấp tiền cho những kẻ này hoạt động."
Bài báo viết: "Những Việt kiều này trở về Việt Nam, lợi dụng sự bất mãn ở trong nước để kích động tinh thần chống nhà nước. Chúng đã lấy tranh chấp lãnh thổ Việt Trung, chống Trung Quốc làm chiêu bài để chống chính phủ".
Ông Hoàng Vĩnh Tuyết từ ban Việt ngữ CRI nói chính phủ Hà Nội cần cảnh giác với việc Hoa Kỳ sử dụng chủ đề Biển Đông để "giết hai con chim bằng một hòn đá": vừa chia rẽ quan hệ Trung-Việt, vừa gây bất ổn trong nước.
Chuyên gia Chu Hạo trong khi đó thì nói rằng tình hình chưa tới nỗi nghiêm trọng quá: "Ngoại trừ cuộc biểu tình lần đầu, các cuộc sau đều ít người tham gia, cho thấy ảnh hưởng xã hội của việc tuyên truyền chống chính quyền chưa lớn".
"Đặc biệt ở Hà Nội, người dân vẫn còn tình đồng cảm với Trung Quốc."

Không có nhận xét nào: