Translate

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Trung Quốc với Biển Đông: “Láng giềng hữu nghị” hay “Chủ quyền thuộc ngã”

Theo Bauxite Việt Nam

Đinh Kim Phúc


“Nước Mỹ xâm phạm Việt Nam là xâm phạm Trung Quốc”  (http://chinaconfidential.blogspot.com/2009_03_01_archive.html)
“Nước Mỹ xâm phạm Việt Nam là xâm phạm Trung Quốc” (http://chinaconfidential.blogspot.com/2009_03_01_archive.html)
Báo VietNamNet ngày 31-5-2011 dẫn lại thông tin từ Reuters cho biết liên quan đến vụ tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du một lần nữa khẳng định: “Các hoạt động thực thi mà các tàu hàng hải của Trung Quốc đã tiến hành đối với các hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam là hoàn toàn hợp lý”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của chúng tôi và tránh tạo ra những sự cố mới”.
Thực ra những lời tuyên bố của phía Trung Quốc không có gì mới.
Vào tháng 2-1992 Trung Quốc đặt ra “Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” (Luật lãnh hải), đây chỉ là cụ thể hóa “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958).
“Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” gồm 17 điều. Biên độ lãnh hải theo luật này áp dụng “12 hải lý tính từ đường bờ biển cơ bản (Điều 3). Hơn luật lãnh hải này còn qui định phạm vi lãnh hải của Trung Quốc bao gồm cả vùng biển tiếp giáp với nội thủy và lãnh thổ trên đất liền” Điều 2 về lãnh thổ trên đất liền xác định “tất cả đại lục Trung Quốc, các đảo ven biển, Đài Loan và các đảo phụ thuộc bao gồm đảo Điếu Ngư (Senkaku-theo cách gọi của Nhật Bản), quần đảo Bành Hồ, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và kể cả các đảo nhỏ khác có tên gọi Trung Quốc để khẳng định phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Điểm đáng lưu ý là Điều 14 cho rằng “Trung Quốc có quyền truy đuổi tàu bè nước ngoài vi phạm luật pháp Trung Quốc” và “giữ quyền truy đuổi ở vùng biển nằm ngoài lãnh hải Trung Quốc” việc truy đuổi được thực hiện bởi những lực lượng quân sự như tàu chiến, máy bay của quân đội hay tàu bè, máy bay được chính phủ trao quyền chấp hành công vụ”.
Như vậy, chúng ta đã thấy rõ rằng Luật này đã lờ đi những gì Trung Quốc đã cam kết quốc tế trong lần ký kết Công ước quốc tế về biển của LHQ (UNCLOS) vào năm 1982. (1)
Tất cả những căn cứ trên đã cho thấy rằng tư tưởng “Chủ quyền thuộc ngã” của Trung Quốc trên Biển Đông là không thay đổi, cho nên những ai tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc đều là ảo tưởng.

Trong một khía cạnh khác, Trung Quốc đưa ra “gác tranh chấp, cùng khai thác” (2) là một chủ trương nghe qua có vẻ hòa hoãn nhưng thực chất đây là một xu thế tấn công trên bàn đàm phán trong khi chờ “điều kiện chín muồi” để sử dụng bạo lực. Các chuyên gia về Trung Quốc ở Nhật Bản phân tích: “Trung Quốc một mặt chủ trương “giải quyết hòa bình” cuộc tranh chấp nhưng mặt khác lại củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự, cố chấp đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương. Mặt khác Trung Quốc vừa đưa ra chủ trương “cùng nhau khai thác” tài nguyên đáy biển, “gác lại” vấn đề lãnh thổ với tiền đề là Hoàng Sa và Trường Sa và các đảo nhỏ, dãy đá ngầm khác là của Trung Quốc, lập trường xem Biển Đông là vùng biển “mang tính lịch sử”, chủ trương “giải quyết hòa bình” để “cùng khai thác” bằng cách “gác lại” nhưng chính Trung Quốc là nước thực quyền chi phối các quần đảo này”.

Vì vậy, nếu chấp nhận đàm phán với Trung Quốc theo phương thức này như Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường đã nói chính là lọt bẫy của Trung Quốc, thừa nhận  một tiền đề là Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, một cái lưới mà Đặng Tiểu Bình từng sử dụng khi đàm phán về chủ quyền đảo Senkaku với Nhật Bản khi bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật. Vấn đề Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm cứ tháng 1-1974 hay 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã bị chiếm đóng năm 1988 mới là vấn đề Việt Nam cần thương lượng để đòi phía Trung Quốc trao trả vì đây là chiếm cứ trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước CHXNCN Việt Nam chứ không thể đánh tráo bằng cụm từ “vấn đề do lịch sử” để lại theo chủ trương của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Thử hỏi Việt Nam đã có bao giờ mang quân sang gây hấn, hay tàu chiến của Hải quân Việt Nam bắt bớ, đánh đập và đòi tiền chuộc ngư dân Trung Quốc bao giờ chưa? Thế mà những người “đồng chí”, “anh em” đó đã làm như vậy, thường xuyên hù dọa, nạt nộ… thì người dân bình thường như chúng ta sẽ phải hiểu như thế nào?
Thiết tưởng trong thế trận quốc phòng toàn dân, ngoài vấn đề xây dựng ý thức bảo vệ lãnh thổ và biển đảo, cần có sách lược và lộ trình lâu dài, từng bước bền bỉ  để biến cái “không thể tranh cãi” trở thành điều “có thể thương lượng được” với phía “bạn” trong việc trao trả những gì vốn là của dân tộc Việt Nam một cách ôn hòa theo đúng “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt” mà lãnh đạo cao nhất của nhà nước Trung Quốc cam kết vì đây cũng là chỗ dựa để chúng ta có thể đặt lại vấn đề chủ quyền biển đảo một cách sòng phẳng và tỉnh táo. Dù muốn hay không, người Việt Nam hôm nay phải gánh vác vai trò lịch sử đó.
Chúng ta không thể hô hào mãi khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” mà nên kết hợp thành một cuộc vận động quốc tế đòi trao trả Hoàng Sa-Trường Sa trong hoạt động đối ngoại, là một chủ đề trọng tâm trong những cuộc tiếp xúc để củng cố và nâng cao hợp tác song phương và đa phương ở tầm cao chiến lược trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Thế giới phẳng ngày nay đã cung cấp cho Việt Nam một phương tiện để quảng bá những vấn đề cần được phổ biến ra bên ngoài trong thế chủ động, vấn đề còn lại là liệu chúng ta có lợi dụng được nó, phát huy tác dụng hỗ trợ tích cực này được đến đâu mà thôi.
Trộm nghĩ nếu giữa hai nước Việt-Trung không tồn tại cái gọi là “vấn đề do lịch sử để lại” thì mối quan hệ này tốt đẹp biết bao, khả năng hợp tác toàn diện và chiến lược sẽ đưa Việt Nam lẫn Trung Quốc lên một tầm cao tương xứng với lòng tri ân và sự ngưỡng mộ, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau của nhân dân hai nước thay vì kích động lòng “hãnh tiến dân tộc” Đại Hán mà một số người nào đó đang rắp tâm theo đuổi. Phải chăng đó là một quan hệ hài hòa, công bằng, bình đẳng đem lại sự phồn vinh lâu bền cho cả hai dân tộc chúng ta.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từng nói rằng “phải cùng với các nước trên thế giới thúc đẩy xây dựng một thế giới hài hòa, cố gắng tôn trọng lẫn nhau, tăng thêm nhận thức chung và cùng chung sống hài hòa với các nước trên thế giới, ra sức đi sâu hợp tác, cùng phát triển và đôi bên cùng có lợi với các nước trên thế giới, tích cực đề xướng chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế, thực hiện mục tiêu cùng phồn vinh”. Nếu nhà đương cuộc Trung Quốc áp dụng tinh thần chỉ đạo này vào vấn đề biên giới trên Biển Đông thì chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa có thể giải quyết trọn vẹn và chóng vánh vì mọi người đã có Công ước về Luật Biển của LHQ (UNCLOS) làm cơ sở quốc tế vững chắc.
Ngày 12/1/2010, trong buổi tiếp Giáo sư Joseph Nye (Mỹ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Mọi hành vi bắt nạt nước khác đã lỗi thời. Bất kỳ quốc gia nào muốn đứng trên bắt nạt dân tộc khác thì thời đại này cũng khó thực hiện được và không có lợi cho bất kỳ ai”. Quan hệ Việt-Trung trong những năm trước và sau ngày Việt Nam thống nhất đất nước, có lúc đã xảy nhiều sự kiện đáng buồn như Trung Quốc tranh thủ “thời cơ” đem quân chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo ở Trường Sa năm 1988, 1992, xua lính tràn sang biên giới “cho Việt Nam một bài học” vào năm 1979 và mới đây sự kiện ngày 26/5/2011 đã chứng minh tư duy “lỗi thời” như đe dọa, nạt nộ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở không hề thừa, ngược lại, phản ánh nghĩ suy và lo lắng của nhân dân Việt Nam trước những bản tin đầy quan ngại từ Biển Đông suốt cả năm nay, cho phép chúng ta nghi ngờ những lời phát biểu tốt lành của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhân dịp 60 năm kỷ niệm ngày thành lập quan hệ ngoại giao Trung-Việt cách đây không lâu. (3)
Trong bối cảnh quốc tế và ý đồ của nhà nước Trung Quốc như đã  nói ở trên, vấn đề chủ quyền trên Biển Đông hiện nay của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi nếu không tìm giải pháp hữu hiệu để đối phó. Không nước nào có thể khai thác tài nguyên ở thềm lục địa Trường Sa nếu chủ quyền các đảo tại đây chưa được xác định và được nhìn nhận bởi các bên liên quan. Vấn đề “gác tranh chấp, cùng khai thác” đã được phía Trung Quốc đưa ra, nhưng sẽ rất khó thực hiện mỗi khi Trung Quốc khăng khăng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông theo “chiếc lưỡi bò”. Vả lại, nếu thực hiện thì phía chịu nhiều thiệt thòi vẫn là Việt Nam. Việc tranh chấp, đôi co có thể kéo dài thêm nhiều thập niên, vẫn giữ “nguyên trạng”, nếu các bên tranh chấp vẫn tôn trọng Qui tắc ứng xử Biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN ký với Trung Quốc năm 2002. Với thời gian, chỉ cần một, hai thập niên nữa, sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự (hải-không quân) của Trung Quốc không những chỉ dễ dàng thâu tóm Biển Đông mà còn đặt được ảnh hưởng của mình đến các nước trong khu vực là một nguy cơ, đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.
Vì thế, cần có một giải pháp ngăn ngừa khả năng xấu nhất xảy ra. Việt Nam cần làm như thế nào, trước tình trạng căng thẳng hiện nay, để có thể khai thác, ít ra một phần, ở những vùng biển thuộc khu vực kinh tế đặc quyền của nước mình? Giải pháp nào có lợi nhất cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền các đảo và hải phận Biển Đông?
Theo các chuyên gia về luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á, các yếu tố xét ra có lợi cho Việt Nam, đó là:
1. Việt Nam tôn trọng các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
2. Vận động quốc tế ủng hộ lập trường về biển và thái dộ hiếu hòa của Việt Nam trong những cuộc tranh chấp về vấn đề chủ quyền và khai thác dầu khi trên Biển Đông.
3. Trong trung hạn là hợp tác với các nước để khai thác những dvùng biển và thềm lục địa của Việt Nam đã được quốc tế công nhận (hay không phản đối).
4. Về dài hạn là củng cố quốc phòng, liên minh chiến lược, diễn tập chiến thuật chung với các nước trong khu vực và quốc tế có cùng chung quyền lợi để đối trọng với Trung Quốc.
5. Tiến đến việc đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra tòa án quốc tế để ngăn ngừa trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
6. Gìn giữ quan hệ Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định, bình đẳng và hợp tác để cùng phát triển lâu dài theo đúng nghĩa mà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết. Yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt mọi hành động đe dọa, khiêu khích và bắt giữ ngư dân Việt Nam, không có hành động gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình hiện nay.
Trong vấn đề Biển Đông chúng ta cần phải phân biệt các mối quan hệ tranh chấp sau đây:
Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc (hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo này bằng cuộc chiến tranh xâm lược vào tháng 1 năm 1974).
Thứ hai, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa là tranh chấp đa phương: giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei (chỉ có duy nhất Brunei lên tiếng về chủ quyền nhưng không có chiếm đóng).
Thứ ba, việc tuyên bố đường lãnh hải lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông (chiếm 80% diện tích trên Biển Đông) là một yêu sách vô lý, bất chấp luật pháp quốc tế, hòng độc chiếm Biển Đông
Do đó để giải quyết vấn đề Biển Đông, chúng ta cần phải xác định nội dung và lộ trình cho các biện pháp đấu tranh theo thứ tự ưu tiên sau đây:
Đầu tiên cần phải đấu tranh về mặt luật pháp quốc tế để bác bỏ chủ trương lãnh hải theo đường lưỡi bò của Trung Quốc vì chủ trương này là bất hợp pháp.
Ngoài việc Việt Nam đã cung cấp hồ sơ về lãnh hải của Việt Nam cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) đúng thời hạn, chúng ta cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế vận động các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei cùng thống nhất quan điểm công bằng và hợp lý về việc phân định lãnh hải.
Về mặt địa lý lẫn luật pháp quốc tế, Trung Quốc không có lý do gì để kéo dài thềm lục địa của họ ra đến đây. Các đảo họ chiếm của Việt Nam thì đang trong vòng tranh chấp, vả lại, các đảo này không thể có vùng kinh tế độc quyền hay thềm lục địa. Việt Nam cần phải liên minh chặt chẽ với các nước trong khu vực để phản đối, gây sức ép bằng cách đặt vấn đề tranh chấp này trong các cuộc đàm phán trong quan hệ song phương lẫn diễn đàn đa phương, tạo tiền đề cho việc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế.
Các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã nhiều lần phát biểu về quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông là không can dự nhưng luôn luôn nhấn mạnh đến việc tuân thủ Luật Biển quốc tế 1982. Quan điểm quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông là cam kết của nguyên Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush về sự toàn vẹn và thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Cũng như trước đây khi phát biểu về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael Michalak nói: “Về vấn đề ở Biển Đông, Hoa Kỳ không có lập trường nào về những vụ tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển này. Chúng tôi tin tưởng vào quyền tự do hàng hải và sự khai phóng của các thủy lộ, và chúng tôi hành xử quyền tự do hàng hải của mình qua việc đưa tàu bè đi qua các thủy lộ này. Chúng tôi đã gặp phải sự can thiệp trái phép của tàu bè Trung Quốc đối với tàu Impeccable. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có phản ứng thận trọng và thỏa đáng trong vụ này. Chúng tôi cũng đã áp dụng thêm những biện pháp để bảo đảm quyền tự do hàng hải và kiên quyết thể hiện quyền này”.
Mới đây, trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại Malaysia(4), Đô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã nói: Trong năm 2010, toàn bộ khu vực đã trở nên quan ngại về khả năng các vụ đụng độ ở Biển Đông”, “Vâng, tôi thấy lo lắng bất cứ khi nào chứng kiến căng thẳng gia tăng và va chạm diễn ra ở khu vực rất chiến lược và rất quan trọng với tất cả chúng ta”.
Tư lệnh Robert F. Willard tiếp tục tuyên bố: “Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong một cuộc tranh chấp. Đó là cam kết mạnh mẽ để thấy rằng các bên tranh chấp giải quyết vấn đề hòa bình và thông qua hội đàm, không đối đầu trên biển hay trên không”.
Khái niệm “tự do hàng hải” mà nhiều lần Hoa Kỳ đề cập đến cũng chính là Luật Biển Quốc tế 1982. Đây là lợi thế của Việt Nam trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Hy vọng rằng đây là một tín hiệu tốt cho tương lai khu vực Đông Nam Á và sẽ được phía Trung Quốc thể hiện bằng hành động cụ thể.
Đ. K. P.
Chú thích:
(1) Xem “Bàn về Quân sự của Trung Quốc”, chương 9 “Vươn ra biển lớn và tăng cường hải quân của Trung Quốc” của Kayahara Ikuo, trang 301-327, Nhật Bản

(2) Những vấn đề đảm bảo an ninh cho tuyến đường chuyên chở tài nguyên-dầu mỏ vào Nhật Bản ở thế kỷ 21  21世紀に於けるわが国への石油資源輸送ルート(シーレーン)に関する安全保障上の問題点)

(3) “Lời Non Nước” Hồng Lê Thọ
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào: