Translate

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Quan ngại đụng độ quân sự trên biển Đông

2011-06-01
Việc Trung Quốc gây hấn trên biển đang khiến nhiều người lo ngại về khả năng một cuộc đụng độ trên biển Đông sẽ xảy ra.
AFP PHOTO
Hải quân Philippines tăng cường tuần tra trên biển Đông.
Những căng thẳng trên biển Đông thời gian gần đây giữa Trung Quốc và hai nước láng giềng là Philippine và Việt Nam cùng thái độ cứng rắn từ phía Trung Quốc đang khiến người ta lo ngại về khả năng một cuộc đụng độ trên biển như đã từng xảy ra trước kia, và nếu có thì mức độ thế nào?


Giọt nước tràn ly

Những tháng đầu năm nay, tình hình biển Đông đã trở nên ngày càng căng thẳng với các vụ đụng độ liên tiếp giữa các tàu hải giám của Trung Quốc và các tàu thăm dò của Philippine và Việt Nam. Những sự kiện này diễn ra giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy các nước trong khu vực bao gồm cả Trung Quốc đang gia tăng trang bị quốc phòng. Điều này không khỏi làm người ta đặt ra câu hỏi về khả năng một cuộc đụng độ quân sự có thể xảy ra trên biển Đông trong tương lai.
Không loại trừ khả năng một đụng độ kiểu như vậy, nhưng những nhà phân tích chính trường Trung Quốc cho biết có nhiều người tham gia vào việc đưa ra quyết định tại Trung Quốc. 
GS Carl Thayer
Sự kiện gây căng thẳng gần đây nhất khiến người ta quan ngại là vụ tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc PetroVietnam tại lô 148 nằm trong vòng 200 hải lý mà Việt Nam đòi chủ quyền. Bộ ngoại giao Việt Nam sau đó đã có phản ứng bằng cách trao công hàm cho đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà nội phản đối hành động này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay không để tái diễn những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.
Tuy nhiên người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Khương Du trong một tuyên bố đăng trên trang web của bộ này khẳng định rằng những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hòan toàn bình thường ở khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Hành động này của Trung quốc chỉ như một giọt nước tràn ly bởi trước đó, các tàu cá của ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng sa cũng thường bị tàu Trung Quốc bắn đe dọa, thậm chí bắt bớ và đòi tiền chuộc.
Trước đó vào tháng 3 tàu Trung Quốc cũng đã ngăn cản một tàu thăm dò của Philippines tại khu vực gần đảo Trường sa mà Philippines cũng đòi chủ quyền.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam thuộc học viện quốc phòng Úc nhận định:
“Những đòi hỏi của Trung Quốc ngày một mạnh mẽ hơn vì Trung Quốc đang thành lập ngày một nhiều các tàu gọi là tàu hải giám. Những tàu trước là những tàu chiến cũ sơn màu trắng và ghi, còn tàu mới thì còn có cả trực thăng. Cho nên Trung Quốc đang đối đầu với các nước khác trong khu vực không phải bằng lực lượng quân sự mà bằng lực lượng bán quân sự. Tàu của Trung quốc còn mạnh hơn tàu Rock Bucket của Philippines. Trong khi đó đường biển dài của Việt Nam đã làm cho  Việt Nam khó mà có thể quản lý hết được khu đặc quyền kinh tế của mình.”

Chạy đua vũ trang

001_GR168819-250.jpg
Bản đồ khu vực tranh chấp trên biển Đông. AFP GRAPHIC.
Hôm 23 tháng 5, Tổng thống Philippines Aquino đã cảnh báo với Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt về một cuộc chạy đua vũ trang không tránh khỏi trong khu vực nếu vẫn tiếp tục có các cuộc đụng độ giữa các nước đòi chủ quyền trong khu vực tranh chấp gần quần đảo Trường sa, và do đó có khả năng dẫn đến việc gia tăng xung đột.
Một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực là điều đã được các phân tích gia quốc tế nhìn nhận từ lâu với việc Trung Quốc tăng chi phí quốc phòng hàng năm. Chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2010 đã tăng 7,5% so với năm trước, sau khi tăng gấp đôi con số vào năm trước đó. Dự kiến ngân sách quốc phòng năm 2011 sẽ còn tăng thêm gần 13% lên hơn 91 tỷ đô la. Nhưng đó chỉ là con số mà giới chức Trung Quốc công bố, còn các phân tích gia quốc tế thì cho rằng thực chi cho quốc phòng của Trung Quốc có thể cao hơn thế rất nhiều.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định việc gia tăng trang bị quốc phòng của mình chỉ nhằm mục đích hòa bình, nhưng các nước trong khu vực lại lo ngại về một mối đe dọa từ Trung Quốc. Giáo sư Carl Thayer nói:
“Từ năm 1997 khi Trung Quốc có ý tưởng mới về an ninh thì có nói là không sử dụng kiểu ngoại giao pháo hạm hay bắt nạt nước khác, và Trung Quốc chỉ ra đó là cách mà Mỹ hành xử, Trung Quốc cố gắng thuyết phục các nước Asean rằng Trung Quốc muốn sống hòa bình. Nhưng năm ngoái tất cả đã đảo ngược và chống lại Trung Quốc, Trung Quốc mất đi những nước ủng hộ mình trước kia và một lần nữa đặt ra vấn đề về sự đe dọa của Trung Quốc như đã xảy ra từ đầu những năm 1990.”
TQ đang đối đầu với các nước khác trong khu vực không phải bằng lực lượng quân sự mà bằng lực lượng bán quân sự. Tàu của TQ còn mạnh hơn tàu Rock Bucket của Philippine.
GS Carl Thayer
Tổng thống Philippine hôm 23 tháng 5 đã lên tiếng nói rằng mặc dù hiện thời quân đội Philippine vẫn không có đủ năng lực để đối đầu với quân đội Trung Quốc nhưng căng thẳng gia tăng có thể khiến Philippines phải lo việc gia tăng quốc phòng cho mình.
Các nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Thái lan cũng đã và đang tích cực tìm mua tàu ngầm trang bị cho hải quân của mình mà theo như đánh giá của giáo sư Carl Thayer thì đây là một cuộc chạy đua vũ trang để bảo vệ khu đặc quyền kinh tế của mình.
Để bảo vệ khu đặc quyền kinh tế của mỗi nước, người ta cũng không thể quên vụ đụng độ quân sự giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam ở quần đảo Trường sa vào năm 1988 khiến khoảng 70 quân Việt Nam thiệt mạng và nhiều tàu của Việt Nam bị đánh đắm. Giáo sư Carl Thayer cho rằng các nước trong khu vực cần phải cẩn trọng vì khả năng một vụ đụng độ tương tự như vậy không hẳn đã bị gạt ra ngoài, Ông cho biết:
“Không loại trừ khả năng một đụng độ kiểu như vậy, nhưng những nhà phân tích chính trường Trung Quốc cho biết có nhiều người tham gia vào việc đưa ra quyết định tại Trung Quốc. Có đến 5 cơ quan chịu trách nhiệm với vấn đề biển, chưa kể hải quân của quân đội nhân dân Trung Quốc. các phân tích gia cho rằng những nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối đầu với những vấn đề trong nội địa cho nên dẫn đến những cái gọi là thái độ không chắc chắn từ phía Trung Quốc. Bởi vì rõ ràng là ở trung ương thì lãnh đạo Trung Quốc muốn giảm nhẹ vấn đề, đi theo cách hòa bình hơn tuy nhiên chúng ta vẫn thấy các căng thẳng xảy ra cho nên theo tôi Bắc Kinh đã mất một phần kiểm soát vấn đề ở đây.”
a15-250.jpg
Công nhân Việt Nam đang nối lại đoạn cáp bị tàu Trung Quốc cắt. Photo courtesy of HDVietnam.

Đối đầu với quốc tế

Tuy nhiên theo ông thì để xảy ra một vụ đụng độ như vậy thì căng thẳng phải lên cao độ và sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc kỹ lưỡng vì sẽ phải đối đầu với không chỉ Việt Nam, Philippines mà còn một loạt các nước lớn khác có lợi ích trong khu vực là Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, và Ấn Độ.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell hôm 31 tháng 5 đã khẳng định quan tâm của Mỹ về an ninh và ổn định tại khu vực này:
“Chính sách của Hoa Kỳ vẫn duy trì là tránh mọi đụng độ để giải quyết các tranh chấp hay những mối đe dọa, và Hoa Kỳ muốn thấy những tiến bộ đạt được trong các cuộc đối thoại giữa các bên. Chúng ta vẫn tiếp tục các thảo luận thường xuyên và riêng với nhiều nước liên quan đến vấn đề biển Đông và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy trong thời gian tới.”
Việc đòi chủ quyền của Trung Quốc sẽ phá hoại nguyên tắc cả trăm năm của luật pháp quốc tế và khả năng cho tàu Mỹ đi lại trong khu vực.
GS Carl Thayer

Những căng thẳng gần đây trên biển Đông diễn ra không lâu trước diễn đàn an ninh khu vực tổ chức tại Singapore vào ngày 3 tháng 6 với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và lần đầu tiên có cả bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tham dự. Theo giáo sư Carl Thayer thì vấn đề căng thẳng trên biển Đông chắc chắn sẽ được đưa ra bàn thảo và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ không lùi bước trong việc khẳng định sức mạnh trên biển của mình, giáo sư Carl Thayer trình bày:
“Vấn đề này năm nay sẽ được đề cập và sẽ có tranh cãi vì bộ trưởng Robert gates sẽ không lùi bước trong việc khẳng định sức mạnh trên biển của Mỹ, bởi việc đòi chủ quyền của Trung Quốc sẽ phá hoại nguyên tắc cả trăm năm của luật pháp quốc tế và khả năng cho tàu Mỹ đi lại trong khu vực.”
Đã có so sánh về căng thẳng trên biển đông với vụ khủng hoảng tên lửa Cuba vào đầu những năm 1960 khi Mỹ và Liên Xô đối đầu xung quanh vấn đề Cuba. Tuy nhiên theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer thì vụ tranh chấp trên biển Đông không thể so sánh với vụ khủng hoảng này vì không có nước nào bao gồm cả Trung Quốc có thể triển khai tên lửa như vậy. Theo ông thì căng thẳng sẽ chỉ dừng lại ở những vụ đuổi tàu như đã diễn ra giữa tàu hải giám Trung Quốc với các tàu của Việt nam và Philippines mà thôi

Không có nhận xét nào: