Translate

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Lỗ Trí Thâm - Bình luận về lòng yêu nước của dân Việt

Theo Dân Luận
Lỗ Trí Thâm
"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

Hồ Chí Minh đã nói cách đây nủa thế kỉ.
Kho vàng đó của dân tộc mọi đấng Minh quân, Vương triều của mọi thời đại đều biết.
Và được sử dụng triệt để để giữ nước cũng như giữ ngai vàng khi bị ngoại bang đe dọa.
Thế nhưng bài toán phồn thịnh dân sinh, cái nôi của lòng yêu nước, và sự vững bền của Vương triều bao giờ cũng khó tìm thấy chung một lời giải.
Và khi không đủ sức đủ tài tìm lời giải cho cả hai thì ưu tiên cho sự vững bền của Vương triều.
Và khi có biến từ ngoài thì Vương triều mới ngó đến cái nôi của lòng yêu nước, nhưng quá muộn. Vì vốn không được chăm sóc nó quá rệu rã, mệt mỏi.
Đó là bài học không chỉ cho nhà Nguyễn ở những thế kỉ trước, khi mà có nhiều quần thần tâm huyết mong cải cách mở ra bên ngoài nhưng vua quan nhà Nguyễn vẫn say sưa với hệ quân chủ phong kiến trung hiếu với Vua.
Nhà Nguyễn không phải không biết, mà nhắm mắt giữ hệ phong kiến cha truyền con nối như thế thì bảo đảm ngai vàng suốt đời, cho con cháu họ hàng... và đám thần dân mặc nhiên công nhận.
Đám học giả chỉ ăn với học, được gọi là Sĩ Phu Bắc Hà, không phải không biết. Nhưng nếu đổi thay sẽ mất hết bổng lộc vua ban nên không dám thay đổi, ngày đêm còn tâng bốc đấng cao thượng anh minh. Đám này thời nào chả có.
Cho đến ngày thực dân Pháp vào thì nước mất nhà tan. Không phải dân ta hèn, không phải vua quan nhà Nguyễn hèn, mà kĩ thuật của người Pháp đi trước ta hàng trăm năm. Đứng trước sự chênh lệch đó, chúng ta vô vọng.
Lòng yêu nước đối đám dân nghèo hèn là khi giang sơn lâm nguy thì từ bỏ ruộng vườn, vợ trẻ con thơ lên đường ra biên cương không nghĩ tới ngày trở về.
Lòng yêu nước của đấng bề trên là không phải ra trận mạc mà phải lo nghĩ trước đó vài chục năm, trăm năm, chấn khí an sinh. Ngày đêm lo làm sao không phải dùng cái lòng yêu nước của đám hạ sinh mà xã tắc vẫn vẹn toàn. Bằng không thì chỉ là hạng người cai thầu lòng yêu nước. Lúc nào cũng có lãi.
Giờ đây Biển Đông lại nổi sóng.
Vấn đề của Biển Đông không nằm trên Biển Đông mà ở trong đất liền.
Nếu Việt Nam mạnh, thì Hoàng Sa Trường Sa sẽ là của Việt Nam.
Nếu Việt Nam yếu thì ngay cả khi TQ không lấn chiếm thì cũng có nước khác nhòm ngó: Mã lai. Phi luật tân...
Nếu Việt Nam yếu, ngay cả khi các nước hàng xóm VN không lấn chiếm đảo biển thì cũng có kẻ khác từ xa nhòm ngó và chúng ta lại luôn ca bài ca ngợi ta đã từng đánh thắng nhiều đế quốc to là Pháp và Mỹ nay lại tự hào đang chiến đấu gay go đánh đuổi bọn thực dân từ châu Phi tới...
Lòng tham người Trung Quốc không thay đổi. Nhưng cái đầu họ đã thay đổi.
Họ đã tự biết rằng trong thời đại ngày nay không thể dùng thịt đè người nên âm thầm sắm sửa tàu bè vũ khí cho trận chiến mới.
Lòng yêu nước của người VN không thay đổi. Và cái đầu người Việt nam cũng không thay đổi.
Người VN nghĩ rằng họ vẫn có thể bảo vệ quê hương họ bằng lòng yêu nước. Đấy chỉ là điều kiện cần, trong thời đại ngày nay,nhưng chưa đủ.
Cuộc chiến hôm nay không phải ở trên cạn như xưa, nơi mà nhà nhà cũng có thể đánh giặc, ngươi người cũng có thể ra trận. Không có súng ống đạn dược thì ai có dao dùng dao ai có gậy dùng gậy.
Cuộc chiến ngày hôm nay sẽ diễn ra ở nơi biển khơi đầy nước và sóng. Chỉ quần đùi cùng mã tấu không thể bơi ra ngoài mặt trận, hai đảo Hoàng sa và Trường Sa, để tham gia đánh giặc.
Ta cần phải có tàu thuyền. Và một lần nữa kẻ thù lại đi trước ta một quãng dài.
Sau chiến thắng năm 75 với những lời ca ngợi của thế giới ta đã ngủ một giấc dài.
Ngay cả khi tiếng súng bắn trộm vào đám ngư dân nghèo khó ta vẫn yên giấc với lời ru 16 chữ vàng.
Khi kẻ thù dùng kéo chọc thủng nồi cơm của cả nước, Khai thác Dầu khí, thì ta mới chợt tỉnh giấc và phải đối mặt với câu hỏi mà thời Cụ Phan Châu Trinh cách đây trăm năm đã đặt ra.
Thời Cụ Phan đã hỏi rằng: Cần nâng cao dân trí, dân sinh trước rồi đuổi Pháp hay ngược lại.
Thời nay ta cũng hỏi đợi thế nước hùng cường rồi đòi biển đảo hay đòi ngay. Mà động binh bây giờ thì nguy cơ mất hết đảo là rất lớn.
Và nếu đợi, đợi đến bao giờ?

Không có nhận xét nào: