Translate

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

CHUYỆN ‘CÁC CHÚ BA’

Theo VietCatholic News
Tác giả: Nguyễn Kim Ngân

Cho đến sáng hôm nay, một buổi sáng ‘tháng Sáu, trời mưa, trời mưa không dứt,’ mặc dù lần đầu tiên có một người nữ đấu thủ của Trung Quốc (TQ), Na Li, đoạt giải vô địch đơn nữ quần vợt French Open trong trận chung kết tại Roland Garros, tôi vẫn tin chắc rằng “mọi thứ hư đốn trên đời đều phát xuất từ TQ” y như lời một người bạn--chính gốc TQ--đã phải thú nhận với tôi. Câu tuyên bố xanh rờn này đã được kiểm nhận nhiều lần, nhiều cách, dưới nhiều khía cạnh, để rồi phải công nhận là đúng. Này nhé: tham nhũng, hối lộ, quà cáp, chạy chọt…Đồ nhái, đồ giả, ‘made in HongKong, bên hông Chợ Lớn…Những món ăn quái lạ cầu kỳ, những trò chơi xác thịt với huyền thoại về các trinh nữ…Thôi thì thiên hình vạn trạng. Chuyện ở xứ ‘các chú Ba,’ ‘made in China’ hoặc ‘made in PRC’ thì quá nhiều, nhiều đến mức báo động. Nhất là mấy tuần nay cứ ầm ĩ mãi cái vụ xâm phạm lãnh hải, phá hoại công trình tìm kiếm dầu khí, ngăn chận tầu bè đánh cá trên vùng biển Đông mà các chú cứ nhận vơ là của mình, khiến đang dấy lên những làn sóng biểu tình ngay tại quốc nội để phản đối ông láng giềng “to xác xấu tính” (nguyên văn đọc được trên biểu ngữ).

Đó là chuyện đời. Còn chuyện đạo thì cũng nhức đầu không kém: ngoài vụ căng thẳng bang giao với Tòa Thánh Vaticăng, lâu lâu lại có những vụ phong chức láo lếu bừa bãi cho các linh mục quốc doanh để làm các đấng cai quản cái gọi là ‘giáo hội tự trị.’ Các chú cứ ỷ mình đông dân nên chuyên môn áp dụng chính sách ‘lấy thịt đè người,’ ‘cả vú lấp miệng em,’ để cho ‘sống chết mặc bay.’

Nhưng có một khía cạnh đã, đang và còn sẽ di hại không biết cho tới bao giờ, cho chính nước gốc của các chú, cho chính nhân dân TQ, và cho cả nhân loại nói chung nữa, đó là quan niệm trọng nam khinh nữ, thể hiện qua ‘quốc sách một con.’

“Chính sách một con’ của TQ đã gây nên không biết bao nhiêu cảnh bạo hành lầm than khốn khổ cho người phụ nữ và cho các thanh thiếu nữ, hơn bất kỳ một chính sách nào trên mặt đất này, hơn bất kỳ một quốc sách nào đã từng được áp dụng trong toàn thể lịch sử thế giới.” Lời tuyên bố hết sức gay gắt này được thốt ra từ cửa miệng của Reggie Littlejohn, một nữ luật sư Hoa Kỳ, người đã thành lập hội “Quyền Phụ Nữ Không Biên Giới”--một liên hội quốc tế chuyên nhắm mục tiêu đả phá những vụ phá thai cưỡng bách và nô lệ tình dục tại TQ. Là một thiếu nữ đến từ California, ngay từ khi còn trẻ, đã sát cánh với Mẹ Têrêsa làm việc tại những khu ổ chuột ở Calcutta (Ấn Độ), Littlejohn lần đầu tiên va chạm với chính sách (quái đản) nói trên khi đứng ra đại diện cho các phụ nữ TQ xin được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào những năm của thập niên 1990.

Cô nói: “Trước hết, họ bị bách hại với tư cách là những Kitô hữu, tiếp theo đó là bị cưỡng bách triệt sản. Điều này mở ra trước mắt tôi hai vùng thế giới hoàn toàn mới lạ, vì nó hoàn toàn xa lạ đối với tôi.”

Trong chuyến về thăm Giáo Đô Rôma mới đây, nữ luật sư có dịp tiếp xúc với ZENIT, và đã định nghĩa tóm tắt ‘chính sách một con’ như là “một cuộc chiến tranh chống lại nữ giới tại TQ.” Việc cưỡng bức phá thai trở thành ‘chuyện thường ngày ở huyện’ đối với các phụ nữ nào vi phạm chính sách, kéo dài trong suốt chín tháng mang bầu. “Đã cưỡng bức thì tất nhiên phải dùng võ lực,” nữ luật sư nói, “các người phụ nữ chết tức tưởi cùng với các thai nhi đã đủ ngày đầy tháng.”

Nhưng sự tàn ác trong việc cưỡng bức phá thai không phải là sự vi phạm nhân quyền duy nhất vốn là kết quả của ‘chính sách kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)’ thần sầu của TQ. Vì trọng nam thành ra phải truy diệt nữ giới, qua việc phá thai, bỏ mặc và sát nhi. Kết quả là cả một cao trào nô lệ tình dục do bởi việc tru diệt thơ nhi nữ khiến cho mức chênh lệch nam nữ ngày càng cao, phỏng chừng có 37 triệu người nam nhiều hơn số người nữ, việc này tất nhiên đưa đến nhu cầu tăng gia buôn bán trao đổi phụ nữ từ các nước láng giềng vào TQ.

‘Chính sách một con’ còn là nguyên nhân mức tự tử của phụ nữ TQ cao hơn hẳn mọi nước. Theo ước lượng của WHO—cơ quan sức khỏe thế giới—thì mỗi ngày có khoảng 500 phụ nữ TQ tự kết liễu đời mình. “Tôi không nghĩ rằng điều này chẳng có liên quan gì đến nạn cưỡng bức phá thai, cưỡng bách triệt sản, và sát nhi,” cô Littlejohn nói.

Tuy nhiên nạn nhân không phải chỉ là phụ nữ và các thanh thiếu nữ mà thôi đâu. Theo nhiều câu chuyện từ TQ rỉ ra qua những cá nhân lúc nào cũng nằm trong cơn nguy tử thì chính quyền còn áp dụng muôn vàn phương cách tàn độc nhằm cho mọi thành viên trong gia đình phải thực thi chính sách. “Thật là kinh hoàng ghê tởm,” cô Littlejohn nói. Tháng Ba vừa qua đã xẩy ra một vụ là quan chức KHHGĐ đến nhà một người đàn ông để bắt em gái anh ta phải triệt sản. “Vì cô em gái vằng nhà, nên viên chức liền nện cho người cha một trận. Khi người đàn ông nhẩy vào can thiệp cho cha thì viên chức rút dao ra lụi cho anh ta hai phát vào tim, chết tươi ngay lập tức. Như vậy là giết người chứ còn là gì nữa!”

Cho đến nay, kẻ giết người đó vẫn phây phây, cho dù gia đình cố gắng lên tiếng, còn báo chí thì ém nhẹm vụ này. “Các viên chức KHHGĐ dẵm lên trên luật pháp,” cô Littlejohn nói tiếp, “họ muốn làm gì cũng được, kể cả việc khủng bố nhân dân.”

Thống kê về thành quả của ‘chính sách một con’ của TQ thấy mà rởn tóc gáy. Từ khi bắt đầu cho áp dụng chính sách vào năm 1979 đến nay, chính quyền khoe là đã ngăn chặn thành công 400 triệu sinh linh ra đời, với trung bình 13 triệu vụ phá thai hằng năm. Thành quả này tương đương với 1,458 mạng người tiêu vong cứ mỗi 60 phút, hay nói theo Littlejohn, thì “cứ mỗi giờ lại có một vụ thảm sát Thiên An Môn.”

“Điều trớ trêu là TQ thiết lập ‘chính sách một con’ nhằm mục tiêu kinh tế,” cô Littlejohn giải thích, “họ muốn giảm thiểu số bát cơm phải xới để tiết kiệm tiền, thế nhưng, chính sách này giờ đây đã trở thành án tử hình kinh tế của TQ.”

Nữ luật sư nêu ra hai lý do: (1) Sự mất quân bình của 37 triệu người nam trội hơn số người nữ đã phát sinh ra nạn buôn người và nô lệ tình dục tại nội địa TQ và các nước láng giềng; (2) TQ chẳng bao lâu nữa sẽ có dân số già nua mà giới trẻ lớn lên không trám kịp. Littlejohn gọi đây là hiện tượng “sóng thần tuổi già” sẽ ập vào TQ vào khoảng năm 2030.

Cô nói: “Họ không hề có hệ thống an sinh xã hội, và theo tôi biết, họ không hề có một kế hoạch hữu hiệu để đối phó với khối lượng người già ngày càng gia tăng này.” Nữ luật sư tỏ mối quan ngại về “sự khởi đầu và kết thúc cuộc sống” tại TQ vì “không biết họ sẽ xử trí thế nào về giai đoạn kết thúc cuộc sống khi cơn sóng thần tuổi già ập đến?” Tuy có truyền thống ‘kính lão đắc thọ’ nhưng khi đối diện với hậu quả của ‘chính sách một con’ thì liệu việc ủng hộ cao trào ‘an tử’ có dành phần thắng không?
“Rõ ràng là ‘chính sách một con’ không còn lý do nào để tồn tại,” Littlejohn nói, “tôi nghĩ rằng đây không phải là kiểm soát dân số, mà là kiểm soát xã hội.” Thế nhưng, nhà cầm quyền TQ thì bảo rằng ‘chính sách một con’ sẽ vẫn tiếp tục ít là cho đến năm 2015, cho dù mới đây đã thấy dấu hiệu cho phép có ‘chính sách hai con.’ Tuy nhiên, theo Littlejohn, thì vẫn còn đó nạn cưỡng bức phá thai, triệt sản hay sát nhi. Vấn đề dân số quốc gia thì chẳng có dấu hiệu tiến bộ nào. ‘Chính sách hai con’ đã được áp dụng tại các vùng thôn quê và cho các nhóm dân tộc thiểu số nếu con trưởng là con gái, nhưng điều này không hề giúp ngăn chận nạn sát hại trẻ gái trong một đất nước chuộng trẻ trai.

Cho dù nhà cầm quyền TQ cứ làm ngơ cho bạo hành và sát nhi tràn lan, thì các chính quyền phương Tây chẳng gây áp lực gì nhiều cho TQ thay đổi chính sách. Littlejohn nói: “Họ yếu xìu. Lẽ ra các nhà hoạt động nhân quyền phải coi đây là ưu tiên hàng đầu bởi vì TQ là nước đông dân nhất thế giới. Cứ năm người trên thế giới này thì có một người phải sống trong gọng kìm của ‘chính sách một con’ của TQ. Mà không phải chỉ có phụ nữ mà thôi đâu; đàn ông cũng thế. Người ta tự hỏi tại sao phụ nữ không chạy trốn đi với trẻ sơ sinh của mình. Dĩ nhiên là được, nhưng rồi họ sẽ búa người bố, người anh, người chồng trong gia đình. Thế thôi.”

Littlejohn còn nói thêm rằng Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chủ trương khá cứng rắn đối với nạn cưỡng bức phá thai tại TQ, và chính TT Hoa Kỳ cũng tỏ ý quan tâm như vậy. Thế nhưng khi phải tường trình về vấn đề này, thì Bà Ngoại Trưởng cho biết rằng chủ trương cứng rắn này chưa được “chuyển thành hành động cụ thể.” Littlejohn kết luận rằng việc này sẽ chẳng đi đến đâu cả vì Mỹ đang nợ TQ như chúa chổm.

Hơn nữa, cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Quốc (LHQ) đều đang gián tiếp tài trợ cho chính sách này thông qua Quỹ Kế Hoạch Hoá Gia Đình LHQ—UNFPA—cũng như Ủy Ban Kế Hoạch Gia Đình Quốc Tế--IPPF—và Qũy Quốc Tế Marie Stopes. Các tổ chức này đều cung ứng phương tiện phá thai tại TQ. Mặc dù Hoa Kỳ đã cắt khoản tài trợ dành cho UNFPA vào năm 2001 vì khám phá ra nhóm này thông đồng thực thi ‘chính sách một con.’ Thế nhưng, không hiểu sao Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại tái tài trợ cho nhóm này vào năm 2009.

Tuy nhiên, hiện đang có nhiều vận động tại Hoa Kỳ nhằm cắt bỏ việc tài trợ nói trên. Do đó, Dân Biểu Renee Ellmers sẽ đệ trình dự luật cắt bỏ tài trợ cho UNFPA, tiết kiệm được khoảng 400 triệu Mỹ Kim trong vòng 10 năm sắp đến. Dĩ nhiên dự luật còn phải được ủy ban thông qua và Hạ Viện phê chuẩn mới có hiệu lực. Cử tri cần gia tăng áp lực đến các thành viên quốc hội về vấn đề này.

Về mặt tích cực, chính sách ‘quái đản’ này đã không chỉ kéo hai nhóm ‘phò sự sống’ và ‘phò chọn lựa’ xích lại gần nhau trong việc phòng chống nạn cưỡng bức phá thai, mà còn liên kết các tôn giáo với nhau nữa. Dân TQ dù theo đạo Kitô, Do Thái, hoặc Hồi giáo hay Phật giáo, chẳng ai ủng hộ phá thai cả. Nếu bị cưỡng bức phá thai, các tín hữu nói trên đều coi đó là một hình thức bách hại tôn giáo vậy.

Trong viễn ảnh bi thảm về nhân quyền như thế, Littlejonh vẫn tỏ ra lạc quan hy vọng rồi đây sẽ có thay đổi. Cô nói: “Không thể cứ kéo dài mãi thế này được. Hoặc Cộng Sản TQ sẽ đồng ý chấm dứt tệ nạn tàn ác này, hay nó sẽ phải chấm dứt bất chấp họ đồng ý hay không.”
Xin vào đây để xem phóng sự ngắn của hội “Quyền Phụ Nữ Không Biên Giới”
www.youtube.com/watch?v=JjtuBcJUsjY

Viết theo China’s War Against Women and Girls trong www.zenith.com, ngày 06/02/11.


06/05/11

Lễ Chúa Thăng Thiên

Nguyễn Kim Ngân

Không có nhận xét nào: